(Thethaovanhoa.vn) - Có thể gọi 36 mảnh ghép kỳ lạ mà hấp dẫn với những ngẫu hứng buông thả theo cảm xúc trong tập phiếm văn Thõng…ơi! của Tuyết Lan Trần là một cảnh giới chạm vào cõi Thiền giữa nhiều xô lệch phàm trần.
1. “Thõng”, chỉ một từ mà gợi thật nhiều hình ảnh hiện thực và huyền ảo đến mê hoặc. Như chị viết, “…cái sự thõng ấy chả riêng giới nào, chả riêng cái nào…”. Có lẽ vì thế mà trong một thế giới có phần hỗn mang với nhiều hỉ- nộ- ái- ố- ai- bi- lạc- dục như hiện tại, cảm giác “thõng” mang đến nhiều tưởng tượng thú vị và quyến rũ.
Mở đầu tập phiếm văn, có sự hữu ý để tạo sự lúng liếng, mời gọi nhiều ẩn ý, như mở hé cánh cửa, bên trong là hư ảo nhân gian để thiên hạ tò mò bước vào Thõng…ơi!.Đong sư, phảng phất câu ca dao xưa “ba cô đội gạo lên chùa / một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư…”, nhưng cái sự “đong” này lại đòng đưa rất Thị Mầu, là “style” Mầu của thế kỷ 21, si mà rất tỉnh, chẳng dại khờ để mắc lưới mê tình. Rồi Chính chuyên thì sang, lẳng lơ thì sướng,Nắng quái, Người cũ có đi, Người mới mới tới…
Đỉnh điểm của sự mê hoặc rất đời, rất phàm tục, nhưng lại là một câu chuyện vừa thầm kín mà phóng khoáng gợi cảm là “Người được chọn: một ký sự viết về một nghề nhạy cảm, hành vi nhạy cảm nhưng thật xúc độngvà không giống như một cuộc mua – bán vô cảm được mặc định.
Một mê hoặc khó cưỡng khác trong Thõng… ơi!là việc có đủ bốn món ăn chơi tao nhã của văn nhân tài tử: cầm-kỳ-thi-họa. Người đọc khó mà hững hờ với những phác thảo chân dung vừa đơn sơ vừa phức tạp, những góc khuất cuộc đời của nhiều tên tuổi giới“nghệ”, những bí ẩn đằng sau tác phẩm được giải mã…
Đó là chân dung mờ mờ nhân ảnh của một nhà điêu khắc nổi tiếng trong Tôi là một khoảng không thời gian, không đầu, không cuối; là người họa sĩ “tài hoa, lắm trò nhiều tích, sợ buồn, sợ cô đơn, thèm bạn bè, thèm tâm sự" trong Những nỗi niềm ngang trời; là một "ả" văn nổi tiếng của văn chương Việt đương đại trong“Cuối cùng thì đàn bà muốn gì?; hay một nhà văn luôn ám ảnh với nhiều câu chuyện không thể viết ra được trong Nỗi buồn chiến tranh...
Trong những cuộc đối thoại rất đời thường với nhiều nhân vật nổi tiếng ấy, hình như ai cũng có mong muốn một sự an bình, thảnh thơi, cũng có những khoảnh khắc muốn “thõng”…
2. Có một giấc mơ Thiền lãng đãng trong Thõng… ơi! qua những trang viết tưởng chừng tự do, trôi theo cảm xúc, nhưng ẩn sâu trong đó là sự lắng đọng của chữ “tình” với nhiều ý nghĩa, là sự buông bỏ nhẹ nhàng những tham- sân- si nặng nhọc đam mê đời phàm tục, hướng đến sự hoàn hảo chân- thiện- mỹ nhân gian.
Những câu chuyện nhỏ về người bố như Người Thầy, Mùi mưa, đến người em Đồng chất đồng màu, người bạn (Nó) viết cho con gái (Dịu dàng ơi), viết cho chính mình (Em đi đâu hỡi cô nàng ơi)..., là những trang viết sâu lắng về tình yêu với nhiều cung bậc - mà ngay như người đọc cũng muốn đọc chậm, để chạm vào cảm xúc, để lắng cái tình trong đó.
Và, có cả một chút hài hước trong Thõng… ơi!, duyên và khá tinh tế. Nói không ngoa, 36 mảnh ghép trong tập phiếm văn này là 36 nụ cười với các cung bậc khác nhau. Có thể cười mỉm nhẹ nhàng, có thể cười phá lên vì thú vị, có thể cườimà rưng rưng nước mắt, và có cả nụ cười tinh quái… Gần như mỗi bài viết, mỗi câu chuyện đều có ít nhất một nụ cười với người đọc.
Thõng…ơi! có lối viết ngắn, hiện đại, ngôn ngữ không có sự bóng bảy, nhưng nhiều màu sắc, gợi cảm, và đặc biệt nhiều trang viết mang tính hội họa đậm đặc.
Tác giả là Trần Tuyết Lan, cây bút nữ có nhiều ẩn số bởi cách viết không chỉ, khúc triết mà còn khá đa dạng - rất nhiều thể loại từ ký, ký sự, tùy bút, tản văn, thơ, truyện ngắn, đối thoại, chân dung, phê bình nghệ thuật…cùng xuất hiện chỉ trong một tập phiếm văn.
Thõng… ơi!có thể đọc giải trí mà cũng có thể đọc chậm để nghĩ về nhân tình thế thái trong cõi người này.
Tác giả Tuyết Lan Trần (tên thật Trần Tuyết Lan) sinh năm 1970, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, từng làm việc tại báo Thể thao Việt Nam. Chị từng có tập sách Chân dung người đương thời vào năm 2008 (viết chung với các tác giả khác). |
Hoài Văn
Thể thao & Văn hóa
Tags