(Thethaovanhoa.vn) - Nếu tính từ năm 1975 đến nay, Tự Do là phòng tranh tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Từ ngày 31/12/2015, họ chính thức đóng cửa vì lý do đáng tiếc: không có người tiếp bước.
Khai trương ngày 22/6/1989 bằng triển lãm cá nhân Phòng tranh mùa Hạ (quen gọi Phòng triển lãm tắt đèn) của họa sĩ Rừng. Chính vì ra đời đầu tiên, nên đây cũng là phòng tranh tư nhân có tuổi đời bền bỉ nhất, gần 27 năm, với 197 cuộc triển lãm.
Đồng hành cùng họa sĩ
Trong suốt thời gian hiện diện tại quận 1, TP HCM, Tự Do “đóng đô” ở 142 Đồng Khởi từ năm 1989 đến 1999, và ở 53 Hồ Tùng Mậu từ năm 2000 đến nay. Họ đã thực hiện hơn 120 triển lãm cá nhân, hơn 60 triển lãm chung, trong đó có 17 triển lãm tại Thụy Điển, Hong Kong, Úc, Bỉ, Mỹ, Singapore…
Nếu tính bình quân mỗi triển lãm trưng bày 25 tác phẩm, thì Tự Do đã giới thiệu gần 5.000 lượt tác phẩm, đến ngày đóng cửa, bộ sưu tập còn lại của họ vào khoảng 1.500 tác phẩm, gồm nhiều chất liệu.
Chủ nhân phòng tranh là vợ chồng họa sĩ Trần Thị Thu Hà (năm nay 64 tuổi) và nhà sưu tập Đặng Hải Sơn (79 tuổi). “Nhờ làm việc chung tại phòng tranh, vợ chồng tôi có nhiều thời gian bên nhau. Phòng tranh mở tại nhà riêng nên thuận lợi cho việc nuôi dạy con cái. Cả gia đình chúng tôi đều yêu thích hội họa” - họa sĩ Trần Thị Thu Hà tâm sự.
Đầu tháng 1/2016, họ sang Mỹ sống cùng con cháu. Với triển lãm cá nhân Hồn quê và biển vào tháng 9/2015, họa sĩ Trần Mạnh Đức trở thành người cuối cùng góp mặt tại phòng tranh Tự Do.
Trước bối cảnh mà cái khái niệm như chuyên nghiệp, đẳng cấp, cao cấp… được dùng đến mức lạm dụng, thì đến năm 2011, trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, Tự Do vẫn nói một ý khiêm nhường, nhưng thẳng thắn: “Chúng tôi cố gắng trở nên chuyên nghiệp, nhưng vẫn phải chấp nhận thực tế khó khăn hiện tại. Cho nên chỉ có thể là bán chuyên nghiệp mà thôi”.
Giai đoạn đầu, khi phòng tranh còn ở Đồng Khởi và giá tranh Việt còn rẻ, có tháng họ bán đến 200 tranh lụa, tranh giấy dó, khoảng 70 - 80 bức sơn dầu. Càng về sau này, do giá tranh cao lên, số lượng bán ra có ít đi, nhưng nhìn chung Tự Do là địa chỉ giao dịch thường xuyên và uy tín.
“Chúng tôi đã may mắn được đồng hành cùng một số họa sĩ tài năng. Các nhà báo, nhà văn luôn nhiệt tình giới thiệu các họa sĩ các cuộc triển lãm với công chúng và các nhà sưu tập nghệ thuật trong suốt 27 năm vừa qua” - trong thư tạm biệt, phòng tranh Tự Do viết.
Họa phẩm của Nguyễn Gia Trí
Một trong những bảo vật “trấn sơn” của Tự Do là đại kiệt tác Bạch Đằng giang (còn gọi là Sát Thát) mà danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) sáng tạo cách đây nửa thế kỷ. Tác phẩm này gồm 4 tấm, mỗi tấm có kích thước 220 cm x 75 cm, sơn mài ngũ sắc, diễn tả không khí đánh giặc oai hùng trên sông Bạch Đằng.
Trong quá trình vận chuyển từ sở hữu chủ cũ đến sở hữu chủ mới bằng 4 chiếc xích lô cách đây mấy chục năm, chiếc chở tấm thứ hai đi lạc, sau đó Tự Do đã nhiều lần đăng báo tìm kiếm nhưng không rõ tung tích.
Tình trạng thất lạc một tấm hoặc một phần kiệt tác trên thế giới không hiếm, ví dụ như tượng thần Vệ Nữ thành Milo bị gãy mất tay, nhưng ở Việt Nam thì ít nơi quen với điều này. Chính vì rủi ro và cơ duyên này, cùng với việc Tự Do không muốn bán Bạch Đằng giang cho người nước ngoài, nên kiệt tác hiện diện mấy chục năm tại đây.
Một trong những giao dịch cuối cùng của phòng tranh Tự Do là việc bàn giao Bạch Đằng giang cho doanh nhân Nguyễn Thanh Phượng, một nhà sưu tập 8X, dành nhiều tâm huyết với tranh Việt. Sáng ngày 28/12/2015, sau khi chuyển Bạch Đằng giang về trú ngụ ở không gian mới, Tự Do cũng gởi thư đóng cửa đến các nhà sưu tập, các tác giả, báo giới và quý thân hữu.
Vì muốn tên tuổi, tinh thần của mình còn tồn tại dài lâu tại Việt Nam, phòng tranh sẵn sàng chuyển giao. Nếu việc này được hoàn tất thì nỗi buồn đóng cửa sẽ trở thành một kết thúc có hậu.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags