"Thu hẹp khoảng cách chăm sóc" là chủ đề xuyên suốt của chiến dịch kéo dài 3 năm, được khởi động từ năm 2022 nhân Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc ung thư sẽ tăng 81% tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2040 do thiếu nguồn lực đầu tư cho việc phòng ngừa và điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
WHO ước tính mỗi năm trên thế giới có thêm 20 triệu người mắc ung thư và 10 triệu người không vượt qua căn bệnh này, chiếm khoảng 16% số ca tử vong trên toàn cầu. Giới chuyên gia cảnh báo số ca ung thư mới sẽ tăng lên khoảng 30 triệu ca vào năm 2040.
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên toàn cầu nhưng có thể phòng ngừa và kiểm soát. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận các phương pháp sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư ở trong và giữa các quốc gia đang có sự khác biệt khá lớn. Ước tính 70% trường hợp tử vong do ung thư xảy ra ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình, song những nước này hiện chỉ chiếm khoảng 5% chi tiêu toàn cầu trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị ung thư.
Tại các nước thu nhập thấp và trung bình, cơ sở chăm sóc bệnh nhân còn hạn chế, thiếu và không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ phòng ngừa ban đầu hay phát hiện sớm, khan hiếm các phương tiện tầm soát ung thư làm gia tăng sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị. Thực trạng đáng buồn này càng được phơi bày rõ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khi mọi nguồn lực y tế tập trung ngăn chặn đại dịch. .
Khảo sát của các chuyên gia y tế cho thấy chất lượng điều trị tốt hơn ở các quốc gia có thu nhập cao góp phần giảm đến 20% số ca tử vong do ung thư tại nhóm các nước này. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với nhóm các quốc gia nghèo chỉ ở mức 5%. WHO gọi đây là "khoảng cách nguy hiểm chết người" bởi chính khoảng cách của sự bất bình đẳng này đã khiến hàng triệu người sống ở các nước kém phát triển bị chết vì căn bệnh ung thư vốn có thể điều trị và chữa khỏi được.
Châu Phi, khu vực được coi là nghèo nhất thế giới, hiện ghi nhận khoảng 1,1 triệu bệnh nhân ung thư mới và khoảng 700.000 ca tử vong mỗi năm. WHO khu vực châu Phi nhận định số người chết vì ung thư tại "Lục địa Đen" có thể tăng lên gần 1 triệu ca mỗi năm vào năm 2030. Riêng đối với trẻ em, tỷ lệ trẻ em mắc ung thư ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi là 56,3 ca/1 triệu người.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti cảnh báo châu Phi sẽ chiếm gần 50% số ca ung thư ở trẻ em trên toàn thế giới vào năm 2050 nếu không có các biện pháp can thiệp khẩn cấp và mạnh mẽ để ngăn ngừa, kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, châu Phi hiện vẫn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng năng lực điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư. Số cơ sở điều trị ung thư ở châu lục này chỉ chiếm 3% tổng số toàn cầu. Trong số 55 thành viên của Liên minh châu Phi, hiện có đến hơn 20 quốc gia không có máy xạ trị chuyên dụng cho bệnh nhân ung thư.
Số liệu của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư giữa các quốc gia giàu và nghèo ở châu Mỹ. Tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở Canada năm 2020 là khoảng 5 ca mới/100.000 phụ nữ, trong khi tỷ lệ này ở Bolivia là 36/100.000. Tương tự, tỷ lệ tử vong tại Canada là 2 ca/100.000 phụ nữ, trong khi tại Paraguay là 19/100.000. Ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, chưa đến 20% trẻ em dưới 14 tuổi có thể đăng ký khám ung thư, trong khi hơn 95% trẻ em ung thư ở khu vực Bắc Mỹ được đăng ký khám bệnh.
Chuyên gia Valerie McCormack thuộc Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cho biết nhiều gia đình chia sẻ họ phải bán đất để điều trị ung thư và không còn tiền cho con cái học hành - "vòng luẩn quẩn" đối với các gia đình nghèo có bệnh nhân ung thư. Theo số liệu của WHO, ở các nước thu nhập cao, tỷ lệ sống sót của trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh ung thư là hơn 80%, trong khi ở các nước thu nhập thấp và trung bình thì dưới 30%.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người mắc bệnh ung thư vú hiện đã vượt quá 80% ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, trong khi tại ở Ấn Độ là 66% và chỉ 40% ở Nam Phi. Do đó, giới chuyên gia cho rằng các tổ chức và chính phủ cần triển khai và thực hiện những chiến lược đồng bộ ở tất cả các quốc gia trên toàn cầu, nhất là những nước thu nhập thấp và trung bình, để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc, xóa bỏ những rào cản, không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống căn bệnh ung thư quái ác này.
Chủ đề "Thu hẹp khoảng cách chăm sóc" nhấn mạnh đến sự đoàn kết và cùng hành động để giải quyết bệnh ung thư ở cả cấp độ cá nhân và cộng đồng. Theo báo cáo của Hội đồng tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet Oncology, thu hẹp khoảng cách về chẩn đoán hình ảnh, điều trị và chất lượng chăm sóc có thể ngăn chặn 2,5 triệu ca tử vong do ung thư ở châu Phi.
Trong khuôn khổ chiến dịch này, sáng kiến "Rays of Hope" (Những tia hy vọng) đã được khởi động từ năm 2022, thiết lập một liên minh các đối tác và nhà tài trợ từ chính phủ, tư nhân và cộng đồng quốc tế nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư ở châu Phi, qua đó thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về chăm sóc bệnh ung thư và đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc.
Tags