Nếu coi 3 tiếng theo dõi bộ phim là một thử thách lòng kiên nhẫn của khán giả, thì tin rằng, với những ai ở lại đến phút cuối, những điều đọng lại gợi lên nhiều suy tưởng về câu hỏi: Tiếng gọi bên trong mỗi con người là gì? Từ cái tựa Bên trong vỏ kén vàng đã đầy tính ẩn dụ và giàu hình tượng.
Nhiều người sẽ tò mò, bên trong đó sẽ là hình hài như thế nào sau lớp vỏ bọc hoàn hảo? Lại có người liên tưởng, hình ảnh đó gợi lên sự thoát xác cho một kiếp tằm vương tơ.
Mộng tưởng và thực tại
Ngay từ tựa đề phim, rõ là một sự sắp đặt có chủ ý của đạo diễn Phạm Thiên Ân, đầy chất thơ, dung dị và gần gũi. Và ít nhất, thủ pháp này đã thành công để khiến khán giả sẽ phải đặt vô số câu hỏi, có cả hồ nghi và đợi chờ.
Phim theo chân Thiện (Lê Phong Vũ thủ vai) trên hành trình đưa linh cữu của chị dâu về quê ngoại, mang theo đứa cháu trai tên Đạo (Nguyễn Thịnh) - đã sống sót thần kỳ sau vụ tai nạn. Trở về quê hương, Thiện bắt đầu hành trình tìm kiếm người anh đã mất tích nhiều năm trước để trao Đạo cho anh trai.
Giữa khung cảnh huyền bí của vùng nông thôn Việt Nam, hình bóng quá khứ, tuổi trẻ của Thiện cùng gia đình dần trở lại, khiến anh bắt đầu đặt ra những câu hỏi sâu sắc về đức tin của chính mình. Rời khỏi thành thị, về với nơi sống bao quanh bởi rừng già cùng những màn sương bảng lảng, Thiện cũng dần chìm sâu vào mê cung của mộng tưởng - thực tại, anh vật lộn trong cuộc khủng hoảng hiện sinh về những gì đáng để sống.
Chuyến hành trình của Thiện không phải là một thước phim quay chậm. Nó diễn ra và phản ánh đúng thực tại cuộc sống và thái độ sống của anh - thờ ơ và lãnh đạm trước những sự việc xảy ra mỗi ngày. Tất cả với anh đều cứ mơ hồ, thờ ơ, ngột ngạt, đầy những bất mãn nhưng vẫn cứ phải sống, quay quắt và vật vờ.
Nhịp phim theo từng nhịp thở, nhịp sinh học của Thiện, từng con đường anh đi qua, những con người anh gặp gỡ, những điểm dừng chân dù trong thực tại hay mộng tưởng. Tất cả, dẫu diễn ra giữa phố xá tấp nập hay trong không khí bảng lảng của khói, sương phủ mờ… vẫn cứ theo một đường ray như thế.
Chất duy mỹ của bộ phim cũng chính là chất đời ngồn ngộn với cái ồn ào nơi quán nhậu, bước chân của những người lao động trong cơn mưa ướt nhẹp, cái chật chội của bệnh viện, sự bí bách trong tiệm mát-xa vui vẻ… cho đến khung cảnh đám tang vang lên lời nguyện cầu, những khung hình như thơ, như mộng của vùng cao nguyên bảng lảng trong khói sương. Tối giản mà đầy tinh tường.
Phong cách "điện ảnh chậm"
Ở góc độ này, Phạm Thiên Ân dường như bị ảnh hưởng và bám chặt vào phong cách slow cinema (điện ảnh chậm) - với đặc trưng là sự tối giản, chú trọng vào quan sát và ít tường thuật, chỉ kể và đặc tả.
Vậy nên, phim có hơi hướm tài liệu. Có những lúc thật đơn điệu, buồn chán. Nhưng, ngay lập tức, sự xoay chuyển lại khiến người xem phải háo hức chờ đợi điều gì tiếp theo sẽ xảy đến với nhân vật.
Biết là sắp đặt, nhưng Phạm Thiên Ân vẫn dụ được người xem vào thế giới của riêng mình, đưa họ đi đến tận cùng rồi lại đẩy đưa đến những tình huống mới. Không gian, thời gian trong phim tạo ra khoảng trống để chiêm nghiệm nhưng không lạc lối.
Mạch nối cảm xúc chính là âm nhạc. Mỗi thanh âm hồ như cũng là một tiếng đời, vọng từ trong tâm thức. Cũng nhờ thủ pháp này, dù phim sử dụng rất nhiều những cú máy dài, nhiều khi đến vài chục phút nhưng không cần phải cắt hay chuyển cảnh, mọi thứ vẫn cứ liền lạc.
Riêng ở góc độ kĩ thuật, thủ pháp cú máy dài này rõ ràng rất phù hợp với phong cách điện ảnh chậm nhưng cũng là thách thức làm thế nào để cuốn khán giả phải quan sát, dõi theo từng cử chỉ, hành động của nhân vật và chờ đợi những diễn tiến tiếp theo.
