Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Singapore được thành lập từ năm 1987, tập trung vào việc giới thiệu các phim quốc tế và cung cấp một nền tảng toàn cầu cho những tác phẩm hay nhất của khu vực Đông Nam Á. Qua nhiều thập niên, nó đã trở thành một sự kiện thường niên quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật của Singapore.
LHP Quốc tế Singapore lần thứ 33 sẽ được tổ chức trong 11 ngày, kéo dài từ 24/11 - 4/12. Sau Covid-19, LHP lần này sẽ có những đổi mới, hy vọng sẽ đem đến cho khán giả những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Có thêm 2 phần trình chiếu mới
Năm nay, phim kinh dị Assault của nhà làm phim Adilkhan Yerzhanov, người Kazakhstan, được chọn chiếu khai mạc. Tổng cộng, LHP sẽ trình chiếu 101 phim độc lập (phim truyện và phim ngắn) tới từ 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một nửa tác phẩm trong số này được trải rộng cho 6 phần trình chiếu của LHP, bao gồm 2 phần mới được đặt tên là Altitude và Horizon.
Altitude được mô tả là "nền tảng quan trọng cho các tác phẩm mới của một số nhà làm phim lâu đời nhất hiện nay". Phần này liệt kê 6 phim đại diện cho tiêu chuẩn cao nhất trong quá trình làm phim đương đại.
Trong khi đó, Ban tổ chức cho biết: "Horizon tìm ra những khám phá mạnh mẽ của LHP và những phim có quan điểm chiết trung từ khắp nơi trên thế giới. Tuyển chọn 10 phim quốc tế của chúng tôi sẽ gợi lên sự tò mò khi khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc".
Giám đốc chương trình Thong Kay Wee cho biết: "LHP Singapore đã trải qua rất nhiều điều trong vài năm qua và giai đoạn củng cố với những hiểu biết mới rất hữu ích cho con đường phía trước. Chúng tôi phải liên tục thử thách bản thân để phát triển cùng với khán giả và ngành công nghiệp điện ảnh. Phù hợp với những thay đổi của năm ngoái đối với các phần chương trình của chúng tôi, các phần bổ sung mới hoàn thành quá trình chuyển đổi theo hướng chương trình được chỉ định và toàn diện hơn, nơi chúng tôi chào đón khán giả xem xét các vị trí khác nhau mà họ có thể đảm nhận khi thưởng thức các dịch vụ phim của chúng tôi".
Giám đốc điều hành Emily J. Hoe cho biết thêm: "LHP Singapore năm nay đã hoạt động trở lại hết công suất và chúng tôi thực sự biết ơn những người đã ủng hộ trong mọi khó khăn. Ngoài việc một phim từ Trung Á lần đầu tiên được chiếu tại LHP, chúng tôi cũng đã mở rộng mạng lưới các nhà sản xuất, bao gồm toàn bộ châu Á, củng cố sự hỗ trợ của chúng tôi đối với các phim độc lập trong toàn khu vực".
"Gì cũng sửa" tranh giải chính
LHP Singapore cũng sẽ trao giải thưởng cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Vai diễn ấn tượng nhất… vào đêm bế mạc, với 2 hạng mục chính là Phim truyện châu Á và Phim ngắn Đông Nam Á.
"Giờ đây, chúng tôi cung cấp một nền tảng toàn diện hơn cho các nhà làm phim, với những bước phát triển mới của LHP được bổ sung hoàn hảo bởi các phần thi hiện có dành cho phim truyện châu Á và phim ngắn Đông Nam Á, cũng như toàn cảnh Singapore. Thông qua những phần quan trọng này, chúng tôi chú ý đến những nhà làm phim mới nổi xuất sắc nhất trong khu vực và rất vui mừng được theo dõi, cũng như hỗ trợ sự nghiệp của họ trong tương lai" - Emily J. Hoe bày tỏ.
Hạng mục Phim ngắn Đông Nam Á gây chú ý với 17 tác phẩm tham gia tranh giải với2 tác phẩm của đạo diễn người Việt, trong đó nổi bật là Into ThFix Anything (tựa Việt: Gì cũng sửa) của Lê Lâm Viên.
Nam đạo diễn Lê Lâm Viên cho biết dự án được bấm máy trong năm 2019 với sự góp mặt của cố nghệ sĩ Giang Còi. Phim có thời lượng 15 phút,thuộc thể loại phiêu lưu hài hước, kể về hành trình trong một đêm nhiều biến cố của hai bố con làm nghề sửa chữa lưu động. Nghệ sĩ Giang Còi đóng vai người bố, một người thợ có tính cách gàn dở, khó lường. Ông có khả năng chế tạo ra các loại máy móc từ phế liệu. Mọi chuyện bắt đầu khi ông giới thiệu cho con trai (Lê Anh Tuấn đóng) về một cỗ máy có thể xóa trí nhớ, kèm theo đó là một kế hoạch khó tin giúp giải quyết món nợ tiền nhà.
Ban đầu đoàn phim còn khá băn khoăn với việc kết hợp một kịch bản viễn tưởng với một nghệ sĩ hài. Tuy nhiên, sau khi Giang Còi bắt đầu diễn thì không ai còn thắc mắc gì nữa. "Bản thân ông cũng đem tới nhiều ý tưởng về cách xây dựng người bố trong phim" - Lê Lâm Viên chia sẻ.
Trước đó, Gì cũng sửa được chiếu miễn phí trong khuôn khổ Tuần lễ phim ngắn CJ, do tập đoàn CJ Hàn Quốc và CJ CGV Việt Nam tổ chức hồi tháng 9 vừa qua. Đây là một trong số ít phim chiếu rạp của cố nghệ sĩ Giang Còi và có lẽ cũng là phim chiếu rạp cuối cùng của đời ông.
Các tác phẩm tranh giải Phim truyện châu Á
- Convenience Store của Michael Borodin
- Autobiography của Makbul Mubarak
- Leonor Will Never Die của Martika Ramirez Escobar
- The Cloud Messenger của Rahat Mahajan
- Arnold Is A Model Student của Sorayos Prapapan
- Joyland của Saim Sadiq
- Summer With Hope của Sadaf Foroughi
- Gaga của Laha Mebow
- Archaeology Of Love của Lee Wanmin
Tags