Phim tài liệu về vụ hiếp dâm 'chia đôi' Ấn Độ

Thứ Sáu, 06/03/2015 07:31 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ấn Độ đã vừa cấm phát sóng India's Daughter, bộ phim tài liệu gây tranh cãi xoay quanh vụ hiếp dâm tập thể nữ sinh viên Jyoti Singh (23 tuổi) hồi năm 2012.

Bộ phim tài liệu này, được đạo diễn Anh Leslee Udwin sản xuất và phát sóng trên kênh BBC cùng mạng truyền hình NDTV của Ấn Độ.

Nạn nhân có lỗi?

Vụ cưỡng hiếp xảy ra khi Singh lên một chuyến xe buýt về nhà sau một buổi xem phim muộn với bạn trai. Cô đã bị 6 gã đàn ông trên xe thay nhau cưỡng hiếp và đánh đập. Chúng còn lột trần và ném cả hai nạn nhân xuống đường. 13 ngày sau khi bị tấn công dã man, Singh đã chết. Hành vi tàn nhẫn của những kẻ phạm tội đã gây phẫn nộ khắp Ấn Độ, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình đòi tăng hình phạt với tội hiếp dâm.


Nhà làm phim Anh Leslee Udwin, đạo diễn phim tài liệu India's Daughter

Udwin cho biết bà có cảm hứng làm phim sau khi xem cảnh hàng ngàn người đổ xuống các đường phố ở khắp Ấn Độ. Bà đã hợp tác với một nhà báo Ấn Độ và làm phim trong 2 năm. Trong quá trình làm phim, bà Udwin đã được giới chức quản lý nhà tù và Bộ Nội vụ cho phép vào nhà tù Tihar ở New Delhi để thực hiện các cuộc phỏng vấn.

Udwin đã phỏng vấn Mukesh Singh, 1 trong 5 kẻ bị kết án tù vì tội tham gia vụ hiếp dâm Singh. Tuy nhiên, Mukesh không hề ân hận về hành vi của mình. Gã nói rằng cô gái nạn nhân "phải chịu trách nhiệm lớn hơn đàn ông”. Mukesh cũng nói rằng Singh đã có lỗi khi đi ra đường vào đêm muộn và thu hút sự chú ý của những kẻ như hắn.

Dù chưa lên sóng, bộ phim đã lập tức gây tranh cãi ở Ấn Độ. Bộ trưởng Nội vụ Rajnath Singh tuyên bố phát biểu của Mukesh trong phim đã “xúc phạm và sỉ nhục nhân phẩm phụ nữ".

Một tòa án ở New Delhi cũng ban lệnh cấm truyền thông Ấn Độ chiếu bộ phim. Lý do khiến tòa án ra lệnh cấm trên chưa được nêu rõ, tuy nhiên nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại rằng phim trở thành diễn đàn để kẻ hiếp dâm đưa ra những quan điểm lệch lạc của mình.

Phát ngôn viên của cảnh sát New Dehli là Rajan Bhagat cho biết cơ quan này đã đề nghị tòa án ban hành lệnh cấm với lý do “nội dung xấu” của bộ phim có thể gây rối loạn trật tự công cộng.

“Chúng tôi mới chỉ xem các đoạn quảng cáo phim. Dựa vào những hình ảnh đó, chúng tôi đã gửi kiến nghị lên tòa án. Phim có cuộc phỏng vấn kẻ cưỡng hiếp đang thụ án, với những câu nói rất ‘ngang tai’” – Bhagat nói.


Mukesh Singh không hề tỏ ra ân hận và thậm chí còn đổ lỗi cho nạn nhân
Những quan điểm trái chiều

Mạng truyền hình NDTV của Ấn Độ dự định phát sóng phim India's Daughter vào ngày 8/3, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ. Phim cũng được lên kế hoạch phát sóng ở 6 nước khác, gồm có Anh. Đạo diễn Udwin cho biết bà thấy đau khổ khi phim bị cấm chiếu.

“Tôi lạc quan tin rằng NDTV sẽ đấu tranh chống lại tình trạng kiểm duyệt tùy tiện này" - bà nói. Người phát ngôn của hãng truyền thông BBC bày tỏ: “Bộ phim tài liệu này, được làm với sự ủng hộ tuyệt đối và sự hợp tác của cha mẹ nạn nhân, mang đến cái nhìn sâu sắc vào một tội ác khủng khiếp đã gây nên những làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới. Sự kiện cũng dẫn đến các cuộc biểu tình ở Ấn Độ, yêu cầu thay đổi thái độ đối với phụ nữ. Phim xử lý vấn đề này một cách đầy trách nhiệm”.

Giới chính trị gia ở Ấn Độ đã đưa ra những quan điểm trái chiều về bộ phim này. Nhiều người ủng hộ lệnh cấm chiếu phim của tòa án, song số khác cho rằng Ấn Độ phải có cơ hội được thấy quan điểm của kẻ cưỡng hiếp, dù rất khó để chấp nhận quan điểm đó.

“Cấm chiếu phim không phải là câu trả lời” – nghị sĩ Anu Agha nói - “Chúng ta phải đối diện với thực tế là đàn ông ở Ấn Độ không tôn trọng phụ nữ. Bất cứ lúc nào xảy ra cưỡng hiếp, người ta đều đổ lỗi cho phụ nữ”.

Udwin tin rằng, lệnh cấm chiếu sẽ chỉ càng làm tăng mối quan tâm của công chúng tới phim của bà. “Họ càng cố gắng cấm chiếm phim thì lại càng khơi gợi sự quan tâm của công chúng. Giờ ai cũng muốn được xem phim” - Udwin lạc quan nói.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›