Phiên đấu giá mỹ thuật dự kiến trị giá 50 tỷ đồng ở Hà Nội có gì đặc biệt?

Thứ Tư, 09/10/2024 19:49 GMT+7

Google News

Vào lúc 17h ngày 12/10 tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole (56 Lý Thái Tổ, Hà Nội) sẽ diễn ra phiên đấu giá mỹ thuật Les légendes de L'école des Beaux-arts d'Indochine (Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương) của nhà Millon. Phiên này sẽ diễn ra cùng lúc tại Hà Nội và Paris, gồm 59 lô hàng, toàn bộ là tranh của họa sĩ Việt Nam và vẽ về Việt Nam.

Phiên đấu có tác phẩm của các tên tuổi nổi tiếng như Joseph Inguimberty, Alix de Fautereau (Alix Aymé), Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Phạm Hậu, Nguyễn Tư Nghiêm, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Tường Tam, Trần Phúc Duyên, Henri Mège, Trần Văn Thọ, Ngô Mạnh Quỳnh, Tôn Thất Đào, Trần Bình Lộc, Lương Xuân Nhị, Đình Thọ, Jean Võ Lăng, Lê Bá Đảng, Nguyễn Huyến, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Thế Khang, Trần Đông Lương, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Văn Minh, Lưu Công Nhân, Mai Long, Trần Huy Oánh…

Phiên đấu giá dự kiến 50 tỷ đồng ở Hà Nội có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Bức "Thiếu nữ và con vẹt" của Lê Phổ được chọn làm bìa của vựng tập và là tiêu điểm phiên đấu

Nếu căn cứ vào giá ước lượng trần, thì tổng giá bán của phiên này hơn 1,8 triệu EURO (€), tương đương 50 tỷ đồng. Bức có giá ước lượng thấp nhất là 2.000 EURO, cao nhất là 300.000 €.

Phiên đấu giá dự kiến 50 tỷ đồng ở Hà Nội có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Bức "Sư cô khuyên giải" của Nguyễn Tường Tam - nhà văn Nhất Linh

Tiêu điểm về giá bán của phiên này có 3 bức: Reflet sur la rivière (Dòng sông soi bóng, sơn mài, 97 x 163 cm, 1954) của Trần Phúc Duyên, giá ước lượng từ 100.000 € đến 150.000 €; Le don de la Mère (Quà của mẹ, lụa, 61 x 45,1 cm, trước 1945) của Lê Phổ, giá ước lượng từ 200.000 € đến 300.000 €; tương đương giá với bức Jeune fille au perroquet (Thiếu nữ và con vẹt, lụa, 38 x 31 cm, khoảng 1938), cũng của Lê Phổ.

Phiên đấu giá dự kiến 50 tỷ đồng ở Hà Nội có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Bức "Quà của mẹ" của Lê Phổ

Các bức lụa trước 1945 của Lê Phổ, đặc biệt vẽ trong giai đoạn còn ở Việt Nam (trước 1937), dù kích thước nhỏ, nhưng đều có giá bán rất cao, vì độ quý hiếm và giá trị lịch sử về vật liệu của nó.

Phiên đấu giá dự kiến 50 tỷ đồng ở Hà Nội có gì đặc biệt? - Ảnh 4.

Bức "Du Xuân" của Lê Văn Xương

Một số bức tuy giá ước lượng chưa thật cao, nhưng cũng khá đặc biệt. Ví dụ bức Les baigneuses (Tắm, lụa, 58,5 x 46 cm, khoảng 1935) của Nguyễn Tường Lân (1906-1946), giá ước lượng từ 30.000 € đến 40.000 €. Ông thuộc bộ tứ đầu tiên "Trí - Lân - Vân - Cẩn", nhưng do gặp nạn mất sớm, tranh lại bị đốt, số còn lại rất ít, ngay các nhà sưu tập từng trải cũng ít khi nhìn thấy tranh.

Phiên đấu giá dự kiến 50 tỷ đồng ở Hà Nội có gì đặc biệt? - Ảnh 5.

Bức "Tắm" của Nguyễn Tường Lân

Bức Les conseils de la bonzesse (Sư cô khuyên giải, tranh in, 73 x 45,5 cm, khoảng 1925-1926) của Nguyễn Tường Tam (1906-1963), giá ước lượng từ 8.000 € đến 10.000 €. Nếu so với tranh đồ họa, in nhiều bản, thì mức giá này cũng tương đối cao. Bức này đặc biệt vì tranh của nhà văn Nhất Linh vốn khó gặp, lại là quà tặng của Trường Mỹ thuật Đông Dương và hiệu trưởng Victor Tardieu.

Phiên đấu giá dự kiến 50 tỷ đồng ở Hà Nội có gì đặc biệt? - Ảnh 6.

Bức "Dòng sông soi bóng" của Trần Phúc Duyên

Bức L'Éveil du Printemps (Du Xuân, lụa, 38 x 25 cm, 1950) của Lê Văn Xương (1917-1988), giá ước lượng từ 15.000 € đến 20.000 €. Lớn lên cùng thời, chơi với nhiều họa sĩ Đông Dương, nhưng Lê Văn Xương gần như rơi vào quên lãng từ sau Đổi mới (1986). Để rồi hơn 30 năm sau, tên tuổi và tác phẩm của ông có sự hồi sinh diệu kỳ, xuất hiện trong nhiều bộ sưu tập và các phiên đấu giá quốc tế.

Phiên đấu giá dự kiến 50 tỷ đồng ở Hà Nội có gì đặc biệt? - Ảnh 7.

Một tác phẩm đặc trưng của Joseph Inguimberty

Có thể nói Lê Văn Xương "ôm đồm" nhiều vật liệu, từ sơn dầu, bột màu, màu nước, lụa… Ông còn khá điêu luyện trong điêu khắc. Dù thể loại nào, ông cũng kỹ càng chăm chút và đầy trách nhiệm với tác phẩm của mình. Nhưng nhìn lại, thì lụa vẫn là vật liệu ông vẽ không nhiều bức, nên Du Xuân mới thật quý hiếm.

Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập ngày 27/10/1924 tại Hà Nội, nên có thể nói việc nhà đấu giá Millon lấy tên phiên là Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng là cách góp phần kỷ niệm 100 năm thành lập.

Những ai có quan tâm đến một phần các tác phẩm của phiên đấu này thì có thể đến xem trước từ lúc 14h00 đến 18h00 ngày 11/10 và từ 9h00 đến 15h00 ngày 12/10/2024.

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›