(Thethaovanhoa.vn) - Việc giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ thuộc thời kỳ bùng nổ dân số, đổ xô tìm đến sự trợ giúp của các phương pháp làm đẹp nhằm kéo dài tuổi thanh xuân đã giúp ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ tại Mỹ ăn nên làm ra.
Theo thống kê của Hiệp hội Mỹ về phẫu thuật thẩm mỹ công bố ngày 15/3, doanh thu từ ngành công nghiệp chỉnh sửa sắc đẹp tại nước này trong năm 2016 đã đạt mức kỷ lục, lên tới 15 tỷ USD.Hiệp hội Mỹ về phẫu thuật thẩm mỹ, một tổ chức gồm 2.600 thành viên làm trong ngành chỉnh sửa sắc đẹp, cho hay doanh thu từ biện pháp chỉnh sửa sắc đẹp không vì mục đích y khoa như bơm botox và bơm môi tăng 11% trong năm ngoái. Tổ chức này cho biết mức tăng này phần lớn xuất phát từ lượng lớn nhu cầu kéo dài tuổi thanh xuân của các cô gái trẻ và nhu cầu trẻ hóa của tầng lớp phụ nữ trung niên.
Vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của Đệ nhất phu nhân Mỹ
Cũng theo thống kê này, các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ thịnh hành nhất là hút mỡ, hút mỡ bụng và nâng ngực với tổng cộng gần 1 triệu cuộc phẫu thuật được tiến hành trong năm 2016, chiếm tới hơn một nửa các phương pháp làm đẹp.
Trong khi đó, các liệu pháp thẩm mỹ không phẫu thuật như bơm chất làm đầy hay lột da sử dụng chất hóa học, chiếm tới 44%. Hiệp hội Mỹ về phẫu thuật thẩm mỹ còn cho biết hiện nay nổi lên 2 biện pháp được nhiều chị em Mỹ tìm đến là thủ thuật thu nhỏ "vùng tam giác" và cấy ghép ngực sử dụng mỡ tự thân thay vì silicone.
Nhà tâm lý học Ann Kearney-Cooke, một chuyên gia nghiên cứu về chứng mặc cảm ngoại hình, cho rằng nhu cầu chỉnh sửa nhan sắc ở phụ nữ Mỹ ngày càng tăng xuất phát từ tiêu chuẩn sắc đẹp mà giới truyền thông đưa ra.
Bà cho biết giới truyền thông đã vô tình cổ súy cho các chương trình về phẫu thuật thẩm mỹ và liên tục đăng tải hình ảnh lộng lẫy của những người nổi tiếng đã gây áp lực đối với nữ giới, đặc biệt là những người có mặc cảm về ngoại hình của mình.
Theo nhà tâm lý học này, cải thiện vẻ bề ngoài sẽ giúp phụ nữ tự tin hơn, tuy nhiên các phương pháp chỉnh sửa sắc đẹp này lại có liên hệ đến các vấn đề về tâm lý. Một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu xã hội Na Uy tiến hành năm 2011 đối với 1.590 người trên 13 tuổi cho thấy nhiều cô gái và phụ nữ trẻ từng trải qua phẫu thuật thẩm mỹ do bị trầm cảm, mắc chứng nghiện rượu và một số chứng rối loạn khác.
TTXVN
Tags