Phòng chống tham nhũng, tiêu cực 2018: Đưa ra xét xử nhiều 'ông lớn' dầu khí, ngân hàng

Thứ Bảy, 29/12/2018 15:47 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2018 đi qua với những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Hàng loạt đại án kinh tế - tham những gây chấn động dư luận, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước và doanh nghiệp đã được đưa ra xét xử.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực 2018: Những 'thanh bảo kiếm' sắc bén

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực 2018: Những 'thanh bảo kiếm' sắc bén

Năm 2018, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đồng bộ, lan tỏa tới cơ sở. Nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, quản lý đất đai, công sản… đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Nhiều cán bộ cấp cao, từng giữ vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế quan trọng hàng đầu của đất nước, những nhân vật được coi là “ông lớn” của ngành dầu khí, ngân hàng, đã phải cúi đầu nhận tội trước pháp luật, với những bản án thích đáng.

Đó là kết cục tất yếu cho những hành vi, thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi, phức tạp, tính chất nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, làm thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân.

* Tham ô, cố ý làm trái: Hàng loạt cán bộ, chuyên gia ngành dầu khí vướng vòng lao lý

Trong đó, vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) là vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam, một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".  Đây cũng là phiên tòa đầu tiên áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự mới, phiên tòa không vành móng ngựa.

Chú thích ảnh
Chiều 14/5/2018, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên án các bị cáo tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm về tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Xuyên suốt vụ án xảy ra tại PVC, PVN là hành vi của ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN) và Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC).

Trong đó, ông Đinh La Thăng thời điểm đó là người đứng đầu một tập đoàn kinh tế mũi nhọn được Nhà nước tin tưởng giao cho thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm, trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng đã không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quản lý kinh tế, chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng kinh tế trong khi không có đầy đủ kinh nghiệm và năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng, vượt qua cả Nghị quyết của Hội đồng thành viên, chỉ đạo việc cấp tạm ứng thực hiện hợp đồng không đúng, vi phạm các quy định của pháp luật. Vi phạm của ông Thăng dẫn đến hệ lụy là các cán bộ dưới quyền trong PVN đều vi phạm, đây là hậu quả đáng tiếc và đáng lên án.

Bên cạnh Đinh La Thăng là Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, nhận thức rõ Công ty không có năng lực tài chính, trình độ thực hiện dự án, trong khi chưa có hồ sơ thiết kế và các điều kiện đầy đủ, cần thiết để ký Hợp đồng, nhưng đã chỉ đạo quyết liệt Ban giám đốc ký Hợp đồng EPC số 33. Đặc biệt, khi được nhận tiền tạm ứng để thực hiện dự án, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích dẫn đến việc thực hiện dự án bị trì trệ, gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Chính hành vi của bị cáo dẫn đến hệ lụy là một loạt cán bộ, nhân viên dưới quyền cũng lâm vào vòng lao lý.

Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và luật sư ra sức bào chữa, nhưng với chứng cứ và lời khai của các bị cáo cũng như tài liệu có trong hồ sơ, việc truy tố các bị cáo về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế quan trọng hàng đầu của đất nước, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý, khai thác dầu khí - nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia và thực hiện những dự án, công trình trọng điểm của đất nước, trong đó có Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án nêu trên, lợi dụng vị thế, tính đặc thù cũng như nhiều ưu đãi khác của Nhà nước đối với Tập đoàn Dầu khí, vì những động cơ khác nhau mà các bị cáo đứng đầu là Đinh La Thăng đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, làm trái các quy định của Nhà nước về lựa chọn nhà thầu, về ký kết hợp đồng, tạm ứng vốn, về sử dụng vốn tạm ứng gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Đối với hành vi "Tham ô tài sản", các bị cáo mà đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh, người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVC đã câu kết với nhau và với doanh nghiệp bên ngoài lập hồ sơ, quyết toán khống để chiếm đoạt số tiền rất lớn của chính PVC.

Hậu quả của vụ án là hết sức nghiêm trọng. Số tiền thiệt hại hơn 119 tỷ đồng và hơn 13 tỷ đồng tham ô chưa nói được hết tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án. Ngoài việc gây thiệt hại ban đầu như đã xác định, việc làm trên của các bị cáo đã làm chậm tiến độ dự án, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỷ đồng; khi có vốn tạm ứng thì sử dụng tùy tiện, trái nguyên tắc gây thất thoát lớn vốn Nhà nước. Trong vụ án này, không chỉ ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm hình sự, mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn, các đơn vị thành viên PVN, đã bị xử lý, trong đó nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong ngành dầu khí cũng vì đây mà tha hóa, biến chất, như Trịnh Xuân Thanh là một điển hình.        

