Chùa Linh Ứng hay còn được gọi là chùa Hói tọa lạc trên địa bàn thôn Cao Dương, huyện Gia Lộc (Hải Dương).
Hiện tại chưa biết chùa được khởi dựng năm nào, tuy nhiên theo một số hiện vật như bia, Thiên đài thạch trụ còn lưu giữ, bước đầu xác định chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI. Trong văn bia có tại chùa Linh Ứng đã khẳng định chùa là danh lam, nơi đây là cảnh giới trang nghiêm của cõi Phật.
Căn cứ vào ghi chép của bia đá Linh Ứng tự bi kí và Trùng tu Linh Ứng tự bi kí, thì chùa đã có từ khoảng thời Hậu Lê đến thời Mạc. Trong văn bia cho biết chùa Linh Ứng đã bị cháy do chiến tranh dẫn đến hư hỏng, đến năm Hoằng Định thứ 11 (1611) thì khắc bia thuật lại sự việc. Quá trình trùng tu này được tiến hành vào năm Giáp Tuất (1574) dưới thời Mạc Mậu Hợp bao gồm đúc tượng, dựng tiền đường, thượng điện, tam quan, tường bao xung quanh. Người có công lao lớn trong việc trùng tu xây dựng là Thái trưởng công chúa cùng với 7 thiện tín ở Hải Dương phát tâm góp công sức tiền bạc, ruộng để xây dựng.
Trên cây Thiên đài thạch trụ đặt trước chính điện chùa Linh Ứng được nghệ nhân tạo thành 4 cạnh gọi là tứ giác, hai mặt có văn khắc bằng chữ Hán - Nôm, trên đỉnh được tạc một bông sen (biểu tượng của nhà Phật) mặt trên có lỗ để cắm hương. Bông sen được tỉa thành nhiều cánh thường số cánh là số lẻ giữa bông sen đó đục rỗng để cắm hương, bông sen này có thể xoay 3600 được. Về ý nghĩa của cây hương nó như một cột kỳ đài, một cột trụ trời được trồng trước chính điện của chùa để nhân dân thắp hương cầu Trời khấn Phật, nó còn có tên gọi khác là “Kính thiên đài chúc”, “Thiên đài thạch trụ”. Bài văn khắc trên cây hương ghi lại việc xây dựng công đức lập đài thiêu hương dùng để cúng Phật và cúng Trời của tín thí phát tâm.
- Hà Nội: Tôn tạo, tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương
- Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm
- Khẩn trương tu bổ di tích Chùa Cầu, Hội An
Theo lời văn khắc trên Thiên đài thạch trụ dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706) (cây hương) còn dựng phía trước của chùa cho biết vợ chồng gia đình Thiện sĩ là Hoàng Văn Lặc tên tự là Phúc Vĩnh cùng hai bà vợ là Hoàng Thị Lớn và Võ Thị Lệ đã hưng công xây dựng Thiên đài để thờ Trời Phật tại chùa. Lời văn ghi rằng “người vì tôn trọng Phật mà lập Thiên đài để phụng thờ Trời” đó là vì kính Trời mà mong muốn thờ Cửu thiên huyền nữ.
Cây Thiên đài được dựng thời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh, trải qua thời gian đã hơn 300 năm nhưng những chữ Hán còn khắc trên Thiên đài vẫn còn rõ nét. Cây hương đá tại chùa giúp cho chúng ta tìm hiểu rõ hơn quá trình phát triển của chùa. Cây hương đá cũng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo phản ảnh nghệ thuật chạm khắc với motip về những cỏ cây, hoa lá gắn bó với cuộc sống của con người và chốn thiền lâm. Với sự xuất hiện của Thiên đài thạch trụ tại chùa Linh Ứng, một lần nữa khẳng định ngôi chùa có lịch sử từ lâu đời, trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay cảnh chùa với muôn cây xanh biếc thực sự là nơi thanh tịnh chốn thiền lâm.
Theo Báo điện tử Văn hóa
Tags