Những tác phẩm văn học thiếu nhi góp phần gieo những hạt giống của cái đẹp và lòng nhân ái vào tâm hồn trẻ em hôm nay và các nhà văn chính là những người “gieo” những hạt giống nhân văn ấy thông qua các tác phẩm văn học.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, mảng văn học đề tài thiếu nhi ít nhiều bị lãng quên. Vài năm trở lại đây, mảng đề tài này đang được quan tâm và có những chuyển biến tích cực, tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới cho văn học thiếu nhi.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về đề tài này. Trân trọng giới thiệu:
Vài năm trở lại đây, mảng đề tài văn học thiếu nhi đang được các cơ quan, tổ chức và cá nhân quan tâm, góp phần tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới cho văn học thiếu nhi, làm phong phú đời sống văn học của trẻ em.
Nở rộ giải thưởng văn học thiếu nhi
Cuối tháng 5/2024, Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn mùa thứ 5 đã được trao cho các tác giả có những tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc dành cho thiếu nhi. Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5-2024 thu hút sự tham gia của 135 tác phẩm được sáng tác, hoàn thiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2023 - 20/4/2024.
Trong đó, Giải Hiệp sỹ Dế mèn được trao cho nhà văn Lý Lan với Tự truyện một con heo cùng những cống hiến cho văn học thiếu nhi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao 5 giải đồng hạng mang tên Khát vọng Dế mèn cho 5 tác phẩm xuất sắc.
Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn do Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sáng lập và tổ chức thường niên từ năm 2020, nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi. Giải thưởng được tổ chức với mong muốn tìm kiếm và tôn vinh những luồng gió mới trong sáng tác văn học, nghệ thuật của thiếu nhi, vì thiếu nhi, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều tác giả trên khắp mọi miền đất nước.
Sau một năm phát động, Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất (2023-2025) đã mang đến cho những người yêu văn học thiếu nhi những tín hiệu vui. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết, kể từ khi phát động (30/5/2023) đến nay, Ban tổ chức Giải thưởng Văn học Kim Đồng đã nhận khoảng 300 tác phẩm được gửi dự thi.
Nhà xuất bản Kim Đồng đã xuất bản 2 đợt với khoảng 14 đầu sách, gồm cả truyện ngắn, truyện dài, thơ của các tác giả cả chuyên nghiệp và không chuyên, trong đó có nhiều nhà văn tên tuổi. Cụ thể, cuối tháng 3/2024, 5 tác phẩm đầu tiên dự Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất đã được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản giới thiệu với bạn đọc, gồm các tác phẩm: Quà Tết của rừng xanh (Hồng Chiến), Cánh diều hình nốt nhạc (Niê Thanh Mai), Mùa động rừng (Sương Nguyệt Minh), Nhẩy lên và hét (Phong Điệp), Đại náo nhà ông ngoại (Nguyễn Xuân Thủy).
Ở đợt thứ hai, vào dịp Tết Thiếu nhi 1/6, Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm dự giải gồm: Hải Âu đi tìm cha (Nguyễn Thu Hằng), Nết Na và Cù Nhây (Yên Khương), Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh (Lê Đức Dương), Những đám mây ngoan (Vũ Thị Huyền Trang), Lạc khỏi ngân hà (Yên Yên), Cậu bé Bi Đất (Bôn Đông Huân), Bạn có thích làm mèo (Đ.T. Hoài Thư) và 2 tập thơ: Hạt bắp vỗ tay (Nguyễn Thánh Ngã), Chú dế đêm trăng (Mai Quyên).
Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, đến nay, Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ Nhất đã có được những kết quả khả quan đúng với mục tiêu phát hiện thêm những cây bút tài năng viết cho thiếu nhi, có thêm các tác phẩm văn học mới, có chất lượng, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về con người, đất nước Việt Nam…
Trước đó, vào tháng 2/2024, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trao thưởng đợt 1 Cuộc vận động sáng tác cho văn học thiếu nhi. Từ khi phát động vào cuối năm 2021 cho đến ngày 15/6/2023 (hạn cuối của đợt 1), Ban tổ chức đã nhận được 246 tác phẩm tham dự, trong đó có 102 tác phẩm thơ, 144 tác phẩm văn xuôi. Ban tổ chức đã chấm chọn và trao giải thưởng cho 16 tác phẩm xuất sắc, gồm 1 giải A, 2 giải B, 5 giải C và 7 giải khuyến khích. Đợt 2 của cuộc vận động đang tiếp tục được tổ chức, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 7/2025.
