Phiên dịch cao cấp Tạ Quang Đông, người được mệnh danh là “gã Đôn Ki-hô-tê chiến đấu vì sự trong sáng của tiếng Việt”, hiện đang là BTV tiếng Anh - Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam.
Ông cho biết, Thể thao và Văn hóa (TT&VH) là một trong những kênh tiếp cận thông tin/tri thức và là nguồn hiểu biết giúp ông đắc lực trong việc trở thành một phiên dịch mà như ông thừa nhận là “ổn về hơn một lĩnh vực” như hiện nay.
Ông kể:
- Thời những năm 198x, nhà tôi rất nghèo, không có tivi, nên kênh tiếp cận thông tin/tri thức chủ yếu là sách (gồm cả sách giáo khoa - đọc sách cả các lớp trên, và truyện) và báo. Thông tin thời sự chính trị là các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Sơn Bình, thông tin văn hóa là Thể thao và Văn hóa của TTXVN.
Giữa thời thiếu thốn. Cái ăn còn chả đủ nhưng bố mẹ tôi vẫn mua báo cho con, trong khi bạn bè cùng lứa nhiều nhà khá giả, đủ ăn đủ mặc hơn nhiều, lại không có. Say mê và có lẽ cũng có chút khiếu ngôn ngữ nên tôi đọc là nhớ ngay, nhớ chính xác ký tự tên các cầu thủ, các vùng đất, thường xuyên thắng cuộc bạn bè, nhưng chúng không trả tiền. Ví dụ tên thật của Pele có chữ Nascimento chứ không phải Nasimento.
TT&VH là cửa sổ nhìn ra thế giới, cửa sổ văn hóa, và vì thế cũng là cửa sổ văn minh. Để biết đến tục đấu bò của nước Tây Ban Nha, hay di sản Machu Pichu của nước Peru mà ngày ấy người Việt Nam chẳng mấy ai biết đến. Quả cam Naranjito, linh vật của Espana 82, hồi ấy và đến Mexico ‘86 (Mê Hi Cô chứ không phải Mê Xi Cô), World Cup được gọi là Mundial, theo ngôn ngữ mà 2 nước chủ nhà đó sử dụng. Vâng, Mê Hi Cô 86 của chú ớt Pique (linh vật), của chiếc mũ rộng vành sombrero….
* TT&VH ngay từ thời đó đã để nguyên tự tên riêng nước ngoài trong khi nhiều báo sử dụng phiên âm, vì có như thế người ta mới phát âm tốt được. Ông nghĩ gì về việc này?
- Phiên âm có nhược điểm, nhưng để nguyên cũng vậy. Tôi không dị ứng với người chê phiên âm, nhưng rất ghét những người chê bai người khác phiên âm là thế này, thế khác. Không phiên âm nên họ đọc Chanel là chà neo (chắc là tránh nhịu chứ nếu không có khi họ đọc là Che-nồl, đọc Catinat là ca ti nát, đọc Montpellier là Mông pen li ơ, Yersin là I ơ xin, nhìn từ cái đáy giếng Anh ngữ của họ. Họ bảo phải theo quốc tế. Thế thì thế nào là quốc tế? Anh ngữ
à? Thế Venice hay Venise hay Venezia? Luzern hay Lucerne?
Tạ Quang Đông đã có gần một phần tư thế kỷ kinh nghiệm làm nghề, từng phiên dịch cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, các vị lãnh đạo các nước đến thăm Việt Nam, phiên dịch cabin cho nhiều hội nghị quốc tế lớn cả ở trong và ngoài nước. Ông rất yêu tiếng Việt, thường xuyên chia sẻ tình yêu ấy trên trang cá nhân và trang - Tạ Quang Đông giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. |
* Một kỷ niệm khó quên của ông gắn với TT&VH?
- Năm 1989 ấy, đọc bài trên TT&VH về giải Oscar, thấy có phim Người mưa mở ngoặc Rain man (báo này cũng rất hay chua cả tên nguyên tác trong ngoặc), rất ấn tượng về cái tên đó, nên cũng nhớ diễn viên chính là Dustin Hoffman. Cũng như đọc tin về quần vợt, biết thế thôi chứ cũng chả biết đến bao giờ môn ấy mới phổ biến ở Việt Nam, chả biết đến bao giờ mới xem phim Mỹ, xem Người mưa.
Mùng Một Tết 2021, bật tivi lên thì thấy đang chiếu, rỗi việc nên xem vì vẫn nhớ tên phim đó suốt hơn 30 năm. Nghĩ là chắc cũng vài phút rồi tắt, vì bấy giờ tôi thích xem phim trinh thám Agatha Christie thôi. Thế mà xem đến cuối, thật là xúc động. Năm 1989 ấy, ở Việt Nam chắc chả mấy ai nghe đến từ “tự kỷ”. Trong phim nói về tình cảm anh em của một chàng trai do Tom Cruise đóng. Dustin thì gạo cội rồi, xem thấy quả danh bất hư truyền, thể hiện xuất sắc vai người đàn ông bị bệnh tự kỷ, khó khăn, khuôn thức trong sinh hoạt, nhưng có những năng lực kỳ tài (khai căn, nhân số lớn trong nháy mắt, lướt qua đếm được số tăm rơi...). Ông anh tự kỷ đã (làm mà chẳng biết) cứu được ông em khỏi cơn khánh kiệt. Kỷ niệm ấu thơ bất chợt dội về từ hai tiếng “người mưa” và lý do vì sao bố mẹ phải đưa ông anh đi viện, biến mất hoàn toàn khỏi cuộc đời ông em, đã khiến ông em từ chỗ ganh vì không được thừa kế, yêu
quý anh mình. Cuộc chia tay cuối phim cũng đầy xúc động, khi người em hứa và tự hứa sẽ đến thăm anh.
