Phiên bản hiếm của kiệt tác "The Kiss" được đưa ra đấu giá

Thứ Ba, 15/04/2025 17:20 GMT+7

Google News

Sau gần 1 thế kỷ "nằm im", 1 trong những phiên bản đầu tiên vô cùng đáng giá của kiệt tác The Kiss (Nụ hôn, do huyền thoại điêu khắc Rodin thực hiện), sẽ được trưng bày vào đấu giá tại Pháp vào tháng 4 này.

Gắn với hình tượng một đôi tình nhân bi thảm ôm nhau trước khi bị phát hiện, đây là 1 trong những tác phẩm nghệ thuật được công nhận rộng rãi nhất thế giới.

Luôn được khao khát sở hữu

Nghệ sĩ người Pháp Rodin đã có ý tưởng về The Kiss (Le Baiser) vào năm 1882. Tác phẩm nghệ thuật có chất liệu đá cẩm thạch, với kích thước lớn hơn người thật, đã ra đời 1 thập kỷ sau đó. Vào thời điểm đó, Auguste Rodin là nhà điêu khắc quốc tế có ảnh hưởng nhất thời bấy giờ.

Hàng chục phiên bản của The Kiss đã được thực hiện trước khi Rodin qua đời ở tuổi 77 vào năm 1917. Hàng chục bản sao chính thức và nhiều bản sao khác đã xuất hiện sau đó, khiến tác phẩm này trở thành 1 trong những tác phẩm nghệ thuật được sao chép nhiều nhất trên thế giới.

Phiên bản hiếm của kiệt tác "The Kiss" được đưa ra đấu giá - Ảnh 1.

Nhà điêu khắc vĩ đại Auguste Rodin

Hiện nay, một bức tượng đồng hiếm có về The Kiss, được sản xuất vào thời Rodin còn sống, có chữ ký của người nghệ sĩ và đã nằm trong tay tư nhân gần như cả thế kỷ qua, sẽ được đấu giá vào tháng này.

Bằng đồng, cao 60cm, đây là 1 trong 3 tác phẩm đầu tiên được đúc ở kích thước này và vẫn giữ nguyên những chi tiết ban đầu của Rodin. Nó được CLB Jockey Argentina (một CLB thượng lưu) đặt làm vào năm 1904 để tặng làm quà cưới cho Lucien Merignac - nhà vô địch đấu kiếm thế giới người Pháp. Cụ thể, nó được đúc tại Pháp vào tháng 7/1904 và được chuyển tới cho Merignac 2 tháng sau đó.

Chuyên gia đấu giá Raphael Courant thừa nhận ông rất ngạc nhiên khi phát hiện ra bức tượng trong phòng khách của một căn hộ gia đình ở miền Tây nước Pháp. Ông miêu tả nó là "một tác phẩm rất đẹp, rất gợi cảm".

"Đây là một tác phẩm rất đáng được khao khát sở hữu. Càng ngày chúng ta càng hiếm khi thấy loại tác phẩm như thế này của Rodin ở bên ngoài bảo tàng" - ông cho biết.

Hình ảnh trong bức tượng là về Paolo Malatesta và Francesca da Rimiri, đôi tình nhân bi thảm trong bài thơ tự sự Thần khúc của Dante. Họ đã bị chồng của Francesca giết sau khi ông này phát hiện vợ mình đang ôm em trai ông.

Phiên bản hiếm của kiệt tác "The Kiss" được đưa ra đấu giá - Ảnh 2.

Bức tượng đồng “The Kiss” của Rodin

Ban đầu, The Kiss vốn được gọi theo tên người phụ nữ là Francesca Da Rimiri. Khi các nhà phê bình lần đầu nhìn thấy tác phẩm, họ đã đề xuất một cái tên đơn giản hơn là The Kiss.

Tuy mang tên là "Nụ hôn", môi của cặp đôi trong The Kiss không chạm nhau, tạo thêm sự căng thẳng cho tác phẩm. Trước tranh cãi về sự gợi cảm trong bức tượng, Rodin chỉ ra rằng cách tiếp cận của ông đối với việc điêu khắc về phụ nữ là để tôn vinh họ và cơ thể của họ - thay vì phục tùng đàn ông.

