Sở hữu cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng về văn hóa, Thanh Sơn được đánh giá là huyện có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.
* Xu hướng phát triển du lịch cộng đồng
Với những bản làng vùng cao có những cảnh đẹp, có những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc, nhà sàn truyền thống gắn liền với không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ đang có xu hướng phát triển.
Tại đây đã hình thành các tuyến du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian. Đặc biệt từ sau thời gian triển khai, đã bước đầu thu hút trên 3.000 khách đến thăm quan, nhiều đoàn nhiếp ảnh đến sáng tác. Bước đầu đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc đẹp cho du khách trong và ngoài nước.
Theo thông tin từ Huyện Thanh Sơn, mô hình du lịch cộng đồng tại xã Khả Cửu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Một số địa điểm thu hút khách đến tìm hiểu phong tục, tập quán đặc trưng của đồng bào dân tộc: Khu Xuân Thắng - xã Cự Thắng; Bản Chen, Chự, Hồ - xã Yên Sơn; Bản Sinh Tàn - xã Thượng Cửu...
Về địa lý, huyện Thanh Sơn tiếp giáp và giao thoa văn hóa với các vùng lân cận như văn hóa người Mường Hòa Bình, văn hóa người Thái Sơn La và Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đồng thời nơi đây là một trong những chiếc cầu nối giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt - Mường. Văn hóa truyền thống của người Mường huyện Thanh Sơn có nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng, đan xen và giao thoa rõ nét.
* Tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Huyện Thanh Sơn đã và đang triển khai và thực hiện đề án tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025. Qua thống kê, hiện nay toàn huyện đã thành lập được 128 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác tại các xã, khu dân cư và trường học; bảo tồn được 634 chiếc chiêng; 123 bộ nhạc cụ khác; 1.268 bộ trang phục; 115 nhà sàn truyền thống trong cộng đồng và nhiều đồ dùng công cụ, lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Mường; Phục dựng 03 di sản, gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian như diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu và hát ví, hát rang. Đã bước đầu khôi phục trang phục dân tộc Mường để cán bộ và nhân dân có thói quen mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, hội.
Văn hóa truyền thống còn được thể hiện qua các lễ hội qua 11 di tích đã được nhà nước xếp hạng như: di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Thạch Khoán và 1o di tích cấp tỉnh: Đình Cả, đình Tế - xã Tất Thắng, đình Lương Nha - xã Lương Nha, đình Lưa- xã Tân Lập, đình Vỏ Trong - xã Yên Lương, đình Chung - xã Giáp Lai, đình Khoang - xã Hương Cần, đình Thủ Rồng - xã Yên Lãng, đình Bản Thôn - xã Yên Sơn và đền Nhà Bà - thị trấn Thanh Sơn.
Hiện tại, các CLB văn hóa dân tộc Mường không chỉ góp phần lưu giữ những nét đẹp truyền thống của địa phương, mà còn thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa trên các bản làng.
- Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động
- Du lịch Phú Thọ giành được nhiều thành công đột phá
Ông Trần Danh Tùng phó trưởng phòng văn hóa thể thao du lịch huyện Thanh Sơn cho biết: "Với sự quan tâm các cấp chính quyền, bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ và các lãnh đạo huyện Thanh Sơn, cùng sự đồng lòng của bà con bước đầu phát triển văn hóa du lịch Thanh Sơn nhận được sự đồng thuận từ các cấp.
Tuy nhiên bên cạnh đó còn một số khó khăn như hệ thống đường giao thông vào một số xã Đông Cửu, Thượng Cửu, Khả Cửu còn chưa thuận lợi. Trong thời gian tới với chức năng, nhiệm vụ phòng văn hóa sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số, nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hải Thanh
Tags