Phim Việt đi dự giải Oscar: 'Đủ phú quý thì lễ nghĩa mới bền vững'

Thứ Hai, 13/12/2021 14:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Việc phim Bố già được chọn là đại diện Việt Nam gửi tranh vòng sơ loại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (Best Foreign Language Film) ở Oscar 2022 là một sự kiện được nhiều nơi chú ý, cổ vũ.

Phim 'Bố già' của Trấn Thành đại diện Việt Nam dự Oscar 2022

Phim 'Bố già' của Trấn Thành đại diện Việt Nam dự Oscar 2022

Phim Bố già đã được chọn là đại diện Việt Nam gửi tranh vòng sơ loại hạng mục Phim quốc tế hay nhất ở Oscar 2022.

Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, cũng giống các phim đại diện gần đây như Cô Ba Sài Gòn, Hai Phượng, Mắt biếc, cơ hội vượt qua vòng loại của Bố già gần như là không có. Vậy thì phim phải như thế nào mới được đề cử chính thức tại Oscar?

Cho đến nay, phim nói tiếng Việt duy nhất lọt vào vòng đề cử chính thức là Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng, tại Oscar lần thứ 66 năm 1993. Những phim từng được hy vọng đề cử chính thức là Ba mùa, Mùa Hè chiều thẳng đứng, Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông…

Oscar 2022 sẽ nhận 93 phim tham dự vòng sơ loại giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Danh sách rút gọn sẽ còn 15 phim, được công bố vào ngày 21/12/2021, từ đây chọn ra 5 phim vào vòng đề cử chính thức, công bố vào ngày 8/2/2022. Lễ trao giải Oscar lần thứ 94 dự kiến diễn ra vào ngày 27/3/2022.

Chú thích ảnh
Phim “Bố già” tham gia vòng sơ loại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2022

Quá ít phim để chọn

Bàn về chuyện chọn phim gửi đi Oscar, đạo diễn Nguyễn Bá Vũ nói rằng do có quá ít sự lựa chọn, nên rất khó khăn cho hội đồng đề cử. Anh phân tích: “Nếu mỗi năm có chừng 20 phim ra rạp với chất lượng cao, trong đó có ít nhất 5-7 phim thật nổi trội để chọn lựa, thì sẽ dễ hơn đôi chút. Việc này sắp tới sẽ càng rất khó khăn, vì các hãng phim chỉ muốn làm phim thương mại - điều này hoàn toàn không có gì sai. Không mấy ai lại đi làm phim với tiêu chí dự giải Oscar đâu, vì dự xong thì làm gì nữa, bởi chưa chắc đã bán được vé. Chỉ khi nào việc phát hành phim Việt ở rạp ổn định, phim thắng lợi nhiều hơn phim thua lỗ, hy vọng lúc ấy sẽ có vài người nghĩ đến việc làm phim để hướng đến các liên hoan phim đẳng cấp thế giới. Nói như ông bà ta, phải có đủ phú quý thì lễ nghĩa mới bền vững”.

Chú thích ảnh

Trong danh sách từ sau Mùi đu đủ xanh đến nay, nhiều ý kiến cho rằng chỉ có phim Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh mới xứng đáng với vòng đề cử chính thức Oscar. Nếu mở rộng với các phim không đi dự, thì có thêm phim Xích lô (1995) của Trần Anh Hùng. Còn với đạo diễn Charlie Nguyễn thì: “Gần đây chỉ có Ròm mới đúng dạng phim cần gửi đến Oscar, các phim giải trí của nước mình thì còn cách Oscar xa lắm”.

“Theo quan sát cá nhân, các phim đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất thường kết hợp giữa các yếu tố như có sự đột phá về ngôn ngữ điện ảnh, mạnh dạn khai thác các vấn đề riêng của quốc gia dưới góc nhìn của nhà làm phim, nhưng vẫn có tính phổ quát quốc tế. Ngoài ra, trong những năm gần đây, giải thưởng thường chọn những phim có tính thời sự và sức cộng hưởng chung” - đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh phân tích.

Anh nói thêm: “Hiện nay, điện ảnh Việt Nam vẫn đang tập trung chủ yếu vào sản xuất các phim giải trí, dành cho thị trường trong nước. Một số nhà làm phim độc lập vẫn đang tự thân tìm nguồn tài trợ để hoàn thành các dự án phim tác giả. Câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý và các nhà làm phim có mạnh dạn chạm đến những vấn đề nổi cộm của xã hội trong các bộ phim hay không? Điện ảnh Việt Nam hiện nay có thể trông chờ vào một vài sự đột phá cá nhân, tuy nhiên, để có phim lọt vào vòng cử đề chính thức của Oscar, cả nền điện ảnh của chúng ta cần thật sự cởi mở, dũng cảm và cả tài năng”.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "Mùi đu đủ xanh" của ĐD Trần Anh Hùng - phim Việt duy nhất cho đến nay lọt vào vòng đề cử chính thức Oscar (1993)

Định hướng chung rất quan trọng

Tại hội thảo về điện ảnh Ai góp ý giơ tay hồi tháng 9/2021, ông Park Sung Ho (giám tuyển của LHP quốc tế Busan) đã phân tích về sự đi đúng hướng trong chính sách văn hóa của Hàn Quốc.

Ông chia sẻ: “Đối với tôi mà nói, người làm luật rất cần phải hiểu rằng, văn hóa thì không thể bị đánh đồng với mục đích tuyên truyền. Văn hóa cần được phản ánh qua những giá trị nghệ thuật, mà từ đó nó có thể được phát triển để thực sự quảng bá cho một địa phương hoặc một đất nước. Người dân Hàn Quốc thực sự rất tự hào về sự thành công toàn cầu của hàng loạt các văn hóa phẩm mà chúng tôi đưa ra thế giới. Khi mà cái gọi là quyền lực mềm của Hàn Quốc được củng cố chắc chắn, thì đất nước Hàn Quốc cũng theo đó mà được nhận rất nhiều lợi ích, từ việc bán các sản phẩm nội địa, tới việc thu hút nhiều khác du lịch, cuối cùng là tạo thêm một lượng lớn công ăn việc làm cho người dân”.

“Tuy rất nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình của Hàn Quốc phơi bày những sự thật xấu xa của xã hội, đất nước chúng tôi, nhưng chúng vẫn được người xem đón nhận nhiệt tình, những người làm phim ấy được tôn trọng. Điều gì sẽ xảy ra nếu như chính phủ Hàn Quốc kiểm duyệt những nội dung này? Khi đó chắc chắn sẽ không còn nhiều sự thành công như vậy nữa. Người đạo diễn cần được làm bộ phim của họ với ít sự can thiệp nhất có thể, như vậy thì chất lượng bộ phim mới được đảm bảo. Hàn Quốc thay đổi chính sách từ kiểm soát sang hỗ trợ vào năm 1998, đến 2020 thì phim Hàn đoạt giải Oscar”.

Đành rằng, mỗi quốc gia sẽ có một vài đặc thù riêng, nhưng gần đây, qua các văn bản đang được dự thảo, trong đó có Luật Điện ảnh sửa đổi, Việt Nam cũng đang chia sẻ các điểm tích cực từ các thông lệ quốc tế, hướng mạnh đến sự cởi mở, đổi mới trong quản lý điện ảnh. Điều này sẽ góp phần kích hoạt nhiều nhà làm phim mở rộng ước mơ và tầm nhìn đến các liên hoan phim danh giá. Hy vọng những trường hợp như Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác của đạo diễn Hàm Trần, được lựa chọn chính thức tham gia Liên hoan phim Sundance, sẽ nhiều hơn.

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›