* Đó là kỷ niệm liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Còn với lĩnh vực thể thao thì sao?
- Các kênh văn hóa khác cực hiếm hoi. Thể thao cũng vậy (thể thao cũng là một dạng văn hóa). Espana 82 phải ra xem nhờ tận phố Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội). Xem nhờ mãi về sau, năm 1991, bố kiếm được tiền, nhà mới mua được tivi màu bãi của Nhật. Hình như giá 1 triệu.
Đã hiếm lại còn phập phù, chờ VTV tiếp sóng truyền hình Liên Xô qua Đài Hoa Sen thì có hôm “do điều kiện kỹ thuật”, lại xịt. TT&VH đỡ cho, mới biết thế giới có môn quần vợt, có giải gọi là Wimbledon, các tay vợt Ivan Lendl, Martina Navratilova, rồi anh gì người Mỹ lắm tài nhiều tật quên tên rồi, chỉ nhớ bắt đầu bằng chữ E, rồi Boris Becker, Pete Sampras…
TT&VH đăng lại các tranh mô tả tình huống bàn thắng của báo Pháp (nhớ có ông Hoàng Hưng hay viết/dịch), nên biết hóa ra “bật tường” tiếng Tây là oong-đơ, tức là một - hai. Không xem được tivi, xem tranh cũng thú vị. Rồi mua cả tin nhanh các giải bóng đá quốc tế nữa. Mùa giải đang diễn ra rồi nhưng vẫn mua cả những tờ/cuốn của giải trước. “Bất ngờ sân cỏ hay cố tật không thể dứt bỏ, dẫn 3-2 đến giữa (?) hiệp 2, Liên Xô để Bỉ lật ngược thế cờ, thua trong 2 hiệp phụ”. Trận thua oan ức của Liên Xô với 2 bàn việt vị. Thích Liên Xô năm đó, giống như thích Pháp của bộ tứ huyền thoại, vì họ đá đẹp, chứ không phải vì chính trị gì. Liên Xô nòng cốt là Dinamo Kyiv, do Valeri Lobanovsky dẫn dắt, vào giải đã gây sốc bằng trận thắng Hungary, đội được đánh giá rất cao, tới 6-0. Trọng tài người Thụy Điển, là nước mình rất quý, nhưng bắt bậy, ghét quá.
Thể thao phải trung thực, nên mình thương đội Liên Xô năm đó. Thương cả đội Anh của Gary Lineker thua Argentina 1-2 vì bàn thắng bằng tay của Maradona. Thể thao phải cao thượng, cao thượng phải trung thực, nên mình không thích Maradona, dù tài năng siêu việt.
Xem TT&VH, những chuyện văn hóa thể thao như vậy, không chỉ cho mình tri thức, phục vụ tốt cho công việc sau này (đi dịch có kiến thức, hiểu và chuyển tải được chiều sâu ẩn ý của 2 bên, được cả 2 bên đánh giá cao), và khiến mình phải luôn tự răn, cố gắng sống cho tử tế.
* Câu hỏi cuối: Nhắc lại chặng đường 40 năm TT&VH, đâu là điều làm ông thấy nhớ nhung hoặc tiếc nuối nhất?
- Biết thông tin báo TT&VH Cuối tuần ngừng phát hành, tôi thấy cũng bâng khuâng. Nhớ mẹ tôi ngày xưa còn sống, chiều 2 thằng con, nhà rất nghèo, bóp mồm bóp miệng, cắt nhiều khoản chi, nhưng luôn mua báo TT&VH cho chúng tôi.
TT&VH, và trước đó là Văn hóa, Thể thao quốc tế, là nguồn tri thức cập nhật (thực ra là “cập tuần”) quan trọng nhất thời đó. Lĩnh vực bóng đá cũng có các tạp chí bóng đá của miền Nam viết rất hay, với các cây bút như Chánh Trinh, Hoàng Hưng..., nhưng ra hàng tháng, và không có phần văn hóa như TT&VH. Có bạn tiếc nuối khi TT&VH Cuối tuần ngừng phát hành, nhưng biết sao được, quy luật phát triển và đào thải, trong thời đại Internet. Chấm dứt nhưng mãi là một tượng đài, là một tượng đài nhưng đã đến lúc nghỉ.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"TT&VH là cửa sổ nhìn ra thế giới, cửa sổ văn hoá, và vì thế cũng là cửa sổ văn minh" (Phiên dịch cao cấp Tạ Quang Đông" |
Huy Thông (thực hiện)
Tags