Đầu tiên, Rodin có ý định đưa đôi tình nhân xấu số vào cánh cửa đồng khổng lồ, The Gates of Hell, vốn được chính phủ Pháp đặt hàng vào năm 1879 cho một bảo tàng mới ở Paris.

Phiên bản hiếm của kiệt tác "The Kiss" được đưa ra đấu giá - Ảnh 3.

Tác phẩm “The Gates of Hell” của Rodin

Sau đó, Rodin đã gỡ cặp đôi này khỏi cổng và biến nó thành một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch độc lập, có kích thước 1,8m. Bức tượng lớn này sau đó được tặng cho Paris Salon vào năm 1898 và hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Rodin ở Paris.

Sau thành công của The Kiss tại Paris Salon, Rodin đã liên hệ với xưởng đúc Maison Barbedienne. Năm 1989, nhà điêu khắc ký đã hợp đồng 10 năm với xưởng đúc, để tái tạo tác phẩm điêu khắc với số lượng không giới hạn.

Năm 1901, Maison Barbedienne đã giới thiệu 2 kích thước của The Kiss, 71cm và 25cm, rồi sau đó là 2 phiên bản thu nhỏ khác với kích thước 40cm. Phiên bản 60cm được đưa ra vào năm 1904. Tổng cộng, có khoảng 60 bức tượng đồng có kích thước 60cm được cho là đã được đúc tại đây.

Các bức tượng đều được đảm bảo là giống bản ở bảo tàng về chi tiết và bầu không khí chung. Rodin giữ lại 20% số tiền thu được sau mỗi lần bán tượng.

Theo báo cáo của bảo tàng Rodin, chỉ riêng xưởng đúc Maison Barbedienne đã sản xuất ra 319 bản The Kiss. Theo luật của Pháp ban hành năm 1978, chỉ có 12 bản đầu tiên mới có thể được gọi là phiên bản gốc.

"Mỗi góc độ của tác phẩm điêu khắc này lại cho phép chúng ta khám phá ra một cơ bắp mới, một đường nét mới hoặc một kiến trúc mới" - chuyên gia Courant.

Nằm yên lặng cả thế kỷ

Bức tượng đồng sắp được mang ra đấu giá có lời đề tặng cho nhà vô địch đấu kiếm Lucien Merignac trên đế.

Merignac là kiếm sĩ người Pháp, xuất thân từ một gia đình có truyền thống đấu kiếm. Ông là con trai của bậc thầy đấu kiếm Louis Merignac - người sở hữu một đấu trường trên phố Joubert, ở quận 9 Paris.

Ông đã giành chiến thắng tại các giải đấu quốc tế ở Budapest năm 1896, Padua năm 1898 và Dunkirk năm 1899, trước khi nhận Huy chương Vàng tại Thế vận hội Olympic Paris năm 1900 ở tuổi 27.

Phiên bản hiếm của kiệt tác "The Kiss" được đưa ra đấu giá - Ảnh 5.

Lucien Merignac, nhà vô địch thế giới và Olympic, đã được tặng bức tượng đồng “The Kiss” như một món quà cưới

Vào tháng 2/1903, Merignac bắt đầu chuyến du ngoạn đến Italy, sau đó là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Argentina. Thời điểm được tặng The Kiss, Merignac vừa đảm nhận vị trí trưởng ban đấu kiếm tại CLB Jockey ở Buenos Aires - một tổ chức lớn được thành lập vào năm 1882 để tập hợp giới tinh hoa Argentina. Ông cũng mới kết hôn với Christina Ruiz de Castillo người Argentina.

Tại Argentina khi đó, Rodin đã là cái tên rất lừng danh. Thủ đô của đất nước Mỹ Latin này có đặt 2 tác phẩm điêu khắc lớn của Rodin là tượng đài Tổng thống Domingo Faustino Sarmiento tại vườn Palermo năm 1900 và tượng The Thinker (Người suy tư) trước Cung điện Quốc hội năm 1907.

Trong suốt cuộc đời mình, Merignac luôn giữ tác phẩm điêu khắc bên mình. Khi rời Buenos Aires vào năm 1906, ông đã mang món quà của mình theo đến Mexico. Tương tự như vậy vào năm 1916, khi ông và vợ chuyển về Pháp và định cư tại La Fleche ở phía Tây nước Pháp.

Vợ ông, Christina, mất năm 1923. Và 14 năm sau, Merignac kết hôn với học trò xuất sắc của mình, Agathe Turgis. Họ sau đó chuyển đến Angers ở thung lũng Loire và khi ông mất năm 1941, Turgis vẫn tiếp tục dạy đấu kiếm, với tượng The Kiss bên mình.

Về sau, The Kiss thuộc sở hữu của một người bán đồ cổ địa phương, trước khi được một học trò cũ của Meregnac mua lại vào cuối những năm 1950. Từ đó cho tới nay, bà lão này đã đặt bức tượng ở yên trong phòng khách nhà mình.

Mãi tới mùa Hè năm ngoái, bà mới liên hệ với nhà đấu giá Chauvire & Courant để bán bức tượng đồng. Với sự giúp đỡ của công ty Perazzone-Brun, nhà đấu giá đã xác nhận được chất lượng của báu vật nghệ thuật này.

"Mặc dù khó có thể phân loại chất lượng giữa các tác phẩm của Rodin, nhưng ở The Kiss có điều gì đó rất đáng kinh ngạc" - chuyên gia Courant chia sẻ - "Mỗi góc độ của tác phẩm điêu khắc này lại cho phép chúng ta khám phá ra một cơ bắp mới, một đường nét mới hoặc một kiến trúc mới".

Bức tượng The Kiss sẽ được trưng bày trước công chúng vào ngày 19/4 và từ ngày 22 đến 25/4. Sau đó, nó sẽ sẽ được nhà đấu giá Chauvire & Courant đấu giá, tại khách sạn des Ventes du Maine ở Angers (Pháp) vào ngày 25/4. Nó được ước tính bán ra với giá từ 300 ngàn tới 500 ngàn euro.

Bức tượng cũng sẽ được đưa vào Danh mục quan trọng về tác phẩm điêu khắc của Auguste Rodin của phòng trưng bày Brame et Lorenceau, dưới sự chỉ đạo của Jerome Le Blay, với số hiệu 2024-7239B.

Câu chuyện từ "Thần khúc" của Dante

Thần khúc (vở kịch thần thánh) là trường ca của nhà thơ Italy thời Trung cổ Dante Alighieri (1265 - 1321) - 1 trong những nhà thơ kiệt xuất nhất của Italy và thế giới. Tác phẩm được sáng tác trong thời gian Dante bị trục xuất khỏi quê hương Florence, từ khoảng năm 1308 đến 1320 - 1 năm trước khi ông mất. Nó được công nhận rộng rãi là tác phẩm xuất sắc nhất trong nền văn học Italy.

Tác phẩm được chia làm 3 phần: Hỏa ngục, Luyện ngục và Thiên đường. Hai nhân vật trong The Kiss là Francesca da Rimini và Paolo Malatesta xuất hiện ở phần thứ nhất là Hỏa ngục.

Đây là những nhân vật có thật trong lịch sử. Francesca da Rimini là quý tộc Italy vào thế kỷ 13. Bà là con gái của Guido da Polenta, người cai trị xứ Ravenna. Bà yêu Paolo Malatesta xứ Rimini nhưng phải kết hôn với anh trai của Paolo, Giovanni, vì mục đích chính trị.

Sau khi kết hôn, Francesca vẫn lén lút đi lại với Paolo cho đến khi bị Giovanni phát hiện và giết chết. Đôi tình nhân sau đó bị kết án phải lang thang mãi mãi trong địa ngục, nơi họ sẽ nhiều lần được đưa đến với nhau chỉ để bị chia cắt một lần nữa.

Ngoài Thần khúc, Francesca cũng là chủ đề cho nhiều tác phẩm nghệ thuật lớn.

An Bình (tổng hợp)

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›