Phim 'Chồng người ta': Bước ra khỏi 'vùng an toàn'

Thứ Hai, 23/11/2020 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chồng người ta (đạo diễn: Nguyễn Hữu Tiến) không chỉ gây ấn tượng bằng những cảnh quay “đốt mắt” khán giả, phim còn táo bạo trong cách đặt vấn đề và khai thác những yếu tố tình cảm, tâm lý phức tạp. Phim công chiếu trên toàn quốc từ ngày 20/11/2020.

Loạt phim mới khởi chiếu từ ngày 20/11: 'Chồng người ta' cạnh tranh 'Trái tim quái vật'

Loạt phim mới khởi chiếu từ ngày 20/11: 'Chồng người ta' cạnh tranh 'Trái tim quái vật'

Trái tim quái vật, Chồng người ta... cùng loạt phim quốc tế sẽ ra rạp từ ngày 20/11 khiến khán giả có rất nhiều sự lựa chọn. 

Phim mang đến câu chuyện tình yêu ngang trái, đầy uẩn khúc giữa 3 nhân vật Cường, Trung, Hà. Cường và Trung vốn dĩ đã yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, nhưng Trung và Hà cũng luôn là một cặp đôi đẹp trong mắt mọi người. Trải qua nhiều biến cố, mỗi người tưởng chừng như đã có những lựa chọn khác nhau, nhưng cuối cùng lại rơi vào tình thế éo le khi một người đàn ông điển trai tên Thắng xuất hiện. Thắng không chỉ khơi gợi những hoài niệm cũ mà còn phơi bày bí mật đã bị chôn vùi từ nhiều năm về trước khiến cho cuộc sống của tất cả trở nên xáo trộn.

Kịch bản được Nguyễn Hữu Tiến và Bùi Quốc Bảo viết cách đây 4 năm và hoàn thành vào năm 2018, với tên tạm thời là Đừng chờ đến kiếp sau. Sau khi trải qua nhiều thử thách trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư và phát hành, Hữu Tiến đã viết lại, thêm vào những tình tiết phù hợp với thời điểm hiện tại, cũng như cập nhật những xu hướng mới để đáp ứng thị hiếu của khán giả.

Một diễn biến câu chuyện khó đoán

Đây là phim điện ảnh đầu tay của Hữu Tiến trong vai trò đạo diễn. Anh vốn là một nghệ sĩ đa năng của làng giải trí. Trước khi thử sức với vai trò đạo diễn, anh là một diễn viên tiếng tăm, thường xuyên tham gia dàn dựng các trò chơi truyền hình và giảng dạy về điện ảnh. Tuy bận rộn là vậy, nhưng Hữu Tiến vẫn đam mê thực hiện một phim điện ảnh để tiếp tục chinh phục khán giả. Ngay sau khi quay lại trường đại học lấy bằng đạo diễn điện ảnh, anh lập tức bắt tay vào nhào nặn Chồng người ta.

Chú thích ảnh
Trịnh Xuân Nhản (vai chồng) và Yaya Trương Nhi (vai vợ) trong “Chồng người ta”

Chồng người ta là một tác phẩm đến từ người đã có kha khá kinh nghiệm, nên có vài điểm sáng nổi bật. Đầu tiên phải kể đến cốt truyện, được xây dựng khá chắc tay, có sự dẫn dắt nhịp nhàng, đủ để khán giả tập trung theo dõi từng thước phim, nhưng cũng biết cách chuyển biến ở những phân đoạn “then chốt”, nhằm mục đích tạo ra cao trào.

Đề tài LGBT đã từng được khai thác ở nhiều phim, chuyện tình tay ba, “tiểu tam” cũng không mới mẻ, nhưng Chồng người ta đã biết cách “xào nấu” lại các yếu tố này, thêm vào những gia vị riêng, để đưa khán giả bước ra khỏi các giới hạn, khó lòng đoán trước được những diễn biến tiếp theo.

Theo mạch bí mật đó, Chồng người ta liên tục tạo ra các tình huống trớ trêu một cách tự nhiên, khéo léo. Sau đó, giải quyết toàn bộ khúc mắc rất gọn gàng, không quên nhấn nhá thêm một chút “bi kịch” để sau cùng, người xem vừa xúc động, hạnh phúc, nhưng cũng khó tránh khỏi cảm giác day dứt. Song song đó, phim có sự cân bằng giữa những tình tiết hài hước và bầu không khí nghiêm túc, căng thẳng để tạo sự kịch tính.

Chú thích ảnh
Trong nhiều tình cảnh, phụ nữ thường chịu thiệt thòi, nên đáng thương hơn đáng trách

Cuối cùng, Chồng người ta vẫn mở ra rất nhiều thông điệp nhân văn và có giá trị về tình yêu, gia đình và cả sự bao dung. Đây là một thành công bước đầu rất đáng ghi nhận của Hữu Tiến trong vai trò đạo diễn.

Những “cảnh nóng” có thể gây tranh cãi

Đi kèm với kịch bản chặt chẽ, không thể không đề cập đến những “cảnh nóng” đúng nghĩa, khiến người xem có thể đỏ mặt, ngại ngùng, nhưng vẫn phải chú tâm vào từng chuyển động và biểu cảm của nhân vật. Bởi vì toàn bộ những cảnh quay này đều được dàn dựng rất công phu, có chủ đích từ bối cảnh, góc quay cho đến diễn nghiêm túc, chân thật. Đạo diễn yêu cầu kỹ lưỡng đến từng chi tiết để đảm bảo lột tả được tính nghệ thuật mà không gây phản cảm.

Thêm vào đó, phủ lên cả phim là rất nhiều gam màu được chọn lựa cẩn thận để có thể tạo ra cách kể chuyện theo ngôn ngữ điện ảnh, phù hợp với nội dung, cũng như kích thích những dòng cảm xúc nơi khán giả.

Sở hữu các ưu điểm là vậy, nhưng vì đầu tay, nên cũng khó tránh khỏi một số khuyết điểm đáng tiếc. Điển hình như các nhân vật phụ có vẻ hơi “thừa”; phần dạo đầu còn khá lan man, dài dòng; những phân đoạn xen kẽ chưa thật cần thiết... Thêm vào đó, những lời thoại trong phim còn nặng chất “kịch”, tạo cảm giác hơi văn vẻ và hơi cường điệu.

Chú thích ảnh
Trịnh Xuân Nhản (trái) và Phạm Huỳnh Hữu Tài (vai cậu chủ, phải)

Có thể, với nhiều khán giả thì Chồng người ta còn khá táo bạo và chưa hẳn đã hoàn chỉnh, nhưng đây cũng là một thử nghiệm rất đáng được khuyến khích của điện ảnh Việt. Bởi phim đã dám bước ra khỏi “vùng an toàn” để tạo ra những trải nghiệm thú vị và bất ngờ.

Đây cũng là một sự táo bạo mà chúng ta đang rất cần để khám phá các tiềm năng khác của điện ảnh nước nhà, từ đó xác định được điện ảnh Việt có thể làm gì để thỏa mãn người xem nhiều hơn nữa.

Hiện tại vẫn rất khó để dự đoán thái độ của khán giả với Chồng người ta, nhưng có thể thấy với tinh thần dũng cảm, phim đã tạm hoàn thành nhiệm vụ tạo ấn tượng với chủ đề táo bạo.

Nhìn chung, dù là phim đầu tay, nhưng Nguyễn Hữu Tiến và ê-kíp đã cố gắng để làm tốt nhất có thể. Dù phản ứng của công chúng là tiêu cực hoặc tích cực thì Hữu Tiến vẫn hy vọng rằng câu chuyện này đã mang đến cho họ những cảm xúc chân thật.

Như Hà

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›