(Thethaovanhoa.vn) - Buổi ra mắt và tọa đàm về bộ sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn vừa diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua 7/11 sau 2 buổi ra mắt đã được tổ chức tại TP. HCM và Huế.
Chỉ riêng sự xuất hiện liên tục của 3 cuộc tọa đàm tại 3 miền Bắc Trung Nam như vậy đã cho thấy sức hút của cuốn sách về Nguyễn Văn Tường (1824 - 1866) – một trong những nhân vật lịch sử phức tạp nhất của Triều Nguyễn vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX và đã từng có nhiều năm bị đánh giá tiêu cực về vai trò của mình với những cụm từ "tham lam", "tàn nhẫn", và "gian trá"
Thực chất, từ khoảng 2 thập kỷ gần đây, trong các nghiên cứu về triều đình Huế và cuộc chiến chống lại người Pháp, một số ý kiến cũng đã nhắc tới những điểm tích cực nhất định của nhân vật từng giữ vai trò Phụ chính đại thần này. Tuy nhiên, với sự đa dạng về sắc thái và chiều kích, cộng cùng các mối quan hệ phức tạp của triều Nguyễn trong giai đoạn bị người Pháp đã "thọc tay" quá sâu vào các diễn biến chính trị, vị thế và vai trò của Nguyễn Văn Tường vẫn tiếp tục được để ngỏ với những đánh giá khác biệt.
Là hậu duệ đời thứ 3 của Nguyễn Văn Tường, học giả Nguyễn Quốc Trị không ngần ngại khẳng định: ông có trách nhiệm, như một người chắt và như một người Việt Nam, nghiên cứu lại lịch sử dưới một luồng ánh sáng khác, đích thực hơn, để xét lại vai trò lịch sử của một nhân vật hàng đầu đã bị các nhà viết sử thời thuộc địa và các lực lượng đồng lõa với kẻ xâm lăng mạt sát thậm tệ, dựng lên một cái bia miệng độc hại về nhân vật đó cho các thế hệ học và viết sử đời sau tiếp diễn.
Nhiều năm sống tại Mỹ, học giả Nguyễn Quốc Trị đã dành toàn thời gian từ tuổi 72 đến 84 để nghiên cứu về nhân vật Nguyễn Văn Tường, thu thập tài liệu ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, 5 văn khố ở Pháp, và từ các Trung tâm Lưu trữ cùng hội nghị, hội thảo ở Việt Nam. Thiên khảo luận này trình bày sách lược "Hòa để thủ, thủ để mưu chiến" mà Triều đình Tự Đức và kế tiếp đã ứng dụng, theo đề nghị của ông Nguyễn Văn Tường, để chống lại cuộc đô hộ của Pháp, từ sau khi Nam Kỳ mất vào tay Pháp, qua các Hiệp ước 15-3-1874, 31-8-1874, 25-8-1883, và 6-6-1884, cho đến khi ông Nguyễn Văn Tường bị đưa đi đày ở Tahiti, Úc châu.
Như những quan điểm của tác giả, với vị thế của một đại thần mà các lực lượng xâm lăng xem như kẻ thù số một phải trừ khử, Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường đã bị kẻ thù “giết hai lần”: một lần khi đày ông qua Tahiti, một lần khi đầu độc ông trong ký ức dân tộc. Làm công việc minh oan cho ông, tác giả Nguyễn Quốc Trị không phải chỉ minh oan cho một người mà còn cho cả một triều đại. Kèm theo đó, sách còn có chủ ý nêu lên những vấn đề lịch sử, và cung cấp sử liệu căn bản xác thực cho các Luận án Nghiên cứu Sử học, hay chuyên khảo về các nhân vật lịch sử cùng thời với ông Nguyễn Văn Tường và vai trò của triều Nguyễn.
Sách do công ty Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành với độ dày gần 2000 trang và từng được trao Giải Sách Hay 2020 ở hạng mục Phát hiện mới.
Cúc Đường
Tags