Ngoài ra, hậu quả của việc chỉ định thầu trái phép và tạm ứng tiền trái phép phải được tính toán tổng hợp trên nhiều khía cạnh. Một là, hàng loạt cán bộ, chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực dầu khí, xây dựng, tài chính của PVN được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến, đã vi phạm pháp luật. Hai là, do không có năng lực thi công nên Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm 18 tháng so với tiến độ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg. Việc chậm tiến độ đã làm đội vốn công trình hàng nghìn tỷ đồng, lãi phát sinh đối với các khoản vay trong và ngoài nước mà hiện nay Nhà nước đang phải trả. Ba là, nhiều máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành khi nhà máy chưa vận hành. Những tổn thất này chưa thể thống kê hết trong giai đoạn điều tra và sẽ tiếp tục phát sinh sau vụ án.

* Cấu kết để trục lợi trong hoạt động ngân hàng: Không thể có “ngoại lệ”!

Trong năm 2018, nhiều vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng đã được đưa ra xét xử, như vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) liên quan việc PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB); vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB)...

Chú thích ảnh
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên xét xử phúc thẩm về tội "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến vụ án tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong đó nổi lên là sự cấu kết giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan chức năng để trục lợi, với các hành vi chủ yếu vi phạm vào các tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Các hành vi phạm tội không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, các cá nhân liên quan, mà còn gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế.

Đơn cử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), theo Hội đồng xét xử, hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra liên tục, kéo dài trong nhiều năm. Toàn bộ số tiền hơn 1.576 tỷ đồng Oceanbank đã sử dụng chi trả lãi ngoài hợp đồng cho khách hàng gửi tiền tại Oceanbank, phục vụ  mục đích cá nhân của lãnh đạo Oceanbank và một số nội dung chi chưa giải trình được. Nguồn tiền chủ yếu do vi phạm các quy định của pháp luật về chế độ kế toán thống kê và trần lãi suất huy động vốn tối đa từng thời kỳ của Ngân hàng Nhà nước; vi phạm quy định của pháp luật về chế độ kế toán thống kê và cả những quy định nội bộ về chế độ tài chính.

Toàn bộ số tiền hơn 1.576 tỷ đồng đã được Oceanbank chi trái quy định và không thu hồi được, đó là hậu quả thiệt hại hiện hữu, đặc biệt nghiêm trọng về mặt vật chất. Về hậu quả gián tiếp, phi vật chất và những hệ lụy khác: Việc làm trái quy định của Nhà nước nói trên của các bị cáo đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm rối loạn thị trường tài chính, là nguy cơ làm tăng lạm phát; gây tổn hại nghiêm trọng đến việc thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Mặt khác, hệ lụy của việc chi lãi suất vượt trần trên dẫn đến Oceanbank không kiểm soát được nguồn vốn, kiểm soát việc thu chi; cho vay và đầu tư dàn trải dẫn đến những khoản nợ khó đòi, nợ xấu và thất thoát vốn; thua lỗ lũy kế hàng năm; mất khả năng thanh khoản... Từ đó, Ngân hàng Nhà nước phải đưa Oceanbank vào diện kiểm soát đặc biệt và cuối cùng là phải mua bắt buộc toàn bộ vốn góp của các cổ đông Oceanbank; gánh toàn bộ nghĩa vụ và trách nhiệm với các khách hàng; phải đầu tư vốn và công sức cho việc tái cơ cấu Oceanbank, ổn định trật tự tài chính, trấn an khách hàng và nhân dân, điều này cũng làm tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Hơn nữa, kết quả điều tra và qua xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa cho thấy, ngoài số tiền chi lãi suất ngoài hợp đồng cho các khách hàng là cá nhân, Oceanbank còn chi khoản lãi suất ngoài hợp đồng cho các tổ chức kinh tế, trong đó đa số là tổ chức kinh tế có vốn của Nhà nước nhưng thực chất là chi cho các cá nhân là lãnh đạo của những tổ chức này. Điều này cũng tạo ra những nhóm lợi ích, lợi dụng tài sản chung để trục lợi cá nhân, tiếp tay cho tham nhũng.

Liên quan đến giai đoạn 2 của vụ án tại Oceanbank, cơ quan pháp luật đã khởi tố, truy tố và xét xử vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào ngân hàng Oceanbank liên quan đến ông Đinh La Thăng và nhiều lãnh đạo, cán bộ của PVN. Qua quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, các bị cáo trong những vụ án này đã phải nhận những hình phạt nghiêm minh. Tòa tuyên phạt Đinh La Thăng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp hình phạt 13 năm tù trong vụ án xảy ra tại PVC, PVN, buộc ông Thăng phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 bản án là 30 năm tù; Ninh Văn Quỳnh 23 năm tù; Hà Văn Thắm nhận hình phạt chung đối với 4 tội danh là tù chung thân…

Việc xét xử nghiêm khắc vụ án này cũng như những vụ án kinh tế lớn thời gian qua sẽ là tiền đề cho quá trình làm rõ những vụ án kinh tế sau này; răn đe, ngăn chặn những người còn đang mơ hồ về tính nghiêm minh của luật pháp trước nhiều điều trước đây tưởng như có “ngoại lệ”.

TTXVN/Xuân Tùng

Bài 3-Phiên tòa đặc biệt trong lịch sử tố tụng Việt Nam (TTXVN 30/12)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›