Phim Việt chiếu ở nước ngoài: Bước đệm vươn ra quốc tế

Thứ Hai, 17/05/2021 19:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dù hướng chủ yếu đến khán giả Việt kiều ở Singapore và Malaysia xem, nhưng Bố già (đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành) cũng đã gây ấn tượng khá tốt, có tuần nó đã thuộc nhóm phim ăn khách nhất tại Malaysia.

Phim Việt và hành trình 'trăm tỷ'

Phim Việt và hành trình 'trăm tỷ'

Những phim Việt cán mốc doanh trăm tỷ ngày càng nhiều, khi những sản phẩm mới ra mắt đã liên tiếp xô đổ những kỷ lục được thiết lập trước đó.

Phim đang thương thảo để chiếu thương mại tại Thái Lan, Philippines, Indonessia, Mỹ… cũng với mục đích phục vụ chủ yếu cho khán giả Việt kiều. Có thể thấy, phim Việt đang đi dần vào quy luật chung của quốc nội và quốc tế, chẳng cần phải tự ti hoặc tự tôn.

Cho đến nay, với gần 2 triệu USD tiền vé ở thị trường quốc tế, Hai Phượng (đạo diễn: Lê Văn Kiệt) có lẽ là phim Việt có doanh thu quốc tế cao nhất. Mấy năm gần qua, ở góc độ thị trường, đã có nhiều phim Việt ra quốc tế như Hồn papa da con gái, Lật mặt: Nhà có khách, Cha ma… dù doanh thu còn khá thấp, nhưng rõ ràng có triển vọng. Sắp tới đây là các phim Việt khác, như Thiên thần hộ mệnh dự định công chiếu ở 12 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Indonesia, Philippines… hay Lật mặt 5: 48h dự định chiếu tại Mỹ, Canada, Australia và 5 nước châu Á… hoặc Bóng đè đã được 25 nước mua bản quyền phát hành; Sám hối sẽ ra mắt tại Ấn Độ và các quốc gia lân cận v.v…

Chú thích ảnh
Chưa ra mắt trong nước, nhưng phim “Bóng đè” đã được 25 nước mua bản quyền phát hành

Có phải “tự sướng ở ao làng”?

Nhiều nơi, đặc biệt trên mạng, nhiều ý kiến cho rằng việc phim Việt được chiếu ở thị trường quốc tế chỉ là giấc mơ viển vông, còn kỷ lục doanh thu nội địa này kia chỉ là “tự sướng” ở ao làng. Một người làm nghề có tiếng còn cho rằng doanh thu nội địa của Hai Phượng, Bố già… “chỉ là muỗi”, chưa thể đứng vào Top 100 từ dưới lên của thế giới.

Thẳng thắn nhìn nhận, ở góc độ thị trường, hoặc cụ thể hơn là doanh thu phòng vé, phim Việt đang đi dần vào quy luật chung của quốc nội và quốc tế, chẳng cần phải tự ti hoặc tự tôn.

Theo Box Office Mojo, trong 200 phim đang dẫn đầu thị trường bán vé toàn cầu năm 2021, tính đến ngày 16/5, phim Bố già xếp ở vị trí thứ 34, Lật mặt 5: 48h ở vị trí 52, Trạng Tí phiêu lưu ký ở vị trí 133… Hơn 10 ngày trước, khi các phim này còn đang chiếu trong nước, các thứ hạng xếp cao hơn khá nhiều, ví dụ Bố già từng xếp ở thứ hạng 27. Còn những phim thế giới có doanh thu dưới 1 triệu USD trải dài từ vị trí thứ 121 cho đến 200, các phim có doanh thu dưới 200.000 USD (hơn 4,5 tỷ đồng) thì từ vị trí 178 trở xuống.

Chú thích ảnh
Việc chiếu ở nước ngoài, “Bố già” vừa phục vụ nhu cầu của cộng đồng Việt kiều, vừa hướng đến xuất khẩu văn hóa

Cho nên, nếu nhìn tổng quan cả thế giới, đây là những thứ hạng rất khá của phim Việt, nếu biết rằng trung bình thế giới có gần 2.000 phim công chiếu mỗi năm. Ví dụ như năm 2019 và 2020, thế giới có hơn 1/4 số phim ra rạp không thu về nổi 100.000 USD, vài chục phim không thu về nổi 1.000 USD tiền vé. Vì vậy, không nên quá mặc cảm để rồi tự ti, phiến diện rằng doanh thu như Hai Phượng, Bố già… là chuyện “tự sướng ở ao làng”.