Hành trình tôi đi tìm tôi
Đạo diễn Phạm Thiên Ân từng chia sẻ: "Với Bên trong vỏ kén vàng, tôi muốn khám phá hành trình về quê của một người đàn ông đưa dẫn anh ta kết nối với quá khứ như thế nào. Lần trở về quê hương này cho thấy xung đột nội tâm giữa một đức tin mà anh ấy bỏ bê và một cuộc sống khiến anh ta vô cùng bất mãn.
Hành trình phản ánh những chiều kích của tâm hồn con người, thứ mà chúng ta không ngừng tìm kiếm nhưng không bao giờ có thể hoàn thiện, một cái gì đó kết nối với ước mơ, đam mê và cái chết không thể tránh khỏi. Tôi tin rằng để vượt qua sự hối hả của bề nổi xã hội hiện đại, tất cả chúng ta đều phải sống về mặt tinh thần. Dù tin Thượng đế hay không, người ta không tránh khỏi việc đặt câu hỏi mình là ai, đang sống vì ai".
Có lẽ, khi ngồi trên bàn nhậu sau câu trả lời bất giác giữa đức tin và những ràng buộc cuộc sống, Thiện không thể lường trước được mình sẽ và sắp trải qua một hành trình quay ngược vào bên trong để hiểu chính mình. Câu hỏi đặt ra là, Thiện có đức tin hay không? Có, nhưng chỉ là một nửa. Anh cũng thừa nhận với cháu trai, mình đang đi tìm điều đó. Nó vẫn nằm trong con người anh nhưng lâu nay hoặc bị đè nén, che lấp hoặc anh không dám đối diện, hay đi đến tận cùng để tìm ra câu trả lời.
Chính Thiện thừa nhận, anh luôn nghe thấy một thanh âm gì đó rất lạ phát ra từ chính con người mình. Anh cố gắng mô phỏng lại nó nhưng không thể xác định. Vì thế, Thiện chơi vơi, trống rỗng, không gì bám víu. Cách anh hưởng thụ lạc thú cũng vô vị. Cảnh Thiện bước đi trong vô định khi chợt tỉnh sau cơn mưa nơi quán sửa xe ven đường lộ rõ sự cô độc. Nhưng may mắn anh không bế tắc.
"Tại sao đến bây giờ cậu mới đi tìm nó? - câu hỏi trước đó của bà cụ Thiện gặp trong quán sửa xe dường như đã đánh trúng vào tâm thức anh. Lúc này, Thiện có phần hoang mang, liệu anh có đang đi tìm người anh trai tên Tâm hay bà cụ được cho là không bình thường kia đã tỏ thấu phần sâu thẳm bên trong con người anh. Nhưng, ít nhất anh đã được khai ngộ về cái gọi là hữu hạn của cuộc đời đặt trong sự vĩnh cửu như lời của bà cụ: "Nghĩ đến thời gian rất ngắn ngủi của đau khổ mà đem so sánh với sự vĩnh cửu thì nó là một khoảnh khắc ngắn không là gì hết".
Đó có thể xem là sự kiện khiến Thiện giật mình, phần con người bên trong đang được đánh thức.
Tỉnh và mộng được đan cài trong suốt hành trình của Thiện. Khi anh gặp lại Thảo - người yêu cũ năm nào - những ký ức cũ chập chờn, khiến anh loay hoay trong thực tại. Thiện mải miết trên những cung đường phủ mờ sương để đi tìm anh trai, có khi tưởng chừng sắp tìm thấy Tâm nhưng hóa ra chỉ là trong mộng. Hiện thực và giấc mơ, rất quen và cũng rất lạ.
Rõ ràng, hành trình tìm kiếm bản ngã để đạt đến sự tỉnh thức chưa bao giờ dễ dàng, nếu không muốn nói rất dễ rơi vào mê cung. Nhưng ít nhất, Thiện đã đủ can đảm bỏ lại sau lưng thực tại để bước vào đó, tự mình dò tìm đường đi cho bản thân. Hành trình của Thiện, thiết nghĩ chính là hành trình của tâm tưởng.
Đến tận kết phim, khi anh nằm thả lỏng trên dòng suối không ai biết liệu Thiện đã về đích trên hành trình ấy chưa? Không có một câu trả lời xác đáng. Có người sẽ chán nản rời rạp khi phim chưa đến hồi kết. Nhưng, sẽ có người còn ngồi lại thật lâu, giống như chìm vào sự tĩnh lặng của bộ phim để được chiêm nghiệm vì biết đâu, thấy được phần nào hình bóng mình trong đó.
Rõ ràng, so với Hãy thức tỉnh và sẵn sàng - phim ngắn một cú máy (one shot), dài 14 phút, tiền đề của Bên trong vỏ kén vàng - thì sự tính toán lần này lắm công phu, nhiều ẩn ý.
Tags