Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: 'V-League cần tăng tính giải trí để thu hút thêm khán giả'

Thứ Tư, 15/03/2023 07:13 GMT+7

Google News

Xuất hiện nhiều sóng gió ngay dù mùa giải chuyên nghiệp 2023 của bóng đá Việt Nam vừa mới bắt đầu. Ngoài việc bị gián đoạn do ảnh hưởng của các giải đấu quốc tế, tình trạng CLB bỏ giải đã trở lại và việc nâng cao chất lượng chuyên môn giải đấu đang đặt ra hết sức cấp thiết. Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF và Chủ tịch HĐQT Công ty VPF, để làm rõ hơn về giải pháp khắc phục các vấn đề này.

1. Giải đấu bị gián đoạn do lịch thi đấu chưa đồng bộ

* Thưa ông Trần Anh Tú, mùa giải bóng đá chuyên nghiệp năm nay được điều chỉnh theo hướng rút ngắn thời gian, song lại bị gián đoạn do ảnh hưởng của một số giải đấu và sự kiện thể thao quốc tế khác. Điều này mang tới những khó khăn gì cho các nhà tổ chức và các đội bóng?

- Ông Trần Anh Tú: Trước khi vào mùa giải thì VFF và VPF luôn luôn có những buổi làm việc để sắp xếp lịch thi đấu trên tinh thần vừa đủ quỹ thời gian để tổ chức hệ thống giải chuyên nghiệp, đồng thời đảm bảo cho  hoạt động của các đội tuyển. Việc mùa giải bị ngắt quãng hay gián đoạn không phải chỉ năm nay mới bắt đầu, mà đã tồn tại trước với nguyên nhân chính là lịch thi đấu của trong nước với lịch của AFC và nhiều sự kiện khác chưa phù hợp.

Dù vậy, vấn đề gián đoạn mùa giải cần được nhìn nhận từ nhiều phía, có khó khăn và có thuận lợi cho các CLB. Chúng ta thấy, một loạt CLB đã tận dụng cái quãng nghỉ vừa rồi để củng cố lực lượng, cơ sở vật chất và mặt sân. Còn một số CLB khi giải đấu bị ngắt quãng thì tất nhiên cũng ảnh hưởng đến phong độ.

Trên thực tế, việc sắp xếp lịch thi đấu phải hài hòa giữa đội tuyển quốc gia, đảm bảo sao cho giải vẫn có đủ quỹ thời gian để vận hành và các các đội tuyển cũng phải đảm bảo được thành tích  ở các giải quốc tế của AFC.

2. Thắt chặt việc cấp phép CLB

* Ngoài câu chuyện vừa nêu, cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo lắng đối với hệ thống giải chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Mới đây, CLB Sài Gòn đã rút lui khiến giải hạng Nhất phải tổ chức lại bốc thăm và điều chỉnh phương thức thi đấu. Rõ ràng, chuyện đội bóng bỏ giải, cũng như việc có đội bóng chưa đáp ứng được tiêu chí CLB chuyên nghiệp để dự V-League luôn là vấn đề nổi cộm chưa thể giải quyết dứt điểm?

- Chúng tôi cũng rất "đau đầu" về vấn đề này. Trường hợp của CLB Sài Gòn rút lui trước khi giải hạng Nhất khởi tranh nằm ngoài tầm kiểm soát của VFF, VPF vì họ bị vướng về mặt pháp lý đối với 1 CLB và không giống những trường hợp chúng ta từng gặp trước đây. Hiện nay, nhiều đội bóng hoàn toàn phụ thuộc vào tài chính của chủ đầu tư, nếu khả năng tài chính của chủ đầu tư tốt thì mới đảm bảo cho sự bền vững của CLB.

Về vấn đề cấp phép CLB chuyên nghiệp, hàng năm, VFF, VPF đều bàn rất kỹ. Để đảm bảo được các tiêu chí của AFC về CLB chuyên nghiệp thì phải phải đáp ứng được các yêu cầu rất cao về quy mô, tổ chức, tài chính và nhiều hoạt động khác. Hiện nay, ước lượng thì cũng khoảng đến 3/4 số CLB đáp ứng được tiêu chí của AFC và thực tế vẫn còn những CLB ở V-League chưa đáp ứng được tiêu chí này.

Trên thực tế thì VFF, VPF luôn yêu cầu các CLB phải đáp ứng được tiêu chí của AFC vì đây là điều kiện nhằm đảm bảo cho sự bền vững của chính CLB và tạo sự ổn định cho giải đấu. Mới đây, thường trực VFF đã đặt ra vấn đề là ngày càng thắt chặt các tiêu chí. Có thể, trong vài năm sẽ bị thiếu hụt CLB dự giải nhưng đảm bảo được sự bền vững và giảm thiểu tình trạng bỏ giải.

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú: “V-League cần tăng tính giải trí để thu hút thêm khán giả” - Ảnh 1.

Ông Trần Anh Tú cho rằng cần giúp V-League có thêm tính chất giải trí để thu hút khán giả. Ảnh: Hoàng Linh

 3. Nâng cao tính giải trí cho V-League

* Các nhà tổ chức đã có kế hoạch như thế nào để cải thiện chất lượng các giải đấu chuyên nghiệp, đặc biệt kể từ mùa giải 2023/2024, hệ thống giải chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam sẽ diễn ra theo lịch chung của AFC?

- Thực sự, chúng tôi luôn đau đáu về vấn đề này và đang tìm nhiều cách để nâng cao chất lượng các giải đấu, đặc biệt là V-League. Trước hết, V-League phải tăng được tính giải trí và hình ảnh cần đẹp hơn để có thể thu hút sự quan tâm của người hâm mộ.

Chúng tôi cũng đang cân nhắc và cố gắng phổ biến biển quảng cáo bằng đèn LED thay hệ thống biển, bảng quảng cáo như trước. Hiện nay, mới chỉ có 4 SVĐ có hệ thống biển quảng cáo bằng đèn LED, còn 7 SVĐ chưa có. Kinh phí để trang bị hệ thống này từ 7 đến 8 tỷ và là khoản tiền khá lớn nhưng VPF sẽ cố gắng đầu tư. Hệ thống VAR cũng đang triển khai từng bước và đây là một yếu tố giúp cho giải chuyên nghiệp hơn, chất lượng tốt hơn và giảm bớt sai sót của trọng tài. Đấy cũng là một cách để nâng cao chất lượng của giải.

Rồi chuyện sân bãi, hiện nay các CLB cũng rất cố gắng trong việc cải tạo mặt sân. Theo đánh giá của VPF, thời gian qua một số sân như ở Thanh Hóa, Nghệ An cũng đang cải tạo lại mặt sân và tôi nhận được những báo cáo rất tích cực. Ngoài ra, VPF cũng yêu cầu các CLB phải nâng cấp giàn đèn để đảm bảo đủ ánh sáng khi thi đấu. 

Về vấn đề ngoại binh, cũng cần có sự cân nhắc hợp lý về số lượng. Vì nhiều ngoại binh thì ảnh hưởng đến phong độ, cơ hội thi đấu của nội binh, còn ít ngoại binh thì làm giảm tính hấp dẫn. Điểm mới mà VPF đang thử nghiệm là cho phép sử dụng cầu thủ nước ngoài gốc Việt. Rất nhiều cầu thủ trong số này hiện đang chơi ở các nền bóng đá mạnh nên nếu bổ sung nguồn này thì sẽ làm tăng chất lượng giải đấu. 

Một vấn đề nữa là đào tạo cầu thủ trẻ ở các CLB cần tiếp tục được quan tâm và phải thường xuyên. Chúng ta thấy được lợi ích của việc đào tạo trẻ đã đóng góp rất nhiều cầu thủ cho đội tuyển, điển hình như là lứa cầu thủ năm 2018 thi đấu ở Thường Châu, Trung Quốc. Nếu V-League ngày càng cải thiện được chất lượng chuyên môn, chắc chắn tạo nên tác động tích cực tới các ĐTQG. 

Chúng tôi cũng dự tính là sẽ tổ chức trận đấu kiểu mẫu, để làm sao có thể nhân rộng ra từ một, hai trận đấu kiểu mẫu, từ đấy sẽ làm cho giải đấu trở nên hấp dẫn hơn, kéo khán giả đến sân nữa hơn thì chắc chắn rằng chất lượng của giải sẽ tăng hơn.

4. Cải thiện công nghệ tổ chức

* Hệ thống các giải chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam đã có sự phát triển nhất định các năm gần đây nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những tồn tại và hạn chế. Trong vai trò là nhà tổ chức giải đấu, Công ty VPF mong muốn điều gì từ phía các CLB và người hâm mộ để có thể làm tốt hơn nữa vai trò của mình?

- Qua thực tiễn ở Việt Nam và tham khảo từ nhiều mô hình khác nhau ở các nền bóng đá chuyên nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng, để tạo nên một trận đấu tốt, một giải đấu tốt thì công nghệ tổ chức phải đáp ứng được những yêu cầu rất cao. Thực tế, công nghệ tổ chức của chúng ta vẫn còn lạc hậu và đây là hạn chế cần tập trung để khắc phục.

Để thu hút sự quan tâm của người hâm mộ, lôi kéo khán giả tới sân đây cũng là bài toán rất khó. Hiện nay, ở một số sân như Lạch Tray, Thiên Trường, Thanh Hóa hay trước đây là sân Vinh khán giả tới theo dõi, cổ vũ rất cuồng nhiệt nhưng vẫn còn một số sân chưa thu hút được khán giả. Như tôi đã phân tích ở trên, V-League cần phải tăng được tính giải trí, thì mới có thể lôi kéo được người hâm mộ.

Để hiện thực hóa được mục tiêu này, cần thực hiện nhiều phải pháp tổng thể, đồng bộ, chứ không chỉ riêng từ VFF, VPF. VPF cũng đã tính tới phương án thuê các chuyên gia nước ngoài để đẩy mạnh marketing cho giải, tiếp cận tốt hơn với số đông khán giả. Ngoài ra, các CLB cũng cần chung tay với Ban tổ chức giải, tìm kiếm thêm những giải pháp mới, thay đổi tích cực hơn.

* Xin cảm ơn ông Trần Anh Tú về cuộc trò chuyện này. Và xin được chúc cho mùa giải 2023 của bóng đá Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.


Vũ Lê

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›