Như Thể thao & Văn hóa đã thông tin, phim Sống cùng lịch sử do Công ty TNHH Một thành viên Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất, chiếu tại một số rạp ở Hà Nội dịp 2/9 vừa qua, nhưng hầu như không bán được vé. Tại rạp chiếu ở ngay giữa trung tâm Hà Nội là Rạp Kim Đồng, trong suốt hai tuần trụ rạp, phim không bán được dù chỉ một vé. Sau Thể thao & Văn hóa, rất nhiều báo đã cùng vào cuộc để “mổ xẻ” thất bại ở phòng vé của Sống cùng lịch sử.
Quảng bá phim còn “muối bỏ bể”
Có thể thấy trong nhiều năm nay, phim Nhà nước vẫn quen làm theo lối cũ. Toàn bộ quá trình sản xuất phim diễn ra trong âm thầm, khi phim xong, tổ chức một buổi họp báo, giới thiệu với báo chí và một nhóm công chúng giới hạn là xong. Chẳng hạn, một bộ phim như Những người viết huyền thoại kinh phí đầu tư 11,5 tỷ đồng, nhưng chỉ được cấp 30 triệu đồng để quảng bá.
Là người năng động, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã chủ động quảng bá trên Facebook, chịu khó kết nối với truyền thông nên phim được biết tới nhiều hơn các bộ phim gắn mác phim Nhà nước thông thường. Tuy nhiên vẫn chỉ là "muối bỏ bể" và quá ít so với phim tư nhân.
Sống cùng lịch sử cũng trong tình cảnh tương tự. Toàn bộ quá trình sản xuất phim hoàn toàn không có thông tin quảng bá, ngoại trừ việc báo chí tự tìm đến. Sau khi xong phim, có đúng một buổi ra mắt tại phòng chiếu lớn nhất Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, sau đó là một suất chiếu nhỏ ra mắt báo chí. Theo lời NSND Thanh Vân, đạo diễn phim Sống cùng lịch sử, cũng là Phó GĐ Công ty TNHH Một thành viên Hãng phim truyện VN, ngoài 2 buổi chiếu ra mắt, phim cũng được in poster để quảng bá!
Và kết quả, như phản hồi của các độc giả trên trangThethaovanhoa.vn, họ hầu như không nghe nói đến phim. “Phim nghe tên lạ hoắc, không giới thiệu, ra mắt khán giả thì khán giả sao biết, các hãng phim tư nhân rất giỏi cách quảng bá phim nên người xem biết đến” (độc giả Hoàng Thị Nhung). Độc giả Phạm Dương thì cho rằng: “Bỏ 21 tỷ đồng làm phim, chứ 1 tỷ mà quảng cáo tốt thì ai chả muốn đi xem, cứ phim trong nước là mọi người đã quan tâm rồi chứ đừng nói đầu tư nhiều hay ít…”.
Tư duy bao cấp còn tồn tại đến bao giờ?
Bộ phim nào truyền thông tốt thì doanh thu sẽ cao gấp đôi, điều này các hãng phim tư nhân đã học nằm lòng. Đơn cử 2 bộ phim mới ra rạp gần đây như Scandal - Hào quang trở lại chi 2,5 tỷ đồng cho khâu truyền thông, phim Mất xác một tháng trước khi ra rạp chưa ai biết, sau khi chi 700 triệu truyền thông lập tức gây tò mò.
Nhiều bộ phim tư nhân "giữa đường đứt gánh" do thiếu tiền để quảng bá. Đơn cử như Dòng máu anh hùng, một bộ phim rất tốt, vì thiếu 100 triệu đồng truyền thông vào giai đoạn cuối nên đã thất bại về doanh thu. Lửa Phật đầu tư làm truyền thông suốt 5 năm, nhưng cũng vì thiếu tiền truyền thông giai đoạn cuối nên đã “đứt gánh”. Phim mới nhất là Nước 2030 chưa dám ra rạp vì chưa đủ kinh phí quảng bá.
Nếu so sánh với phim nước ngoài sẽ thấy khoảng cách xa dằng dặc. Các bộ phim Hollywood thường đầu tư hàng triệu USD để quảng bá khắp thế giới. Mấy năm gần đây có nhiều ngôi sao Việt Nam được mời sang Hollywood để phỏng vấn ngôi sao của họ. Chiêu PR này tốn kém nhưng tạo hiệu quả rất lớn.
Không phải nhà sản xuất, đạo diễn của các bộ phim Nhà nước không biết truyền thông có hiệu quả thế nào cho bộ phim. Nhưng cơ chế quản lý, cách thức sản xuất của dòng phim Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại từ thời điện ảnh bao cấp đến nay vẫn chưa chịu thay đổi triệt để. Trước kia, Nhà nước bao thầu hệ thống rạp, sản xuất ra phim gì, phát hành lúc nào thì khán giả biết lúc ấy. Nhưng giờ hệ thống rạp đã rơi vào tay tư nhân, phim Nhà nước lại không đủ lực để cạnh tranh vào rạp nên đành dạt về hệ thống phát hành ở các địa phương.
Các rạp chiếu bóng địa phương có phải là cứu tinh?
Đạo diễn Thanh Vân cho biết, bộ phim Sống cùng lịch sử của anh "không bán được vé tại Hà Nội, TP.HCM không có nghĩa là nó không đến được với khán giả Việt Nam. Phim Nhà nước vẫn được phát hành theo hệ thống cũ tới các rạp chiếu bóng địa phương, các đơn vị chiếu lưu động khắp 63 tỉnh, thành".
Hệ thống phát hành "cổ điển" này đã trở thành “cứu tinh” cho phim Nhà nước, tuy nhiên nó không đủ thuyết phục để dòng phim Nhà nước tiếp tục tồn tại theo cách thức hiện nay. Nhất là khi hệ thống này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của ngành điện ảnh năm qua, đội chiếu bóng lưu động (khoảng hơn 300 đội) trên toàn quốc hoạt động rất cầm chừng. Các đội vẫn đang sử dụng trang bị từ những năm 90 của thế kỷ trước; các địa điểm chiếu bóng công cộng nhiều tỉnh, thành bị sử dụng sai mục đích; người làm nghề chiếu bóng lưu động thu nhập rất thấp. Thật khó tưởng tượng một hệ thống như vậy có thể thu hút nhiều khán giả. Hệ thống này đang phải oằn mình đỡ cho một nền điện ảnh tụt dốc.
Chung số phận như Sống cùng lịch sử, Những người viết huyền thoại (ra mắt năm 2013) có kinh phí đầu tư 11,5 tỷ đồng, nhưng chỉ được cấp 30 triệu đồng để quảng bá. |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags