(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/5, phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (đạo diễn: Bình Nguyên - Mai Thế Hiệp) sẽ công chiếu toàn quốc. Có thể nói phim này được làm với “tông màu” hoài niệm, giống như các phim ra rạp không mấy thành công gần đây như Dạ cổ hoài lang, Lô tô, Cha cõng con… nên cũng có ít nhiều lo lắng.
1. Phim lấy bối cảnh chính tại TP.HCM, trải dài trong khoảng 30 năm, từ 1986 đến 2016. Trong một chung cư đã xuống cấp trầm trọng, có nhà bà Tư (do NSƯT Kim Xuân thủ vai), ông Phát (Lê Bình), chị Diễm (Kiều Oanh), anh Được (NSƯT Hoàng Nhất) vẫn bám trụ, họ như kháng cự mọi cuộc di dời, giải tỏa để… nằm nghe nắng mưa.
Phim được làm khá nghiêm túc, với cố gắng tạo dựng lại tình làng nghĩa xóm nơi đô thị, vốn bị cho là dửng dưng, nhà ai nấy biết. Ẩn đằng sau đó là nỗi đau, sự mòn mỏi đợi chờ của bà Tư với đứa con trai đã chết 30 năm, mà bà vẫn nuôi hy vọng con sẽ trở về.
Những người làm phim này quả là có sự dũng cảm và mơ mộng khi chọn một câu chuyện rất ít tính giải trí như vậy. Phim được kể khá chân phương, với mục đích chính là nâng niu chữ tình, chữ hiếu, đề cao những cảm xúc sâu lắng, những giá trị cao cả trong cuộc sống.
Nhìn chung, phim đã khơi gợi được cảm xúc nơi người xem, vài phân đoạn lấy được nước mắt. Thế nhưng, móc xích chính của câu chuyện vẫn còn thiếu những liên kết rõ ràng, hợp lý. Ví dụ: Vì sao Sơn (Dương Cường thủ vai) hoàn toàn khác Nam (Khắc Minh) về diện mạo, suốt câu chuyện cũng chẳng có liên hệ gì rõ ràng, lại có sứ mệnh hóa giải câu chuyện của bà Tư? Trên poster chính của phim có câu: “Dù cho thay dạng đổi hình/ Luân hồi kiếp kiếp mẹ vẫn nhìn ra con”. Do thiếu sự liên nối hợp lý, sự luân hồi này với khán giả là quá khó để “nhìn ra”.
2. Sau gần hai năm với quá nhiều phim Việt dễ dãi, nhảm nhí về câu chuyện, sự xuất hiện của Dạ cổ hoài lang, Lô tô, Cha cõng con, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa… trong năm 2017 như là một tín hiệu lấy lại niềm tin nơi người xem bằng sự nghiêm túc, hướng thượng.
Thế nhưng, điểm chung của các phim này là không mấy thành công về mặt bán vé, nên niềm tin đó có chút lung lay, ít nhất với các nhà đầu tư, sản xuất. Nếu Có căn nhà nằm nghe nắng mưa bán vé đủ sức có lãi, niềm tin này chắc còn được nhiều phía níu giữ, nếu không, sẽ lung lay mạnh hơn nữa.
Bởi trong giới làm phim, vẫn còn nhiều người có mong ước sẽ làm được những phim có tính nhân văn và sự hoài niệm thành công như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Sài Gòn: Anh yêu em... Niềm tin này còn được gởi gắm cho cả Cô Ba Sài Gòn, sẽ ra mắt cuối năm nay - dự kiến là một phim hoài niệm đậm đặc.
Trong khi đó, một phim được làm với tông màu “chick flick” (diễm tình dành cho nữ giới) là Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) đang làm mưa làm gió về phòng vé, có ngày thu về gần 14 tỷ đồng - chiếu hai ngày đã có lãi. Nếu tốc độ này được giữ vững thì việc nó vượt qua quán quân phòng vé Em là bà nội của anh (khoảng 102 tỷ đồng) là điều có thể xảy ra. Chắc chắn điều này sẽ tác động khá lớn tới giới đầu tư, sản xuất, nơi mà “gió chiều nào xoay chiều đó” vẫn thường xảy ra.
Cho nên, “sứ mệnh” của Có căn nhà nằm nghe nắng mưa và Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Kay Nguyễn - Trần Bửu Lộc) với dòng phim hoài niệm càng lớn hơn. Nếu hai phim này không thành công với việc bán vé, thì chắc chắn Việt Nam còn lâu mới trở lại một năm có nhiều phim hoài niệm như 2017.
Phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa có sự tham gia diễn xuất của NSND Ngọc Giàu, NSƯT Kim Xuân, Lê Bình, Tấn Thi, Mai Trần, danh hài Kiều Oanh, NSƯT Hoàng Nhất, Kiều Trinh… và các diễn viên trẻ như Dương Cường, Khánh Hiền, Khắc Minh, Trịnh Tài, Hồng Trang, Thuận Nguyễn... |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags