Phim 'Bầu trời đỏ': Thiếu quá nhiều để thành một chuyện tình đẹp

Thứ Năm, 26/10/2017 10:35 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khoảng 1/4 thế kỷ mới có thêm một phim Pháp bấm máy tại Việt Nam, nhưng so với những Người tình (1992), Đông Dương (1992), Điện Biên Phủ (1992), Xích lô (1995)… thì Bầu trời đỏ là một bước thụt lùi về nhiều khía cạnh. Phim công chiếu tại Việt Nam kể từ ngày 27/10.

Phim Bầu trời đỏ có 2 vai chính, gồm sĩ quan Phillipe (do Cyril Descours thủ vai) và cô du kích Thi (Audrey Giacomini), cùng sự hùng vĩ, quyến rũ của núi rừng Tây Bắc. Rất tiếc, 2 diễn viên này đều chưa hoàn thành tốt vai diễn của mình, nên chưa đủ sức tạo sự thu hút cho người xem. Chuyện tình giữa Phillipe với Thi còn thiếu nhiều chất xúc tác để trở nên thơ mộng, đẹp đẽ.

Gần với truyện ngắn hơn

Phim Bầu trời đỏ (tên tiếng Pháp: Ciel Rouge) lấy bối cảnh những năm 1946-1947 tại Tây Bắc, khi người Pháp mở chiến tranh Đông Dương và bị sự kháng cự quyết liệt của các phong trào giành độc lập. Chính nơi đó, một tình yêu giữa hai chiến tuyến đã nảy nở, hứa hẹn một chuyện tình gay cấn, xúc động. Rất tiếc phim được dàn dựng quá đơn giản, thiếu tình tiết thuyết phục, nên chuyện tình này hơi hụt hẫng, thiếu sự lãng mạn cần thiết.

Chú thích ảnh
Sĩ quan Phillipe và nữ du kích Thi trong phim “bầu trời đỏ”

Câu chuyện như sau: Sĩ quan Phillipe bị sa chân vào chiến tranh, nên tâm trạng chán chường, trong một đêm anh đã giải thoát cho cô du kích Việt Minh, vốn đang bị bắt nhốt. Cả hai - một đào ngũ, một đào thoát - đã có gần một tuần cùng nhau vượt núi rừng. Họ dần dà nảy sinh tình cảm, rồi sa vào lưới tình của nhau. Cuối cùng Phillipe phản bội quân đội Pháp, rồi bị Pháp bắt.

Kể hơi chi tiết về cốt truyện phim là điều chẳng đặng đừng, nhưng phải kể để thấy rằng nếu câu chuyện này mà là một truyện ngắn thì khá vừa vặn. Với kinh phí thấp, thiếu nhiều chất xúc tác để câu chuyện trở nên sống động, phim thành ra đơn giản và đơn điệu.

Giá như phim 18+

Khi Phillipe và Thi trốn đến một hồ nước vắng lặng giữa núi rừng để được sống đời tự do, chìm vào cõi ái tình, người xem có thể liên tưởng chút xíu đến phim The Blue Lagoon (Eo biển xanh, 1980) của Randal Kleiser. Cả hai phim đều khiến khán giả gợi tưởng về thuở hồng hoang của loài người, nơi chỉ có chàng trai và cô gái chuẩn bị mở ra một thế giới mới.

Chú thích ảnh
Cảnh núi rừng hùng vĩ trong phim “Bầu trời đỏ”

Với nhiều phim, bị dán nhãn 18+ là một hạn chế và thiệt thòi, nhưng Bầu trời đỏ chỉ dán nhãn 16+ lại là một thiệt thòi. Bởi nếu phim này đúng chất 18+ thì chắc chắn người xem sẽ cảm nhận rõ hơn sức mạnh của ái tình, sức mạnh của ẩn dụ rằng tình yêu có thể chiến thắng súng đạn. Với nhãn 16+, các cảnh nóng trong Bầu trời đỏ trở nên lớt phớt, thiếu sức nóng cần thiết để tạo cảm giác chân thật, lôi cuốn.

Tại buổi công chiếu chiều 25/10 ở TP.HCM, khi được hỏi về cảnh nóng giữa sĩ quan Pháp và cô du kích Việt Minh, nam diễn viên Cyril Descours trả lời: “các bạn sẽ không có cơ hội để xem nó đâu”. Câu trả lời này có thể hiểu là phim không quay các cảnh đó đủ độ nóng, hoặc đã bị cắt bỏ sau khi đem đi xin phép công chiếu.

Nhìn rộng hơn, nếu so với các phim chiến tranh của Việt Nam - do nhà nước đầu tư sản xuất - thì Bầu trời đỏ yếu hơn nhiều khía cạnh, nhưng lại “đỏ” hơn ở khía cạnh tuyên truyền. Đây cũng là điều làm nhiều khán giả khá ngạc nhiên, bởi chiến tranh đã lùi xa, cách nhìn về cuộc chiến đã có nhiều thay đổi theo hướng đa dạng, cởi mở hơn, cách nhìn như đạo diễn Olivier Lorelle trở nên xơ cứng, ngây ngô.

Ê-kíp và toàn bộ phong cảnh Việt Nam

Ngoài vai trò đạo diễn, Olivier Lorelle kiêm luôn việc viết kịch bản Bầu trời đỏ. “Tôi viết phim này trong các thư viện ở Pháp, nơi có nhiều sách về Việt Nam. Khi đến Hà Giang và Bắc Kạn để quay phim, tôi đã thực sự choáng ngợp trước phong cảnh, nó hùng vĩ và thơ mộng ngoài sức tưởng tượng”.

Trong phim này, trường đoạn lãng mạn nhất được quay tại hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), nơi Phillipe và Thi như hòa mình vào thiên nhiên. Theo đạo diễn Olivier Lorelle, phía Pháp chỉ sang những thành phần cơ bản, còn phần lớn ê-kíp làm phim do người Việt đảm trách, với sự hỗ trợ đặc biệt của NSƯT Chiều Xuân.

Phim 'Đông Dương' và những 'đại sứ du lịch' thầm lặng cho Việt Nam

Phim 'Đông Dương' và những 'đại sứ du lịch' thầm lặng cho Việt Nam

Nhân dịp đạo diễn và diễn viên chính phim Đông Dương sang Việt Nam dự LHP Quốc tế Hà Nội 2016 và giao lưu với khán giả vào tối nay (2/11), xin điểm lại 4 bộ phim ấn tượng (quay ở Việt Nam hoặc không) có thể là “đại sứ du lịch”.

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›