(Thethaovanhoa.vn) - Phim Kiều (đạo diễn: Mai Thu Huyền) gây thất vọng từ đa số báo giới và khán giả, khi mà chất lượng bị cho là quá yếu kém. Mai Thu Huyền khẳng định doanh thu phải được 100 tỷ đồng thì phim mới hoàn vốn, phim chính thức khởi chiếu từ 9/4, nhưng đến chiều 11/4, theo Box Office Vietnam, Kiều mới thu về hơn 2 tỷ đồng, thất bại về doanh thu là chắc chắn.
Phim xoay quanh mối tình tay ba giữa Hoạn Thư - Thúc Sinh - Thúy Kiều, mà tâm điểm là cái ghen, sự trả thù. Phim có sự tham gia diễn xuất của Trình Mỹ Duyên, Cao Thái Hà, Lê Anh Huy, NSND Lê Khanh, ca sĩ Phương Thanh, Hiếu Hiền, Long Đẹp Trai…
Câu chuyện quá thô vụng
Phim bắt đầu bằng cảnh Thúy Kiều (Trình Mỹ Duyên thủ vai) bị bán vào lầu xanh và kết thúc trong cảnh bị mắc kẹt ở nhà Hoạn Thư (Cao Thái Hà), mắc kẹt trong mối bi kịch tình tội với Thúc Sinh (Lê Anh Huy). Nghĩa là Kiều của Mai Thu Huyền đã chọn lối “cắt khúc” danh tác Đoạn trường tân thanh và đem phần mình chọn ra cải biên, phóng tác.
Người được đạo diễn chọn mặt gửi vàng, trao cho phần biên kịch là NSƯT Phi Tiến Sơn. Nhưng thật trớ trêu, tên tuổi kỳ cựu này đã không giúp vớt vát được cho phần kể chuyện trên phim quá thô vụng. Nếu ở Truyện Kiều, trường đoạn oan khiên giữa Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư được Nguyễn Du thể hiện đầy tính tâm lý, thâm sâu, tài tình bao nhiêu, thì ở phiên bản điện ảnh của Mai Thu Huyền bị tầm thường hóa bấy nhiêu.
Khát vọng tự do về tình yêu, về hạnh phúc của Thúc Sinh, Thúy Kiều, Hoạn Thư nếu được khai thác hợp lý, đủ sức thuyết phục, thì quả là cái nhìn mới về một khía cạnh của danh tác. Xoáy vào chỉ riêng mối tình tay ba này đã đủ cho một phim chiếu rạp, vốn bị khống chế về thời lượng, nhưng rất tiếc Mai Thu Huyền đã chọn cách kể ngây ngô, gượng ép, khiến cho thông điệp bị tầm thường hóa.
Đạo diễn có thể trung thành với nguyên tác, hoặc có thể đưa ra một cái nhìn khác, phản biện, đối thoại với nguyên tác. Mai Thu Huyền chọn lối thứ hai, nhưng lại không đủ sức phản biện để thuyết phục người xem. Những phóng tác ngây ngô, với diễn biến tâm lý rời rạc, vô lý là đầy rẫy trong phim. Ví dụ như chuyện Thúy Kiều vì không biết Thúc Sinh đã có vợ nên mới cùng trốn khỏi lầu xanh. Hoặc như chuyện Hoạn Thư trả thù bằng cách làm tình với chồng ngay trước mặt tình địch để hả cơn giận.
Diễn xuất non nớt, bối cảnh gây tranh cãi
Phần “đậm đà” nhất của phim có lẽ là những cảnh khóc lóc của Kiều, của Hoạn Thư, của Thúc Sinh, mà “tác dụng chính” là làm cho khán giả buồn cười.
Không chỉ buồn cười vì diễn xuất non nớt của Trình Mỹ Duyên, vì nội dung câu chuyện thô vụng, mà còn buồn cười bởi phim chẳng có một chút biểu tượng nào, trong khi Truyện Kiều vĩ đại vì đầy tính biểu tượng và triết lý.
- Dàn sao Việt chúc mừng Mai Thu Huyền ra mắt phim 'Kiều' tại Thủ đô
- Mai Thu Huyền: 'Kiều' là bộ phim rất đặc biệt giữa hai đợt dịch'
Phim có nhiều sự nhầm lẫn về lịch đại và bối cảnh. Ví dụ chuyện lấy hoa baby (còn gọi là hoa bi, tên tiếng Anh thường gọi là baby’s breath) làm biểu tượng cho tình yêu và ái ân của Kiều với Thúc Sinh. Chẳng lẽ nhà sản xuất quên mất bối cảnh cổ điển của phim? Lúc đó thì loài hoa bản địa từ Đông Âu và Địa Trung Hải này làm gì đã du nhập vào Việt Nam? Hay chỉ vì mượn hoa này làm đẹp khung hình?
Nói về cái đẹp khung hình, không thể không nhắc đến vẻ “hoành tráng cổ trang” của phim. Tạo hình cho các nhân vật chính trong phim là những bộ trang phục lộng lẫy, kiêu sa mà trong lịch sử ngàn năm áo mũ của Việt Nam chưa thấy sử liệu nào ghi nhận. Thì hư cấu, sáng tạo như vậy cũng được đi, nhưng lại chọn sắc áo đỏ tía và vàng dành cho Thúy Kiều và Hoạn Thư, nhất là chốn thanh lâu, thì hơi… liều lĩnh. Nên nhớ, hai sắc phục này vốn chỉ dành cho hoàng gia thời phong kiến, cấm các giai tầng khác chọn mặc.
Trailer phim "Kiều":
Mai Thu Huyền và hai cái chưa được Mai Thu Huyền vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên. Ở vai trò đạo diễn, Mai Thu Huyền cho thấy bản thân chưa đủ sức với tác phẩm lấy cảm hứng từ danh tác văn chương. Phim Kiều rõ ràng là một cái áo hoành tráng, nhưng quá khổ, mặc kiểu gì cũng xấu, cũng bất tiện. Còn ở vai trò diễn viên, Mai Thu Huyền vào vai hồn ma Đạm Tiên, với diễn xuất đơn điệu, nhợt nhạt. Tạo hình Đạm Tiên không khác gì tạo hình nhân vật Mai Siêu Phong, với công phu cửu âm bạch cốt trảo, ở phiên bản phim Anh hùng xạ điêu của điện ảnh Hong Kong thập niên 1990. Dù có táo bạo trong cách kể và có đủ đất diễn, nhưng Mai Thu Huyền đã tự biến vai Đạm Tiên thành một thảm họa. |
Bảo Bình
Tags