(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 23/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì Hội nghị.
Cùng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương.
Vẫn còn tình trạng tiêu cực, bao che, tiếp tay cho tội phạm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2020, nhìn chung, Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác phòng, chống tội phạm đã tập trung vào việc chỉ đạo giải quyết vấn đề phát sinh gây bức xúc trong nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 8,4% số vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, điều tra, khám phá nhiều chuyên án lớn, đặc biệt là tội phạm liên quan đến băng nhóm tín dụng đen, xã hội đen; nhiều vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao…
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành; đã phát hiện, xử lý thành công nhiều đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả lớn, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỉ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu; chống sản xuất, kinh doanh các mặt hàng y tế giả kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
"Tuy nhiên, tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa biến chất" - Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.
Tội phạm sử dụng không gian mạng có diễn biến phức tạp
Báo cáo tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, nổi bật là tình trạng tội phạm có tổ chức vẫn diễn ra phức tạp, có sự đan xen giữa các lĩnh vực, núp bóng doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu là “bảo kê”, “tín dụng đen”, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng; lợi dụng dịch COVID-19, hoạt động đầu cơ, buôn lậu, làm giả các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh; vi phạm trong thực hiện các gói thầu mua thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch gây bức xúc xã hội.
Về kết quả đấu tranh chống tội phạm, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá gần 20.000 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội (đạt 84,049%), bắt 45.004 đối tượng; triệt phá hơn 1.000 băng nhóm tội phạm các loại, nhất là đấu tranh, triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến "tín dụng đen”. Thứ trưởng Bộ Công an cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đó là hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn ra phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng không gian mạng.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, thời gian qua lực lượng hải quan đã tịch thu và xử lý 50.000 xe đạp và xe đạp điện giả mạo Việt Nam để xuất sang Mỹ. Đặc biệt đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan đã xác định được một doanh nghiệp tuy không được các cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhưng doanh nghiệp này đã tự ý cấp và cấp C/O không đúng cho 30 doanh nghiệp xuất khẩu.
"Cơ quan hải quan đang phối với Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), cơ quan chức năng chuẩn bị đưa ra khởi tố vụ án, khởi tố doanh nghiệp nói trên", Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết.
Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức tiếp tay cho tội phạm
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ mở cao điểm đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm bảo vệ đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dịp Quốc khánh 2/9 và Tết Nguyên đán. Đồng thời, Bộ Công an sẽ chỉ đạo triển khai có hiệu quả và tổ chức tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người toàn quốc, trọng tâm là trên tuyến biên giới Việt – Trung…
Lực lượng công an tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng của quân đội, hải quan và các lực lượng khác triển khai kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, băng ổ nhóm tội phạm có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực các Ban Chỉ đạo và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm về môi trường, ma túy, sử dụng công nghệ cao, xâm hại, bạo hành trẻ em, mua bán người; xử lý nghiêm đối với cán bộ, chiến sỹ có hành vi bao che, dung túng, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm để tội phạm hoạt động.
Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hóa quy trình cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm đúng thời hạn quy định, không để nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu...
Đỗ Bình/TTXVN
Tags