(Thethaovanhoa.vn) - