Theo một nghiên cứu mới được trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Tim mạch Mỹ ở Chicago, chế độ ăn hạn chế khung thời gian ăn uống dưới 8 giờ/ngày - một phương pháp nhịn ăn gián đoạn (IF) phổ biến để giảm cân hoặc duy trì cân nặng - có thể làm tăng nguy cơ tử vong do tim mạch so với chế độ ăn thông thường trong khung thời gian 12-16 giờ/ngày.
Nghiên cứu phân tích dữ liệu của hơn 20.000 người trưởng thành tại Mỹ cho thấy những người thực hiện phương pháp IF trong khung thời gian dưới 8 giờ/ngày có nguy cơ tử vong do tim mạch cao hơn 91% so với nhóm ăn uống trong khung thời gian 12-16 giờ/ngày.
Nhịn ăn gián đoạn là phương pháp giới hạn khung thời gian ăn trong ngày, thường dao động từ 4 đến 12 giờ. Một phương pháp phổ biến là IF16:8, nghĩa là chỉ ăn uống trong khung thời gian 8 tiếng đồng hồ và nhịn ăn trong 16 tiếng còn lại.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người mắc bệnh tim hoặc ung thư khi áp dụng phương pháp hạn chế khung thời gian ăn uống này có nguy cơ tử vong do tim mạch cao hơn.
Nghiên cứu cũng khẳng định so với chế độ ăn uống thông thường (12-16 tiếng/ngày), việc giới hạn khung thời gian ăn uống dưới 8 tiếng không liên quan đến việc kéo dài tuổi thọ.
Tác giả chính của nghiên cứu, Giáo sư Victor Wenze Zhong, Chủ tịch Khoa Dịch tễ học và Thống kê Sinh học tại Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) cho rằng những phát hiện của nghiên cứu khuyến khích mọi người có cách tiếp cận chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân và những bằng chứng khoa học.
Tags