(Thethaovanhoa.vn) - Phim Xưởng 13 khởi chiếu từ ngày 19/1 là tác phẩm thứ 4 của Phan Minh, với không khí kinh dị, khác hẳn với 3 phim trước đây về thể loại, về cách tiếp cận. Nhìn chung, nỗ lực làm nghề của Phan Minh đã được thể hiện rõ hơn qua phim này, nhưng để khẳng định một cá tính thì đường hãy còn xa.
Năm 2011, Phan Minh ra mắt phim đầu tay Khoảng lặng, đây gần như là phim tốt nghiệp, dài 60 phút. Tháng 12/2014, anh chào thị trường với Tốc độ và đường cong, được đầu tư tương đối bài bản, nhưng câu chuyện rời rạc, phim không thành công. Tháng 9/2015, công chiếu Trùm cỏ, một phim hài, hút khách không phải nhờ cách làm, mà nhờ các cây hài Việt Hương, Trấn Thành, Thu Trang…
Kịch bản tập trung, nhưng…
Nếu Tốc độ và đường cong là một ví dụ điển hình về kịch bản lạc đề, thiếu nhất quán, thì đến Trùm cỏ, và bây giờ là Xưởng 13, Phan Minh đã khắc phục được điều này khá nhiều.
Phim Xưởng 13 kể về nhóm Black Cat (gồm 1 cô gái và 3 chàng trai) vì tò mò chuyện ma quái mà quyết đột nhập một xưởng may cũ, với lời đồn có ma, để tìm hiểu. Mục đích của họ là ghi hình thực tế và phát trên YouTube để câu lượt xem. Sau khi mắc kẹt tại xưởng này trong một đêm ngắn ngủi, kết quả có nhiều cái chết oan uổng. Một thời gian, một địa điểm, một nút thắt… có thể nói kịch bản Xưởng 13 rất mô phạm, “cổ điển”.
Mục đích tối thượng của hư cấu là kể một câu chuyện mang dấu ấn cá nhân, nên một câu chuyện như Xưởng 13 - dù u ám, bế tắc - thì cũng là bình thường. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Xưởng 13 là lý do của câu chuyện chưa đủ hợp lý, hoặc chưa đủ phi lý, để thu hút người xem ở mức độ bất ngờ, thán phục.
Vì sao ông bảo vệ Phúc (do Quý Bình thủ vai) sống một mình trong xưởng bỏ hoang, vốn không muốn cho ai ra vào, lại sẵn sàng giết 4 bạn trẻ tình cờ đột nhập? Rồi 4 bạn trẻ vốn là cư dân mạng, thích sống ảo, vì sao lại nhanh chóng chuyển thành kẻ sẵn sàng giết người lạnh lùng? Hai câu hỏi này chưa được giải quyết thấu đáo, nên người xem vẫn thấy lấn cấn, khó tin vào mắt mình.
Đây là chưa nói lập luận “đời làm gì có ma” đã được giải quyết khá đơn giản, thô thiển thành ra câu chuyện vốn có không khí rùng rợn - kéo dài chừng 70 phút - đã nhanh chóng trôi tuột sau đó.
Đã là hư cấu, như ông bụt trong truyện cổ tích, ma quỷ chẳng qua là cái cớ để kể câu chuyện, thì cần gì phải khẳng định ma quỷ có hoặc không. Cứ làm sao để người xem tin rằng một câu chuyện như đã kể là hoàn toàn có thể xảy ra trong những tình huống đặc biệt, đó mới là nghệ thuật. Kịch bản Xưởng 13 chưa làm được điều này, dù dữ liệu hoàn toàn có thể đủ, nếu muốn sử dụng.
Nỗ lực khẳng định mình
Nhiều người nói Phan Minh xuất thân trong gia đình “có điều kiện” nên muốn làm phim bao nhiêu cũng được. Nhận xét này đương nhiên là có tính cách kỳ thị và không thỏa đáng. Phan Minh mê làm phim từ nhỏ, từng có 5 năm học về điện ảnh tại Học viện Điện ảnh New York, Mỹ. Nhìn về tổng thể, Xưởng 13 ra dáng bộ phim hơn Trùm cỏ, Tốc độ và đường cong hoặc Khoảng lặng khá nhiều. Qua từng phim, anh cho thấy nỗ lực để hoàn thiện nghề nghiệp và khẳng định cá tính, ấy là điều khá đáng quý.
Tuy nhiên, trong sáng tạo nhiều khi học thuật, điều kiện làm việc, tay nghề… mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải là cái duyên, là cái khiếu, là sự may mắn. Qua phim Xưởng 13, Phan Minh cho thấy mình là người làm việc khoa học, văn minh, có lập trường, nhưng dấu ấn riêng của đạo diễn thì chưa có được.
Ở đây đưa ra một trường hợp không phải để so sánh, mà chỉ để làm ví dụ, đó là Vũ Ngọc Đãng. Dù không có nhiều phim thật sự thành công, nhưng phim nào cũng tạo được dấu ấn, nên người xem dễ hình dung về Vũ Ngọc Đãng khi nhắc tên. Hy vọng với nỗ lực không mệt mỏi và điều kiện làm việc có những thuận lợi riêng, Phan Minh sẽ sớm khẳng định được danh xưng một đạo diễn.
Văn Bảy
Tags