Với nỗ lực “đánh thức” ngòi bút viết cho trẻ em, tháng 6/2023, Giải thưởng sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố khởi động. Qua một năm phát động, Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm, gửi tác phẩm tham dự của nhiều tác giả, nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách. Hội đồng chuyên môn Giải thưởng cũng đã được thành lập gồm những chuyên gia đầu ngành, nhà phê bình lý luận văn học có uy tín, phù hợp với lĩnh vực sách, nhằm thực hiện công tác đánh giá các tác phẩm công tâm, khách quan và có chất lượng cao. Giải thưởng được tổ chức góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng, số lượng sách dành cho thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Phát hiện những tài năng
Những cuộc thi và giải thưởng văn học thiếu nhi được tổ chức trong thời gian gần đây đã cho thấy, lĩnh vực văn học dành cho thiếu nhi đang có sự khởi sắc và được quan tâm nhiều hơn. Hàng nghìn tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi đã ra đời, trong đó có nhiều tác phẩm có chất lượng cao, được đông đảo bạn đọc yêu mến… Làn sóng sáng tác văn học thiếu nhi đang có những chuyển biến tích cực, các giải thưởng không chỉ tôn vinh những tác giả đã thành danh, mà nhiều cây bút trẻ, kể cả những cây bút nhí đã xuất hiện, làm cho diện mạo văn học thiếu nhi đang dần đổi thay.
Đơn cử, trong Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn, bên cạnh những "cây đa", "cây đề" trong làng sáng tác văn học cho thiếu nhi như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Trần Đức Tiến, nhà văn Lý Lan… Ban Tổ chức còn phát hiện và ghi nhận những tác giả trẻ, thậm chí rất trẻ viết cho thiếu nhi và viết về thiếu nhi. Có thể kể đến các cây bút nhí như: Cao Khải An nhận giải Khát vọng Dế mèn năm 12 tuổi, với bản thảo tập truyện Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm; Nguyễn Vũ An Băng nhận giải Khát vọng Dế mèn năm 9 tuổi với bản thảo chùm 4 truyện ngắn đồng thoại; Đoàn Lữ Thụy Phương nhận giải thưởng của Hội đồng giám khảo (Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn) năm 11 tuổi với chùm bản thảo Tôi, bố tôi, và… và Từ những bức thư được trao giải thưởng của Hội đồng Giám khảo. Chùm bản thảo ấy đã được Nhà xuất bản Kim Đồng biên tập và ấn hành dưới cái tên Bố con Cà Khịa và những bức thư; Lê Sinh Hùng nhận giải “Khát vọng Dế mèn” năm 14 tuổi với bản thảo tranh truyện Thư viện kỳ bí…
Tương tự, ở Cuộc vận động sáng tác cho văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, bên cạnh sự tham gia của những nhà văn, nhà thơ lớn tuổi, uy tín trên văn đàn như Lê Hồng Thiện, Võ Khắc Nghiêm, Ngân Vịnh, Phạm Đình Ân, Đặng Huy Giang, Đinh Công Thủy… thì cũng xuất hiện nhiều gương mặt tác giả mới với luồng sinh khí mới như Dương Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Cẩm Hà, Mai Quyên, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Xuân Lai...; thậm chí có tác giả nhỏ tuổi như Kul Nguyễn, 10 tuổi với tác phẩm Tích cực, Vũ Khánh Huyền, 11 tuổi với tác phẩm Mùa hè quê ngoại…
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam hạng mục Văn học thiếu nhi năm 2023 cũng vinh danh tác giả sinh năm 1996 - Lê Quang Trạng với tập truyện dài cho thiếu nhi Cá linh đi học.
Bên cạnh việc thu hút các tác giả ở nhiều độ tuổi tham gia, các cuộc thi và giải thưởng văn học thiếu nhi còn thu hút sự tham gia của đông đảo các tác giả trên khắp các vùng miền, từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, từ Đồng bằng sông Cửu Long lên Tây Nguyên, qua miền Trung, ra miền núi phía Bắc. Có nhiều tác giả hiện đang sinh sống hoặc học tập, công tác tại nước ngoài cũng nhiệt tình tham dự…
Nhiều ý kiến nhà văn khi được hỏi đều cho rằng, họ viết vì niềm đam mê sáng tạo, vì lòng yêu nghề, nên dù không có giải thưởng thì họ vẫn viết. Tuy nhiên, các nhà văn cũng khẳng định, giải thưởng cũng tạo ra niềm vui, sự khích lệ với họ, bởi từ đó họ được công nhận nỗ lực làm nghề, nhất là những người viết cho thiếu nhi. Vì vậy, các cuộc thi văn chương và giải thưởng văn học thiếu nhi càng nhiều càng tốt, bởi điều đó góp phần khơi dậy hứng thú, cảm xúc và tạo động lực cho nhiều người viết, thúc đẩy phát triển mảng sách thiếu nhi phát triển.
Có thể nói, những cuộc vận động sáng tác, những giải thưởng văn học viết về đề tài thiếu nhi liên tục được tổ chức đã thực sự mang tới những gương mặt mới, những cây bút mới, những tác phẩm hay đến với trẻ thơ, góp phần làm giàu có và phong phú thêm cho đời sống văn học của trẻ em.
Bài cuối: Phát triển văn học thiếu nhi: Lấp dần những “khoảng trống”
Tags