Phát triển hiệu quả hoạt động quảng cáo góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa

Thứ Sáu, 18/10/2024 16:09 GMT+7

Google News

Phát triển công nghiệp văn hóa là xu thế đang diễn ra mạnh mẽ, là một trong các trụ cột đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Hoạt động quảng cáo là ngành cần được phát triển hiệu quả, vừa góp phần phát triển kinh tế vừa đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân.

Phát huy thế mạnh

Là một trong các ngành của công nghiệp văn hóa, hoạt động quảng cáo đóng vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu quốc gia và hình ảnh đất nước Việt Nam tới các nước trong khu vực và toàn thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn khẳng định, quảng cáo đã dần trở thành thiết yếu trong cuộc sống. Từ những quảng cáo tự phát nhỏ lẻ, nay đã phát triển thành một ngành công nghiệp có quy mô rộng lớn, gắn kết các lĩnh vực; là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Phát triển hiệu quả hoạt động quảng cáo góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Công nghiệp văn hóa có nhiều thành tựu nổi bật; được thành lập năm 1905, từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo, trở thành nơi “đánh thức” các di sản, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển văn hóa Thủ đô. Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Xu hướng phát triển công nghệ kỹ thuật số đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động quảng cáo (trên mạng xã hội, qua thiết bị di động, hiển thị tự nhiên...) tại thị trường quảng cáo Việt Nam. Các doanh nghiệp ngày càng hướng sự chú ý và quan tâm nhiều hơn đến việc quảng bá thương hiệu trên các kênh kỹ thuật số.

Hiện nay, tại nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hoạt động quảng cáo phát triển khá sôi động, đa dạng. Đơn cử, Thành phố Hồ Chí Minh với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, dân cư đông đúc, mức độ tiêu dùng sản phẩm thuộc diện đứng đầu cả nước, ngành quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng với các sản phẩm, dịch vụ được đưa ra thị trường ngày càng đa dạng. Ở Thành phố đang có khoảng 10.000 bảng quảng cáo sử dụng công nghệ và hạ tầng viễn thông. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, tại Thành phố có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa (chiếm 7,74% số doanh nghiệp trên địa bàn), trong đó có các doanh nghiệp ngành quảng cáo.

Cùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có nhiều thế mạnh phát triển ngành công nghiệp quảng cáo. Tỉnh ở vị trí cửa ngõ, kết nối với nhiều vùng kinh tế của đất nước và hướng ra quốc tế; nằm trong tứ giác phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng Nai là mắt xích quan trọng trong liên kết nội vùng thông qua kết nối đa phương tiện gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Tỉnh nhìn nhận vị trí địa lý chính là một trong các tiềm năng, lợi thế để các công ty khai thác hoạt động quảng cáo, đặc biệt là các bảng quảng cáo ngoài trời. Các tuyến cao tốc đi qua Đồng Nai như Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Dầu Giây - Phan Thiết … cũng là yếu tố rất thuận lợi để các doanh nghiệp lĩnh vực quảng cáo đầu tư, khai thác.

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, ở tỉnh có trên 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, bộ máy hoạt động, công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp lĩnh vực quảng cáo luôn cập nhật những hình thức mới, tận dụng sự phát triển của công nghệ để nâng chất lượng, hiệu quả của hoạt động quảng cáo thương mại. Trung bình mỗi năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo bao gồm quảng cáo pano tấm lớn, nhỏ, các băng rôn, đoàn quảng cáo.

Đáp ứng cả nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ văn hóa

Các chuyên gia và nhà quản lý nhận định, tuy có nhiều lợi thế và đã đạt được kết quả không thể phủ nhận song hiện nay, hoạt động quảng cáo cũng còn một số bất cập. Một số sản phẩm quảng cáo thiếu trung thực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, thậm chí là vi phạm pháp luật. Do đó, để phát triển hiệu quả ngành quảng cáo - một ngành thuộc công nghiệp văn hóa tương xứng tiềm năng, lợi thế, mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn, góp phần phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc. Đồng thời cần có các giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong giai đoạn mới.

Phát triển hiệu quả hoạt động quảng cáo góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, để phát huy vai trò của hoạt động quảng cáo đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này; trong đó ngành quảng cáo là một “mắt xích” quan trọng, bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Đồng thời, cần có sự giao thoa, kết nối màu sắc, diện mạo, sức sống mới trong việc kết hợp quảng cáo với điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa, góp phần phối hợp thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Quan tâm khía cạnh mỗi quảng cáo không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn gửi gắm thông điệp, Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ quan điểm: Quảng cáo không chỉ hướng đến tiêu dùng sản phẩm mà còn là thông điệp giáo dục. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động các loại hình quảng cáo vì vậy còn mang giá trị nhân văn, đóng góp nhiều giá trị văn hóa cho đời sống cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, hoạt động quảng cáo đã có bước phát triển mạnh với sự gia tăng về số lượng, đa dạng về phương thức. Trong khi đó, hệ thống chính sách, pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, Luật Quảng cáo cần được sửa đổi, bổ sung, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; đồng thời khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.

Theo lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và tính chất đặc thù, năng lực cạnh tranh, Thành phố chọn 8 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa để phát triển từ nay đến năm 2030, trong đó có ngành quảng cáo. Thành phố xây dựng, ban hành quy chế phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo (quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ thông tin và trên môi trường mạng), xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vị trí quảng cáo, liên kết tổ chức các cuộc thi quảng cáo quốc tế và thiết kế sản phẩm quảng cáo hiện đại. Đồng thời, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm quảng cáo điện tử.

Thanh Trà/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›