(Thethaovanhoa.vn) - Phú Thọ vinh danh 19 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vừa được Chủ tịch Nước phong tặng "Nghệ nhân ưu tú". Tỉnh Phú Thọ cũng tôn vinh 18 nghệ nhân có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ, lan tỏa hát Xoan để đưa di sản văn hóa phi vật thể nhân loại này "thoát" khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
- Phú Thọ đưa hát Xoan vào trường học
- Đề nghị UNESCO chuyển hát Xoan thành di sản 'đại diện nhân loại'
- Bảo tồn hát Xoan dịp Giỗ tổ Hùng Vương
Cụ thể, từ năm 2012, tỉnh Phú Thọ đã có động thái khích lệ những người "giữ lửa" hát Xoan sau khi hát Xoan được UNESCO ghi danh ở hạng mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Theo đó, 34 nghệ nhân hát xoan đã được tỉnh Phú Thọ phong danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ năm 2012.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ, chia sẻ: "Nhìn lại, chúng tôi thấy đây là sự tôn vinh kịp thời để những "báu vật nhân văn sống" có thêm động lực cùng chính quyền địa phương đưa hát xoan ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào "bảng vàng" di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại."
Để "tiếp lửa" cho hát Xoan và tổng kết chặng đường đưa hát Xoan từ danh sách bảo tồn khẩn cấp tới di sản văn hóa đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức buổi lễ tôn vinh nghệ nhân long trọng tại Trung tâm Hội nghị UBND tỉnh. Cụ thể, 19 Nghệ nhân ưu tú (17 nghệ nhân hát xoan Phú Thọ, 2 nghệ nhân hát ghẹo Phú Thọ) do nhà nước phong tặng cùng 18 nghệ nhân hát xoan do Phú Thọ phong tặng đã được tỉnh vinh danh trang trọng.
Trao đổi trong buổi lễ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch chia sẻ: Đồng hành cùng hát Xoan qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, tôi rất cảm kích khi được Nhà nước, UBND Phú Thọ tôn vinh. 4 năm trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới là quãng thời gian hát xoan "sống lại' ở khắp địa bàn tỉnh. Từ một di sản đứng trước nguy cơ bị lãng quên, nay hát Xoan trở thành "tiếng nói chung" của người Phú Thọ từ già tới trẻ.
Theo chia sẻ của UBND tỉnh Phú Thọ, một trong những biện pháp mà cơ quan quản lý khơi dậy sức sống của hát Xoan trong cộng đồng là ưu tiên chính sách hỗ trợ vật chất (trang phục, nhạc cụ, thiết bị âm thanh, ánh sáng...) và kinh phí cho các phường Xoan, các câu lạc bộ.
Điều này góp phần tạo ra những cơ hội cho người hát Xoan những cơ hội thực hành thường xuyên với sự tham gia và khuyến khích của đông đảo công chúng, từ hát thờ, hát nghi lễ trong làng mình đến hát ở các làng khác; từ trình diễn trong nhóm cộng đồng đến trình diễn, giao lưu với các nhóm cộng đồng khác; tham gia các chương trình văn hóa và tự giới thiệu di sản của mình trên các chương trình truyền thông.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Tags