Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra ngày 11/4 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã chia sẻ thông tin về thành công của phim Đào, phở và piano – một “hiện tượng” về phim do Nhà nước đặt hàng.
Cục trưởng Vi Kiến Thành phân tích 3 lý do dẫn đến thành công của Đào, phở và piano. Thứ nhất, đây là tác phẩm có nội dung, chất lượng tốt của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Phim được dàn dựng tốt, có dàn diễn viên tham gia diễn xuất tròn vai. Thứ hai là bộ phim nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của truyền thông, cộng đồng mạng dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có bất cứ nguồn kinh phí nào chi cho việc quảng bá, phát hành, phổ biến phim. Tiếp đó, phim đã ra rạp đúng “điểm rơi”, thời điểm đẹp, thuận lợi sau kỳ nghỉ Tết – khi công chúng đã "bão hòa" các phim về đời sống gia đình, xã hội... Có thể nói Đào, phở và piano đã hội tụ đủ 3 yếu tố để làm nên thành công của một bộ phim.
Tuy nhiên, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho rằng, việc tạo ra các tác phẩm điện ảnh có hiệu quả tương tự là “bài toán khó” bởi không ai có thể dự đoán chính xác sức hút của một bộ phim về đề tài chính trị, lịch sử.
Cục trưởng Vi Kiến Thành nêu rõ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện nay chỉ đặt hàng sản xuất chứ không có kinh phí phát hành hay tuyên truyền, quảng bá phim. Trước đây, việc phát hành phim do Fafilm Việt Nam thực hiện nhưng doanh nghiệp này gặp nhiều vấn đề sau cổ phần hóa và đã ngưng hoạt động. Vì thế, sau Đào, phở và piano, Cục Điện ảnh xây dựng nghị định về phát hành, phổ biến phim sản xuất từ ngân sách Nhà nước, đề xuất giao Trung tâm chiếu phim quốc gia phát hành nguồn phim này. Dự kiến, đề án này sẽ được hoàn thiện cuối năm nay.
Đào, phở và piano là phim thuộc chương trình thí điểm phát hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ra rạp tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, mục đích là để đo lường khả năng tạo doanh thu của phim Nhà nước. Sau khi tác phẩm được quan tâm, Cục Điện ảnh đã tiến hành cho chiếu phim này ở một số rạp tư nhân, họ đều là những đơn vị đồng ý nộp 100% doanh thu vào ngân sách.
Phim Đào, phở và piano đã đạt doanh thu 21 tỷ đồng – bằng với số vốn Nhà nước bỏ ra để đặt hàng phim, mức giá vé vào xem phim này chỉ là 50.000 đồng/vé, thấp hơn hẳn các phim do tư nhân sản xuất. Cục trưởng Vi Kiến Thành cũng khẳng định: Phim được Nhà nước đặt hàng sản xuất làm ra không phải để “cất kho” như nhiều ý kiến phản ánh. Cụ thể là các phim đặt hàng đều được chiếu trong các tuần phim phục vụ nhân dân diễn ra dịp chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, chiếu trên truyền hình...
Phim Đào, phở và piano sẽ được chiếu ở Tuần phim kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sau đó được chiếu trên sóng Đài truyền hình Việt Nam vào dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô 10/10 tới đây.
Về ý kiến phản ánh Liên hoan phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF 2024) có ít phim Việt Nam tham gia, ông Vi Kiến Thành nêu rõ: Liên hoan này chia thành 2 hạng mục phim ngắn và phim dài. Ở hạng mục phim dài, có phim “Ầu ơ ví dầu” của đạo diễn Lê Bình Giang từng được lựa chọn ở hạng mục Phim Đông Nam Á nhưng phim này chưa được Cục Điện ảnh cấp phép do vi phạm Luật Điện ảnh nên không được đưa vào đề cử. Còn hạng mục phim ngắn, Việt Nam có tới 3 tác phẩm là Bát mã truy phong, Cuối giường dậy lên một tiếng gọi và Ngủ ngon con yêu.
Ở Việt Nam hiện có 3 Liên hoan phim quốc tế, gồm Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh và Liên hoan phim châu Á ở Đà Nẵng.
Tags