Pickleball phát triển nhanh chưa từng thấy

Thứ Hai, 20/01/2025 05:09 GMT+7

Google News

Chỉ mới rộ lên trong khoảng 3 năm trở lại đây, và năm 2024 mới có giải đấu chính thức đầu tiên ở quy mô quốc gia, nhưng ngay trong năm 2024, pickleball đã có giải vô địch quốc gia cũng như 5 giải khác được công nhận chính thức, cho dù đến nay, Liên đoàn quốc gia của môn chơi mới này còn chưa ra đời. Đây là tốc độ phát triển chưa từng thấy của một môn thể thao tại Việt Nam.

Đằng sau câu chuyện này, có 2 câu hỏi được đặt ra: bài học từ pickleball là gì? Và thể thao Việt Nam kỳ vọng gì từ sự phát triển "nóng" của môn thể thao này?

Thật ra, công thức để pickleball đi nhanh cũng không khó để nhận thấy. Người chơi đông và gia tăng số lượng rất nhanh, cho thấy mức độ phổ biến cũng như sự phù hợp đối với người dân. Tất nhiên điều này thì còn phụ thuộc vào tính chất của môn chơi. Không phải môn thể thao nào cũng dành cho đa số, nên cũng không thể nhìn vào quá trình phát triển nhanh của pickleball để đánh giá về khả năng thành công của các VĐV Việt Nam trên trường quốc tế ở môn này.

Nhưng chính tốc độ phổ biến của pickleball lại là một "phép thử" thú vị cho các nhà quản lý thể thao Việt Nam. Đầu tiên, đó là liệu có thể có chiến lược để biến pickleball trở thành môn thể thao "nhà nghề" tại Việt Nam hay không? Nghĩa là chúng ta chủ động xây dựng lộ trình để pickleball chuyển sang "nhà nghề" mà không chờ đợi thời gian hay các yếu tố khác.

Nói như vậy vì thực tế là có một số môn tại Việt Nam cũng đã "nhà nghề" theo một khía cạnh nào đó mà tiêu biểu nhất là các VĐV billiards hiện đang "đánh giải, kiếm tiền". Tuy nhiên, nếu quan sát hành trình của billiards thì thấy đây là sự phát triển thụ động, mất rất nhiều thời gian và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài.

Nhanh như pickleball - Ảnh 1.

Pickleball tuy mới du nhập vào Việt Nam nhưng đã nhanh chóng phát triển trở thành một trong những môn thể thao phổ biến nhất. Ảnh: Minh Hoàng

Ở một khía cạnh khác, bóng đá là môn cực kỳ phổ biến, cầu thủ thì cũng là VĐV chuyên nghiệp, "ăn ngủ" bóng đá, nhưng rất khó để khẳng định bóng đá Việt Nam đang ở chế độ nhà nghề, nhất là ở khía cạnh kiếm tiền. Cả với những người tổ chức lẫn cá nhân cầu thủ.

Nhưng pickleball đang mang nhiều tín hiệu để nhà quản lý có thể tính đến chuyện "nhà nghề hóa" môn chơi này ngay cả khi chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu.

Thứ nhất, mức độ phổ biến và các hiệu ứng đi kèm. Thứ hai, nhiều VĐV quần vợt chuyển sang chơi pickleball, hình thành một hệ thống VĐV có đẳng cấp nổi trội, dễ phân hạng ngay từ đầu.

Cuối cùng, đây là môn chơi thời thượng, lại diễn ra trong khu vực nhỏ, thời gian thi đấu ngắn, kỹ thuật không quá phức tạp để tìm hiểu, lại thuận lợi cho hoạt động truyền hình, quảng bá cũng như công tác tổ chức nên phù hợp để hình thành các Tour đấu tiền thưởng.

Đó đều là những thuận lợi mà không phải môn nào cũng có được. Là môn "sinh sau, đẻ muộn" nhưng lại là xu hướng, nên cũng dễ áp dụng các mô hình "nhà nghề" của quần vợt, cầu lông, billiards của thế giới vào pickleball để qua đó, có một lộ trình chuẩn để áp dụng cho nhiều môn khác.

Công bằng mà nói, công nghệ làm thể thao nhà nghề ở Việt Nam gần như chưa có. Chúng ta từng có một số môn đã áp dụng mô hình chuyên nghiệp từ khá sớm nhưng qua thời gian vẫn không hình thành nổi thị trường riêng dành cho từng môn, đời sống kinh tế thể thao vì vậy vẫn khá buồn tẻ, không tạo được nguồn thu nhập lớn cho VĐV.

Ngay như bóng đá, mang tiếng là chuyên nghiệp, nhưng hãy xem số lượng cầu thủ Việt Nam có thể hòa nhập được ở môi trường ngoài nước thì biết. Chúng ta không thiếu cầu thủ giỏi, nhưng chắc chắn là quá ít cầu thủ nhà nghề.

Chưa nói trước được tương lai của pickleball, nhưng đây là một cơ hội để thể thao Việt Nam thoát ra khỏi lối mòn bấy lâu nay. Việc pickleball đang "lấy đất" của cầu lông, của quần vợt cũng là sự cạnh tranh có thể thúc đẩy thể thao Việt Nam thay đổi.

Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›