(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2020, ngoài những tác phẩm văn chương, hội họa, âm nhạc… không thể không nhắc đến những bức ảnh về một Việt Nam kiên cường trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19. Những bức ảnh chân thực, sinh động mà tràn đầy sự trân trọng và lòng biết ơn.
Trong số hàng triệu bức ảnh về chủ đề này, có một bức ảnh lan tỏa được những giá trị tốt đẹp, tinh thần quật cường và ý chí mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng cho người dân cả thế giới cùng chung tay đẩy lùi đại dịch. Đó là bức Ngủ ngon nhé con yêu, có ta ở đây rồi của tác giả Lưu Trọng Đạt (Thông tấn xã Việt Nam).
Tác phẩm này đã đoạt giải Vàng cuộc thi ảnh Kiên cường Việt Nam do Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR) phát động hồi tháng 10/2020 ở hạng mục “Ảnh chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp”.
Thể thao và Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với Lưu Trọng Đạt.
- Thế giới hơn 103,5 triệu ca mắc covid-19, gần 654 nghìn người tử vong
- Sáng 1/2, ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 tại Hà Nội
- Dịch Covid-19 ngày 31/1: Thế giới có 103.219.722 ca bệnh, 2.231.236 ca tử vong
Từ sự kiên cường tác nghiệp trong tâm dịch
* Trong những ngày Covid-19 hoành hành tại Việt Nam, Đạt nói riêng và các tay máy của TTXVN nói chung đã xông pha vào trận tuyến bằng đặc thù nghề nghiệp của mình như thế nào?
- Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt đối với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong số quốc gia bị ảnh hưởng ngay từ làn sóng Covid-19 đầu tiên.
Ngay từ những ngày đầu tháng 3/2020, tôi và các phóng viên TTXVN trên khắp 63 tỉnh thành đã được cơ quan phân công chụp các hoạt động phòng chống dịch và quy trình đón các đoàn công dân nước ngoài về khu cách ly tập trung theo dõi Covid-19 trong 14 ngày.
Tôi cùng các đồng nghiệp TTXVN đã nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ và đã tạo ra được những bức ảnh báo chí, nhóm ảnh, phóng sự ảnh tốt trên mọi trận chiến chống dịch. Những tay máy của TTXVN mang trong mình những trái tim dũng cảm sẵn sàng đối mặt với dịch bệnh để dòng thông tin không ngừng chảy, để lưu lại một khoảng thời gian lịch sử hào hùng của cả dân tộc với thành quả to lớn khi đánh lui và chiến thắng đại dịch Covid-19.
* Covid-19 là một bệnh dịch nguy hiểm, hẳn khi tác nghiệp, các anh đã rất vất vả so với những đề tài khác? Những khó khăn ấy là gì và các anh vượt qua nó như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ?
- Đúng vậy, các phóng viên ảnh khi tác nghiệp ghi lại các hoạt động phòng chống dịch thực sự gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm và rủi ro vì khả năng lây nhiễm rất cao.
Việc liên hệ các đơn vị chức năng để nắm bắt thông tin kịp thời, rồi việc tác nghiệp trong môi trường cách ly với một bộ đồ kín mít từ đầu đến chân trong một thời gian ngắn ngủi cùng những quy định nghiêm ngặt khi tiếp xúc gần cũng là một thử thách với chúng tôi.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi có mặt tại Trung đoàn 814, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình lúc nửa đêm về sáng một ngày mưa đầu tháng 3/2020 để thông tin về đoàn công dân từ Hàn Quốc về khu cách ly theo dõi Covid-19. Đó thực sự là một kỷ niệm làm nghề không bao giờ quên, bởi thời thời điểm đó, Hàn Quốc đang là một điểm nóng về dịch và là quốc gia có số người nhiễm và tử vong tăng theo từng giờ.
Tôi nhận nhiệm vụ mà trong lòng ngổn ngang rất nhiều những suy nghĩ về sự an toàn khi tác nghiệp cho bản thân, cho cộng đồng và rồi sẽ phải thực hiện cách ly như thế nào? Tuy nhiên việc tìm hiểu nắm vững các cơ chế lây nhiễm của dịch bệnh làm tôi vững tin và thực hiện đúng các bước phòng bệnh như mang trang phục bảo hộ thật cẩn thận, rửa tay sát khuẩn và thực hiện phun khử khuẩn toàn thân, các phương tiện tác nghiệp trước khi rời khỏi vùng cách ly.
Cùng với đó là hình ảnh các bác sĩ, chiến sỹ nơi tuyến đầu đang ngày đêm tiếp xúc và chăm sóc các công dân mà chẳng quản ngại đến hiểm nguy đã làm cho tôi thêm nhiều dũng khí để tự tin bước vào vùng cách ly thực hiện nhiệm vụ thông tin của cơ quan mà không hề hoang mang về dịch bệnh.
… đến “Kiên cường Việt Nam”
* Tại Hạng mục Ảnh chụp chuyên nghiệp cuộc thi ảnh “Kiên cường Việt Nam” hồi tháng 8/2020, tác phẩm “Ngủ ngon nhé con yêu, có ta ở đây rồi!” của Đạt đã giành giải Vàng. Nhân đây Đạt có thể kể lại “khoảnh khắc vàng” mà Đạt đã “bắt” được và những câu chuyện mà Đạt dù không chụp được nhưng đã truyền cảm hứng cho mọi người?
- Tôi nhớ đó là đêm ngày 19/6/2020, tôi thực hiện nhiệm vụ thông tin theo chỉ đạo của lãnh đạo TTXVN đón đoàn công dân từ Angola về cách ly theo dõi Covid-19. Tôi có mặt tại Trung đoàn 814, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình từ rất sớm cùng rất nhiều phóng viên của báo, đài truyền hình địa phương.
Khoảng hơn 22h tối thì đoàn xe về tới nơi. Tôi nhớ là có 3 xe chở công dân. Tôi đứng quan sát và nhận thấy trong đoàn công dân về lần này có rất nhiều các em nhỏ, có em chỉ khoảng 3-4 tháng tuổi, có lẽ vì lạ và sợ nên các bé khóc nhiều.
Khi các công dân lần lượt lên khai báo y tế, thực hiện khử khuẩn và nhận phòng nghỉ, bất chợt tôi nhìn thấy phía cuối dãy bàn ghi thông tin khai báo y tế, có một bác sĩ đang bồng trên tay một em bé đang an yên ngủ say như chưa hề có dịch bệnh đang rình rập xung quanh.
Đôi mắt đầy kiên định và vòng tay vững chãi của bác sĩ nổi bật lên dưới ánh sáng chiếu ngang từ chiếc đèn quay phim của người bạn đồng nghiệp trên cái nền tối sẫm của không gian cách ly về đêm.
Hình ảnh lúc đó chỉ thoảng qua trong khoảng vài giây nhưng thực sự là một khoảnh khắc gây cho tôi tôi nhiều xúc động bởi nó như một biểu tượng rõ ràng nhất, một tượng đài sừng sững về người bác sĩ hiên ngang đối mặt và làm khuất phục Covid-19 nơi tuyến đầu chống dịch.
Tôi đã di chuyển và bấm máy một cách nhanh nhất có thể để bắt kịp khoảnh khắc đó. Một serie 4-5 ảnh tôi chụp được thì chỉ có duy nhất bức ảnh Ngủ ngon nhé con yêu, có ta ở đây rồi! hội tụ đầy đủ về ánh sáng, gương mặt, ánh mắt và em bé đang an yên say ngủ trong vòng tay ôm của bác sĩ cùng những yếu tố về con người tiền cảnh, hậu cảnh bổ sung thông tin cho tác phẩm.
Tác phẩm Ngủ ngon nhé con yêu, có ta ở đây rồi! thực sự đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực tới cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 lần thứ 2 tại Đà Nẵng. Đó là tình yêu thương của con người với con người bởi chỉ có yêu thương mới làm cho mọi người sát lại bên nhau, đoàn kết để cùng vượt qua những hiểm nguy, những khó khăn của dịch bệnh.
* Cảm ơn Lưu Trọng Đạt về cuộc trò chuyện!
Phạm Huy (thực hiện)
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021
Tags