(Thethaovanhoa.vn) - Thành công của web drama (phim chiếu trên mạng) Thập tam muội đã mở lối cho Chị Mười Ba bước lên màn ảnh rộng. Đây là phần kết của Thập tam muội, nhưng thà rằng phần kết này cứ là bản web drama thì mọi thứ sẽ vừa vặn hơn, đỡ tốn kém hơn với “thương hiệu” phim này.
Đây là dự án phim chiếu rạp đầu tiên mà vợ chồng Thu Trang - Tiến Luật đầu tư sản xuất, với kinh phí 16 tỷ đồng, do Tô Gia Tuấn - Khương Ngọc đạo diễn.
Nỗ lực “giữ gìn hình ảnh”
Phần kết là những diễn tiến tiếp theo của tập 3 Thập tam muội. Những nhân vật “cộm cán” trong nhóm giang hồ giờ đây đã rửa tay gác kiếm để cùng nhau sống “sạch” như chị Mười Ba bỏ nghề “tú bà”, trùm bảo kê dắt gái Đường Băng chuyển sang bán điện thoại.
Một vũ trường mới do các anh em trong An Cư nghĩa đoàn - tổ chức đại diện cho nhóm giang hồ Chợ Mới - mở ra và giao cho Mười Ba điều hành với tiêu chí kinh doanh đàng hoàng. Tuy nhiên “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, nhóm giang hồ Chợ Cũ đứng đầu là Bi Long và phía sau Bi Long là ông trùm Hắc Hổ tìm cách quậy phá, muốn biến nơi này thành điểm kinh doanh “hàng trắng”. Tình thế bắt buộc chị Mười Ba phải đối đầu với Bi Long và Hắc Hổ.
Vì là phim chiếu rạp nên Chị Mười Ba đã cố gắng “tẩy trắng” các nhân vật giang hồ khá nhiều. Khán giả chẳng còn thấy hình xăm của anh Vi Cá, hoặc thói quen hút thuốc của chị Mười Ba. Tạo hình của các nhân vật cũng lịch sự, chải chuốt hơn cho phù hợp với công việc làm ăn lương thiện mới.
Ở những phân cảnh đánh nhau, vũ khí thường thấy là gậy gộc thay cho mã tấu, dao, kiếm… như trên mạng. Những cảnh nhậu nhẹt, những câu chửi bới, văng tục được tiết chế tối đa. Nỗ lực “giữ gìn hình ảnh” cho giang hồ trong phim khiến Chị Mười Ba chẳng có được những pha hành động ác liệt cho tương xứng với cốt truyện lắt léo mà biên kịch đặt ra.
Nếu đặt bên cạnh phim Hai Phượng - cũng chịu chung nhãn dán C18 - chị Mười Ba và mấy tay anh chị trong An Cư nghĩa đoàn chỉ đáng là… em út của Hai Phượng, dù nhân vật Hai Phượng chẳng phải giang hồ cộm cán gì.
“Twist” nhiều, hợp lý chẳng bao nhiêu
Phiên bản điện ảnh được xem là phần kết của web drama, nên dù muốn dù không, người xem chờ đợi những diễn tiến ở Chị Mười Ba phải có tính kết nối hợp lý với những gì còn dở dang ở tập 3, nhưng bản điện ảnh chưa làm tốt điều này.
Ngay cảnh đầu phim, nhân vật Kẽm Gai đã chết ở web drama bỗng xuất hiện trở lại trong phân đoạn đang đứng bán hủ tiếu thì bị nhóm giang hồ kéo tới đập phá quán. Cứ tưởng việc cho nhân vật này “đội mồ” để giữ vai trò bí ẩn gì đó về sau, nhưng không, Kẽm Gai chỉ tái xuất trong cảnh phim ngắn ngủi rồi biến mất đến hết phim, khiến người xem chưng hửng.
Lý do nhóm An Cư nghĩa đoàn chuyển sang làm ăn lương thiện cũng mang tính “đùng một phát”. Không giải thích cái cũ, đến cái mới cũng được giải quyết theo kiểu “mình thích thì mình làm thôi”, nên khá bỡ ngỡ.
Phim chiêu đãi hàng loạt tình tiết bất ngờ (twist) nhưng lại không có cách lý giải phù hợp nên sức thuyết phục không cao, chẳng hạn thân phận thật sự của Bi Long, chuyện Hồng Phất Nữ đổi “phe” những ba lần, cái bẫy mà anh Hai giăng ra.
Dù vậy, gạt qua những điểm chưa được kể trên, Chị Mười Ba vẫn có điểm sáng, chủ yếu nằm ở diễn xuất duyên dáng của dàn diễn viên. Thu Trang, Tiến Luật, Hoàng Mèo, Hứa Minh Đạt, Quách Ngọc Tuyên, Khương Ngọc… tiếp tục thể hiện sự tung hứng ăn ý đã có từ bản web drama qua bản điện ảnh. Những màn đối thoại hài hước trong phim thật sự khỏa lấp cho phần hành động dàn dựng hết sức nhạt nhòa, qua loa, chiếu lệ.
Xem xong Chị Mười Ba sẽ thấy rằng: thà ê-kíp cứ làm web drama cho phần kết thì hợp lý hơn, ít ra cũng đỡ tốn kinh phí cho nhà đầu tư. Phim chiếu rạp thường có yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng so với phim chiếu trên mạng, làm như vậy là “chưa tới”. Nhưng ít ra, cũng nên ghi nhận nỗ lực nâng tầm một “thương hiệu” phim của Thu Trang - Tiến Luật. Bởi, được xem là thử nghiệm “chuyển thể” từ web drama sang phim chiếu rạp thì những sai sót là khó tránh khỏi.
Dương Ngọc
Tags