(Thethaovanhoa.vn) - Phim hình ảnh động là những tư liệu lịch sử quý của mỗi dân tộc và nhân loại, là kho báu cần phải được bảo tồn. Liên quan tới việc lưu trữ phim, có nhiều câu chuyện đáng quan tâm ở Việt Nam và trên thế giới.
Tuần qua, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 25 Hiệp hội các Viện Lưu trữ Nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVAA) tại Việt Nam, Viện Phim Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, để đánh giá thực trạng công tác bảo quản, lưu trữ số hóa và phục chế phim tại Việt Nam, từ đó có được định hướng và đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của tư liệu hình ảnh động.
Những câu chuyện đáng lo ngại
Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa thuộc Liên hiệp quốc (UNESCO) khẳng định: “Phim hình ảnh động là những tư liệu lịch sử quý của mỗi dân tộc và nhân loại vì vậy phim hình ảnh động được coi là di sản văn hóa”.
“Theo thời gian, không có gì thuộc về con người mà còn xa lạ với điện ảnh. Và điện ảnh xứng đáng được coi là di sản văn hoá, là tài sản quý giá không thể thay thế của quốc gia, cần được bảo vệ và phát triển” - theo đạo diễn “Đập cánh giữa không trung” Nguyễn Hoàng Điệp (Ơ kìa Hà Nội Film Production).
Tại hội thảo Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp còn dẫn chứng nhiều ví dụ cho thấy ý nghĩa của việc lưu trữ và phục chế phim.
Chẳng hạn, bộ phim Thị trấn Gilsotteum của đạo diễn Im Kwon Taek. Sản xuất vào năm 1986 nhưng rất lâu sau đó bộ phim đặc biệt ý nghĩa với lịch sử điện ảnh Hàn Quốc này không đến với người xem. Cho đến tận năm 2017, nó đã được phục chế từ phim âm bản 35mm sang bản kĩ thuật số dưới sự giám sát của chính đạo diễn Im Kwon Taek. Công việc phục chế phim này là một dự án của Kho lưu trữ phim Hàn Quốc Korean Film Archive.
Hay, bộ phim Taxi Driver - bộ phim giữ vai trò không thể thay thế trong lịch sử điện ảnh thế giới. Giành giải Cành cọ vàng năm 1976, 4 đề cử giải Oscar 1977, thậm chí Taxi Driver còn được lưu trữ trong thư viện quốc hội Mỹ với tư cách là di sản văn hóa. Tuy nhiên, 5 năm sau, bộ phim đã khiến đạo diễn Martin Scorsese - một kẻ si mê điện ảnh - choáng váng vì những thước phim 35mm tưởng chừng được bảo quản trong điều kiện cực kỳ lý tưởng - đã phai màu và có những sai khác “đáng lo ngại” về mặt hiệu quả hình ảnh.
Ở Việt Nam, Nguyễn Hoàng Diệp lấy dẫn chứng Tuổi dại là một bộ phim có số phận thực sự lạ kỳ. Được sản xuất vào năm 1974 bởi đạo diễn Thái Thúc Hoàng Điệp, phim được quay ở Sài Gòn về đề tài tuổi trẻ hoang mang, lạc lối và theo hãng Alpha Phim của ông Thái Thúc Nha quảng cáo là một “love story kiểu Việt Nam”.
Rất nhiều năm sau đó, bộ phim này đã nằm im trong một kho lưu trữ tại Hong Kong (Trung Quốc) mà không thể đến với bất cứ người xem nào. Cho đến tận năm 2021, nó đã được chính đạo diễn Thái Thúc Hoàng Điệp tự hoàn thành toàn bộ công việc phục chế từ phim 35mm gốc sang bản kỹ thuật số bằng số tiền gom góp ít ỏi và quyết định công chiếu nó ở… “rạp chiếu lớn nhất thế giới”, đó là kênh Youtube.
Đạo diễn “Đập cánh giữa không trung” cũng lấy ví dụ những thước phim: Cánh đồng hoang, Em bé Hà Nội, Khi đàn chim trở về - những bộ phim được gọi là “viên ngọc quý của điện ảnh cách mạng” đã bị xước xát, âm thanh rè rè, hình ảnh giật giật chớp chớp. “Việt Nam đang sở hữu và mỗi ngày được làm dày dặn thêm khối lượng di sản điện ảnh khổng lồ. Nhưng cùng với đó, sự lão hoá của những cuốn phim vật lý là không thể chống lại. Phim nhựa 35mm chính là định dạng vừa rực rỡ nhất nhưng cũng mong manh nhất” - Nguyễn Hoàng Điệp nói và khẳng định rằng: “Phim đang chết đi và chết nhanh hơn chúng ta tưởng”.
“Kho báu” cần được bảo tồn
Trong hội thảo ngày 22/6 tại Viện phim Việt Nam, nhiều ý kiến đồng quan điểm, phim là di sản văn hóa cần được bảo tồn và lưu trữ phim là công việc vô cùng quan trọng. Phông hình ảnh động bao gồm các tác phẩm điện ảnh như: phim truyện, phim tài liệu khoa học, thời sự, hoạt hình, tư liệu các nguyên thủ, các sự kiện nổi bật của đất nước...
Theo ThS Nguyễn Hương Giang, Phó trưởng phòng Kiểm kê, Bảo quản, Bảo tàng Hồ Chí Minh, kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay đang lưu giữ nhiều tư liệu phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đây là tài sản quốc gia, là hiện vật gốc chứa đựng nhiều giá trị.
Thiếu tá Nguyễn Thị Mai, Phó trưởng Phòng Tư liệu, Điện ảnh Quân đội nhân dân cho hay, Điện ảnh Quân đội nhân dân vừa là đơn vị làm phim, vừa là trung tâm lưu giữ phim điện ảnh lớn với các phim tư liệu phản ánh về hoạt động của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội, về các sự kiện lịch sử, các hoạt động quân sự mang tính cơ mật khác, phim tư liệu về hai nước bạn Lào, Campuchia chung một chiến hào chống Mỹ, những hình ảnh về những người lính tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế cao cả…
Theo anh Phạm Ngọc Quang, Giám đốc Công nghệ Công ty Cổ phần Nghe nhìn Việt Nam, tất cả các thước phim tư liệu trong kho lưu trữ phim phản ánh một thời kỳ của lịch sử, văn hoá và nghệ thuật cũng như sự phát triển của tất cả các khía cạnh của cuộc sống và kho báu lịch sử này phải được bảo tồn. Bên cạnh đó, anh nhấn mạnh về yếu tố kinh tế, khi thị trường truyền thông đang phát triển rất nhanh, nhu cầu được tiếp cận, khai thác và nghiên cứu kho tư liệu hình ảnh động là rất lớn.
Cuối cùng, để nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của bảo tồn “di sản điện ảnh”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp dẫn phát biểu của Martine Scorsese - đạo diễn phim Taxi Driver: “Tất cả những công việc cần mẫn và đầy tính nghệ thuật lẫn sự phát triển của loại hình nghệ thuật này đều đang gặp nguy hiểm. Những kho phim rất mong manh, nên chúng cần được giữ gìn và bảo vệ… Chúng ta phải tiếp tục lưu giữ kho tàng ấy, để con cháu chúng ta có thể tìm lại về nguồn gốc của thứ ngôn ngữ hình ảnh này, về sự phát triển phi thường kéo dài cả thế kỷ của nó”.
Tiểu Phong (Còn nữa)
Tags