Phim 'Trường học bá vương': Độc, dị, lạ, nhưng...

Thứ Hai, 06/08/2018 06:56 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau một tháng im ắng, phim Việt đã trở lại màn ảnh rộng với sự khai màn của bộ phim Trường học bá vương (đạo diễn: Duy Joseph), khởi chiếu từ ngày 3/8. Trước khi ra mắt, phim này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích phòng vé mới sau Em chưa 18, vì sao chép hoàn toàn công thức: bối cảnh học đường hiện đại + diễn viên chính mới toanh. Nhưng công thức là một lẽ, từ công thức đó có chế biến thành công hay không, lại là một lẽ khác.

Đọc tựa đề và xem không khí phim này, người xem không khỏi liên tưởng đến phim Trường học bá vương (tên chữ Hán: Siêu cấp học hiệu bá vương, đạo diễn: Vương Tinh) phát hành năm 1993 tại Hong Kong (Trung Quốc). Phim này phỏng theo loạt trò chơi điện tử nổi tiếng Street Fighter.

Trong phiên bản của Duy Joseph, Diệp là một sát thủ siêu cấp bị truy sát và bất ngờ phải ngụy trang dưới dạng học sinh trong một lớp học vô cùng bá đạo. Tại đây anh liên tục gặp phải những tình huống dở khóc dở cười, từ sự nghịch ngợm “ngoài sức tưởng tượng” của đám nhất quỷ nhì ma này. Và khi anh bắt đầu có tình cảm gắn bó, thì cả ngôi trường bị đặt vào một tình huống vô cùng nguy hiểm…

Chú thích ảnh
Sự phá cách của một phim đề tài học đường như “Trường học bá vương” sẽ rất kén người xem

Có một không hai!

Ngay từ khi tung ra trailer và chiến dịch PR thông tin, Trường học bá vương đã khiến người xem phải chú ý vì chất “độc, dị, lạ” toát lên từ tạo hình nhân vật, bối cảnh học đường cho đến ý tưởng sát thủ phải thay hình đổi dạng thành học sinh.

Thực tế những gì diễn ra trên phim đúng vậy. Chuyện phim xảy ra trong một ngôi trường quốc tế có tên Good Genius, ở đó có một ông thầy hiệu trưởng luôn ôm khư khư trên tay một con chó và việc làm thường xuyên nhất là quát mắng học sinh với âm lượng có thể khiến người nghe chóng mặt ù tai.

Các học sinh đến trường có em mặc đồng phục hở rốn, có em diện váy ngắn kim sa, mang tất lưới cũng chẳng sao, nhưng tất cả đều trang điểm kỹ càng, tóc tai vừa cầu kỳ vừa hầm hố, hệt dân chơi thứ thiệt. Các môn giảng dạy trong trường cũng độc lạ không kém như đào tạo ngôi sao, khoa học không gian, siêu anh hùng toàn tập, ngôn tình...

Còn trước đó, khi Diệp trong thân phận một sát thủ, khán giả há hốc mồm khi thấy khả năng nhào lộn, tránh được đạn, mỗi khi xung trận, chỉ cần xòe tay là dao nhọn mọc ra tua tủa, không khác gì người sói Wolverine. Đối thủ của Diệp - băng nhóm mafia - cũng quái không kém, với kẻ cầm đầu là Đằng, một thanh niên sở hữu đôi mắt mà mỗi khi trợn lên có thể thôi miên, sai khiến người khác.

Tóm lại các nhân vật trong phim không phải dị biệt thì cũng là quái nhân, khiến khán giả đang xem một bộ phim Việt, nghe nhân vật nói tiếng Việt mà cứ phải kêu lên “người lạ ơi”, "truyện tranh ơi"!

Chú thích ảnh
Phim có nhiều cảnh hài thì không cười, cảnh bi lại cười

Hài thì không cười, không hài lại cười

Ngay từ đầu, Trường học bá vương đã xác định đây là một tác phẩm hành động - hài và đúng là phim có ưu điểm ở những màn hành động rất chất với góc quay đẹp, diễn viên ra đòn dứt khoát, mạnh mẽ. Tuy nhiên chất hài trong phim lại không phát huy hiệu quả.

Người xem chẳng thể cười nổi với những trò tinh nghịch của các học sinh trường Good Genius, vì nó vượt quá xa lẽ thường tình. Có thể cười được không với tình tiết một nữ học sinh trừ tà bằng cách chui vào nhà vệ sinh nam ném muối, gạo, nhang? Hoặc đang ngồi trong lớp bỗng nhiên dùng kiếm đâm vào lưng nam sinh mà cô nghi ngờ là mượn xác Tình? Hoặc cảnh trong giờ học, bốn học sinh nam cởi phăng áo khoe thân trước mặt cả lớp và đố vui nhau về những vấn đề liên quan đến đồng tính, cứ mở miệng hết “công” rồi “thụ”.

Nghịch lý là trong khi không thể cười được với những tình huống hài thì khán giả lại bật cười với những phân cảnh bi. Cao trào là đoạn Tình bị kẻ thù vạch mặt thân phận thật chính là sát thủ Diệp trước mặt cha mẹ và bạn bè. Những lời lẽ trần tình thốt lên từ miệng của Tình và tiếng gào thét nức nở của mẹ Tình khi nhận ra người đứng trước mặt không phải là con trai mình mà là người khác mượn xác lẽ ra rất xúc động nhưng do diễn xuất của Wean Lê và Maria Đinh Phương Ánh non nớt, cộng thêm lời thoại quá sách vở, khiến người xem cười ồ vì sự ngô nghê, thiếu tự nhiên.

Đề tài học đường vẫn còn là mảnh đất trống chờ các nhà làm phim khai phá. Trường học bá vương dù mang đến một màu sắc học đường khác lạ, rất lập dị, cá tính…, nhưng có lẽ những gì mới lạ thì phải mất một thời gian dài mới chạm được vào được số đông.

Giải mã kỷ lục phòng vé của hiện tượng 'Em chưa 18'

Giải mã kỷ lục phòng vé của hiện tượng 'Em chưa 18'

Em chưa 18, đạo diễn Lê Thanh Sơn vừa giành Giải Bông Sen Vàng cho phim truyện điện ảnh tại LHP Việt Nam 2010. Công chiếu từ ngày 28/4 năm nay, chỉ sau 10 ngày, phim Em chưa 18 đã thu về 115 tỷ đồng, tương đương 5 triệu USD.

Dương Ngọc

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›