(Thethaovanhoa.vn) - Lâu nay khán giả Việt Nam yêu thích dòng phim ca nhạc luôn phải thưởng thức ké những tác phẩm ngoại nhập. Bởi thế, sự xuất hiện của Mùa viết tình ca (khởi chiếu từ ngày 31/8) như một cốc nước giải nhiệt cho cơn khát của người xem trong nước. Lẽ tự nhiên, cái gì hiếm thì nên quý - cho dù “cốc nước” đó chưa đủ sức mang lại cảm giác thật sự thỏa mãn, sảng khoái như nhiều người mong đợi.
1. Lấy chủ đề âm nhạc, Mùa viết tình ca (đạo diễn: Thắng Vũ) xoay quanh hành trình tìm lại bản thân, tìm lại niềm cảm hứng viết nhạc của nhạc sĩ trẻ Bảo Trung (do Isaac đóng).
Chuyện phim thẳng thắn đề cập vấn đề thời sự trong giới giải trí hiện nay: nạn đạo nhạc. Bảo Trung bị Quang Minh - trợ lý kiêm cộng sự lâu năm - tố cáo ăn cắp bài hát, giữa lúc album mới của “gà cưng” Đan Thảo vừa phát hành và bắt đầu ăn khách.
Để trốn tránh dư luận, Trung tìm đến một miền biển - nơi có người bạn thân hồi đại học Hải Mèo sinh sống. Tại đây anh làm quen với Lam, một cô nàng đang thất tình. Tâm trạng đang lúc “khó ở” của cả hai cùng tính cách trái ngược nhau: chàng - nhạc sĩ hào hoa, đa tình; nàng - gái quê chân chất, phóng khoáng đã đẩy Trung và Lam vào những tình huống dở khó dở cười để rồi từ từ họ nhận ra trái tim mình bắt đầu xao động vì đối phương.
Trước tiên, cần dành một lời ngợi khen cho sự dũng cảm của ê-kíp khi chọn thể loại và chủ đề này, bởi phim ca nhạc khó làm và kén người xem, còn đề tài đạo nhạc hết sức nhạy cảm. Phim phơi bày mảng tối của giới sáng tác, nơi mà chuyện một nhạc sĩ nổi tiếng “cầm nhầm” tác phẩm của đàn em lại thản nhiên coi như đó chỉ là hiểu lầm nho nhỏ. Nơi mà việc sáng tác chỉ đơn giản như là mua beat trên mạng. Nơi các đồng nghiệp thẳng thừng tố cáo nhau trên sóng phát thanh trực tiếp. Nơi mà ranh giới giữa sự nổi tiếng và bị hạ bệ chỉ trong tích tắc.
Hành trình đi tìm lại niềm cảm hứng sáng tác của Bảo Trung cũng đánh dấu sự trưởng thành của anh trong suy nghĩ, nhận thức về công việc cũng như tình yêu.
2. Đối với một phim ca nhạc, bên cạnh âm nhạc, phần bối cảnh cũng đóng vai trò quan trọng vì góp phần làm thăng hoa câu chuyện được kể bằng giai điệu. Mùa viết tình ca làm tốt phần này khi thu vào ống kính khá nhiều góc máy đẹp của miền biển Phan Thiết.
Vẻ bao la khoáng đạt của thiên nhiên, đất trời, quyện hòa cùng màu vàng của cát trằng biển xanh giúp nâng cảm xúc của người xem theo từng lời ca của nhân vật. Từ những ca khúc cũ như Huyền thoại người con gái, Một tình yêu, Vào hạ cho đến những sáng tác mới như Lối thoát, Mùa viết tình ca đều được đặt đúng nơi, đúng chỗ, tuy rằng mối nối giữa các tình huống chưa thật mượt. Chỉ trừ cảnh cuối, lúc Bảo Trung và Lam gặp lại nhau ở Sài Gòn, âm nhạc vang lên và hai nhân vật thổ lộ nỗi lòng bằng cách hát, còn hơi gượng. Và cũng khá tiếc, khi ca khúc chủ đề Mùa viết tình ca không thật sự gây bùng nổ, ấn tượng cả về ca từ cũng như giai điệu.
Các diễn viên ca-diễn tự nhiên, ngay cả một số người không phải là ca sĩ chuyên nghiệp như Hoàng Phi (vai Hải Mèo,) hay Phan Ngân (vai Lam). Sau Mùa viết tình ca, phim Việt lại được bổ sung thêm một gương mặt nữ mới, đó là Phan Ngân, vì ngoài lợi thế về ngoại hình, người đẹp này còn có lối diễn tự nhiên. Dù vậy, nhưng ở những cảnh cao trào, cần sự bùng nổ về cảm xúc, thì chưa làm được, chẳng hạn đoạn Lam gặp lại người yêu cũ sau thời gian bị anh ta bỏ rơi để chạy theo cô gái khác. Phan Ngân cần trau dồi thêm để hoàn thiện hơn..
Trở lại với phim, cũng phải thêm một điểm cộng cho lời thoại, khi các nhân vật đối đáp khá duyên và “đời”, nhất là mỗi khi Hải Mèo mở miệng.
Có thể Mùa viết tình ca chưa phải là phim ca nhạc xứng tầm để gây cảm hứng mạnh cho các nhà làm phim khác khơi thông dòng phim đã tắc tị nhiều năm, nhưng vẫn đáng được trân quý. Nhất là khi ê-kíp phim này gồm toàn những người trẻ, mới như biên kịch Trần Khánh Hoàng (cũng là tác giả của Em chưa 18), đạo diễn Thắng Vũ, nhà sản xuất - ca sĩ Minh Hằng.
Dương Ngọc
Tags