1. So với truyện tranh, vũ trụ điện ảnh của Marvel đã có một số thay đổi, đặc biệt liên quan tới nhân vật Ant-Man. Anh xuất hiện sau và vai trò trong nhóm Avengers cũng không cao như trong truyện gốc. Tuy nhiên với phiên bản điện ảnh này (phim Ant-Man - Người kiến), các nhà làm phim đã cố gắng liên kết với các bộ phim khác sao cho hợp lý nhất có thể.
Câu chuyện bắt đầu khi giáo sư Hank Pym (Michael Douglas) - người kiến đầu tiên phát minh ra cách biến đổi kích cỡ con người nhờ bộ quần áo đặc biệt. Không chỉ thu nhỏ cơ thể để chiến đấu linh hoạt, bộ đồ còn đem lại những năng lực đặc biệt như trò chuyện với kiến, di chuyển với tốc độ nhanh.
Ant-Man có sức hấp dẫn rất riêng khi đưa người xem vào thế giới siêu nhỏ
Thật không may, công nghệ trên đã bị Darren Cross - học trò của Hank Pym đưa vào sản xuất hàng loạt để kiếm lời. Số phận đưa đẩy khiến anh chàng trộm vặt lừng danh Scott Lang (Paul Rudd) bị cuốn vào cuộc chiến và trở thành nhân vật người kiến thứ hai trong lịch sử.
2. Ant-Man có vài nét tương đồng với bộ phim đầu tiên mà hãng Marvel Studios tự đứng ra sản xuất hồi năm 2008 - Iron Man (Người sắt). Cũng là tác phẩm giới thiệu một nhân vật mới, quy mô vừa phải, câu chuyện cũng vừa phải chứ không mở rộng như hiện tại. Đáng tiếc Người kiến không thể đạt tới đẳng cấp như Người sắt về mọi mặt.
Không có nguồn lực hùng hậu, khả năng bay lượn đẹp mắt như Iron-Man, không mạnh mẽ như The Hulk, không có nét huyền bí, phóng khoáng như Thor, anh chàng Scott Lang xuất phát điểm hết sức bình thường.
Tuy nhiên siêu năng lực của Ant-Man lại có sức hấp dẫn rất riêng khi đưa người xem vào thế giới siêu nhỏ. Trường đoạn nhân vật chính tiến vào hình thái không thời gian đặc biệt ở phần cuối, khán giả được trải nghiệm một cảm giác, kiến thức tương đối mới mẻ nhưng cũng dễ hiểu.
Ant-Man vẫn giữ được tính giải trí cao cũng như tính chất hài hước mang nét đặc trưng của Marvel. So với nhiều bộ phim siêu anh hùng khác trước đây, yếu tố hài trong Ant-Man đặc biệt rất được chú trọng nhằm khỏa lấp đi một số hạn chế trong cốt truyện phim.
Ngay cả trong những thời điểm gay cấn nhất, xúc động nhất, người xem cũng có thể bật cười vì một câu thoại hay hành động dí dỏm của nhân vật. Chính vì tính chất hài hước quá nổi bật nên sự kịch tính, gay cấn cần thiết lại bị giảm đi.
Theo truyền thống bấy lâu nay, khán giả nên nán lại xem hết phần credit cuối phim để theo dõi những tiết lộ mới trong vũ trụ điện ảnh Marvel. Nhìn chung Ant-Man là tác phẩm giải trí xem được, phù hợp với đối tượng khán giả đại chúng.
Trailer phim Ant-Man - Người kiến:
Những điều có thể bạn chưa biết về “Ant-Man” |
Hoàng Phương
Thể thao & Văn hóa
Tags