Tất nhiên, xét về tổng thể thì phim Việt còn nhiều vấn đề yếu kém, nhất là ở chất lượng kịch bản, các hạng mức đầu tư và thiếu các ngôi sao lớn. Nhưng, nếu chỉ xét riêng ở khía cạnh bán vé, tăng trưởng của Việt Nam trong 10 năm qua đã được nhiều tạp chí chuyên ngành phim ảnh trên thế giới đánh giá tốt, với nhiều tiềm năng lớn. Nếu xét về độ phổ biến của ngôn ngữ qua các quốc gia, phim nói tiếng Việt có nhiều hạn chế hơn, nhưng nếu biết rằng thế giới hiện có hơn 61.700 hãng phim, thì đủ thấy tỷ lệ thành công của bất kỳ phim nào cũng là rất nhỏ.

Khảo sát từ trên xuống, trong gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, số nền điện ảnh sản xuất trên 40 phim mỗi năm chỉ vào khoảng 30. Với hơn 40 phim mỗi năm, trong mấy năm gần đây, điện ảnh Việt Nam ngang bằng số lượng với Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Australia, Thái Lan, Ai Cập… Cần nhớ rằng trước năm 2010, mỗi năm Việt Nam chỉ làm được trên dưới 10 phim, sự tăng trưởng về số lượng như vậy là đáng khích lệ, sẽ làm nền tảng cho chất lượng ra đời.

Chú thích ảnh
Phim “Thiên thần hộ mệnh” dự định công chiếu ở 12 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Canada…

Không chỉ là những tấm vé

Khi được hỏi rằng những phim như Hai Phượng, Bố già... chiếu ở nước ngoài - ngoài chuyện doanh thu - thì nó còn có tác động hoặc ý nghĩa gì cho phim Việt nói chung, nhà biên kịch Bình Bồng Bột khẳng định: “Thật ra, doanh thu mới là thứ không có ý nghĩa gì lắm trong việc đi ra nước ngoài. Vì nó còn quá thấp. Cái chính là phim Việt được tới khán giả Việt kiều và thế giới, để người ở xa biết được trong nước đang làm cái gì. Các câu chuyện bản địa và du nhập có thêm cơ hội va đập, thử thách”.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cũng đồng tình: “Doanh thu ở thị trường nước ngoài tôi nghĩ chưa đáng kể đâu, nhưng ít nhiều đó là một bước đệm tốt để giới thiệu điện ảnh Việt Nam với quốc tế. Và trong tương lai gần, đây là cơ hội để xuất khẩu văn hóa - thông qua điện ảnh - đến các nước trong khu vực và quốc tế. Không một nền điện ảnh phát triển nào mà thiếu khâu xuất khẩu phim và văn hóa cả”.

Lê Hồng Lâm phân tích thêm: “Tính nguyên bản (original) thì nền điện ảnh nào cũng cần phải có rồi, nếu muốn giới thiệu một cái gì đó riêng biệt, độc nhất về nền điện ảnh nước đó. Ở Việt Nam, tính nguyên bản trong điện ảnh còn yếu và chủ yếu mới khai thác các lớp màng của bề mặt. Sở dĩ Hai PhượngBố già xuất khẩu thành công hơn các phim khác một chút cũng nhờ vào tính nguyên bản và biết khai thác đậm đà chất bản địa của Việt Nam. Trong 2 phim nói trên, Bố già làm tốt hơn Hai Phượng ở chất bản địa này”.

Hai nhận định này thật xác đáng, vì với các nền điện ảnh lớn trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nigeria, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì doanh thu chính vẫn là thị trường nội địa. Cái câu “người Việt dùng hàng Việt” không chỉ đúng với phim Việt, mà còn đúng với nhiều địa hạt sáng tạo, văn hóa, giải trí khác. Trước đây chừng 5 năm, phim ngoại nhập luôn lấn át phim nội về chuyện bán vé, tình hình gần đây đã khác, vấn đề đối nội đang khá ổn, khi mà trong 15 phim có doanh thu cao nhất tại Việt Nam thì có đến 11 phim Việt.

Trailer phim "Bố già":

15 phim nội/ngoại có doanh thu cao nhất tại Việt Nam

1. Bố già (hơn 400 tỷ đồng)

2. Avengers: Endgame (285 tỷ đồng)

3. Hai Phượng (200 tỷ đồng)

4. Cua lại vợ bầu (191,8 tỷ đồng)

5. Mắt biếc (180 tỷ)

6. Em chưa 18 (171 tỷ đồng đồng)

7. Gái già lắm chiêu 3 (165 tỷ đồng)

8. Fast And Furious: Hobb And Shaw (150,1 tỷ đồng)

9. Lật mặt 4: Nhà có khách (117,5 tỷ đồng)

10. Spiderman: Far From Home (110,9 tỷ đồng)

11. Siêu sao siêu ngố (109 tỷ đồng)

12. Em là bà nội của anh (102 tỷ đồng)

13. Để Mai tính 2 (101,3 tỷ đồng)

14. Trạng Quỳnh (100 tỷ đồng)

15. Captain Marvel (93 tỷ đồng)

(Nguồn: Tổng hợp từ Box Office Vietnam và Toplist)

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›