Khi Philippines tạo cơn địa chấn trước chủ nhà New Zealand, ít ai biết rằng 18/23 tuyển thủ nước này dự World Cup 2023 được sinh ra ở Mỹ. Và khỏi cần nói, chúng ta đều biết họ đặt tình yêu với bóng đá và quê hương ở đâu.
Tahnai Annis trưởng thành tại Mỹ và gây dựng danh tiếng tại… Iceland. Và trong một sự kiện ở đây năm 2014, cô gặp Bruno Baltazar, lúc đó là trợ lý HLV cho đội tuyển bóng đá nam Philippines. Baltazar ngờ rằng Annis có thể là người Mỹ gốc Philippines, cô nhớ lại, và sau khi xác nhận được nhiều điều, ông hỏi một câu đơn giản: "Cô có biết rằng Philippines có một đội bóng nữ không?"
Hành trình của Annis
Không, Annis thì không. Cô lớn lên ở Zanesville, Ohio, một thành phố nhỏ cách Columbus khoảng 50 dặm về phía Đông. Ở đó, cô có thể đếm trên hai bàn tay số lượng người Mỹ gốc Philippines, bác sĩ gia đình cũng nằm trong số đó. Một đội bóng đá nữ của Philippines? Đó là một thế giới xa vời.
Giờ đây, Annis thấy mình có mặt tại World Cup 2023, World Cup đầu tiên của Philippines. Cầu thủ 34 tuổi này thường xuyên đeo băng đội trưởng, dẫn dắt một đội bóng chủ yếu gồm các cầu thủ gốc Philippines lớn lên ở Mỹ. Các đội tuyển lần đầu góp mặt chiếm 1/4 giải đấu mở rộng lên 32 đội năm nay, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự phát triển của bóng đá nữ. Thế nhưng, Philippines không chỉ ở đây để tạo nên những con số.
Các cầu thủ Philippines muốn truyền cảm hứng cho quốc gia có khoảng 117 triệu dân của họ và để lại một di sản thúc đẩy bóng đá nữ trong nước phát triển. Thú vị là họ nỗ lực trong trận chiến đó chủ yếu từ xa, khi 18 trong số 23 cầu thủ tham dự World Cup 2023 được sinh ra ở Mỹ.
Câu chuyện của Annis cũng giống như nhiều đồng đội của cô. Sau cuộc trò chuyện định mệnh vào năm 2014, cô đã tìm kiếm thông tin và cơ hội. Với một chút thông tin, cô rời căn nhà tạm thời ở Connecticut, nơi cô đang được huấn luyện khi sự nghiệp thi đấu gặp trở ngại, và bay đến California để tham gia trại huấn luyện của các trường đại học, nơi cô gặp những người Mỹ gốc Philippines khác.
Mọi thứ diễn ra tốt đẹp với Annis trên sân, nhưng ngoài sân thì khó khăn hơn một chút. Những nỗ lực lặp đi lặp lại để có được hộ chiếu Philippines ở Mỹ đều thất bại mà không giải thích được lí do tại sao, và cô đã tạm dừng ước mơ của mình trong vài năm. Tuy nhiên, cuối cùng, Annis nhận ra rằng cô cần phải đến Philippines để lấy giấy khai sinh. Chuyến đi đầu tiên của cô đến đất nước này là vào năm 2018, khi đội chuẩn bị cho Asian Cup, giải đấu được xem như vòng loại World Cup.
Các trại huấn luyện ở California vẫn tiếp tục và có nhiều cầu thủ ở cùng vị trí với Annis hơn vào năm 2018. Mỗi ngày cho đến khi họ tìm ra giải pháp, nhóm nhỏ đó sẽ đến tập luyện ở Manila, sau đó ngồi cùng nhau tại văn phòng nhập cư để cố gắng hoàn thành các thủ tục giấy tờ cần thiết để lấy hộ chiếu.
Chung một dòng máu
Các trại huấn luyện ở California vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, đặc biệt tập trung vào việc xây dựng các đội trẻ của đất nước. Có một lượng lớn người Philippines ở nhiều vùng khác nhau của California, nhưng mọi người đến từ khắp các vùng của Mỹ khi tin tức lan truyền qua mạng lưới huấn luyện viên và các cầu thủ đến tuổi trưởng thành.
Theo trợ lý Nahuel Arrarte của HLV trưởng Alen Stajcic, ban huấn luyện đã dựng trại ở Los Angeles vào đầu năm nay cùng với ba người khác để đánh giá tổng cộng 400 cầu thủ trẻ. Trong số những cầu thủ được xác định ở LA có Isabella Pasion, vừa tròn 17 tuổi. Tiền vệ gốc Texas này đã gây được ấn tượng với đội U20. Cô đã không có tên trong danh sách cuối cùng cho World Cup 2023 nhưng ở lại New Zealand để tập luyện và tiếp xúc với môi trường, một quyết định mà ban huấn luyện hi vọng sẽ mang lại lợi ích trong tương lai.
Thực tế các cầu thủ đều không che giấu sự thật hiển nhiên rằng phần lớn đội tuyển đều được sinh ra ở Mỹ. Thậm chí, cả với Reina Bonta, hậu vệ có cha là tổng chưởng lí California và mẹ là dân biểu California.
Nói như Annis thì: "Tôi cảm thấy như ngay từ đầu và luôn luôn, bất cứ điều gì chúng tôi đã trải qua, chúng tôi là một nhóm rất gắn bó và rất giống một gia đình. Thực sự không quan trọng ai đã ở trong đội bao lâu hay chúng tôi lớn lên ở Mỹ hay Manila, ở Canada hay Na Uy. Chúng tôi ở khắp mọi nơi. Sau đó, khi chúng tôi ở bên nhau, vấn đề không phải là nơi chúng tôi lớn lên hay nơi chúng tôi sống. Mọi người đều biết chúng tôi có chung dòng máu và chúng tôi là một gia đình. Không quan trọng bạn lớn lên ở Manila hay gia đình bạn ở Mỹ… Mục tiêu chung đó là chúng tôi đang thi đấu cho đất nước và cho tất cả các cầu thủ bóng đá ở Philippines".
"Chúng tôi không muốn quên hoặc bỏ qua thực tế rằng đó là một thời khắc lịch sử đối với đất nước và ĐTQG," đội trưởng nữ Philippines Tahnai Annis nói. "Đó là một thành tích đáng kinh ngạc và là điều đáng để thưởng thức, nhưng chúng tôi không chỉ xuất hiện và thi đấu. Nếu chúng tôi muốn tiếp tục phát triển môn thể thao này ở Philippines và nâng cao nhận thức, mọi người sẽ muốn xem chúng tôi thi đấu và thi đấu tốt".
Mạnh Hào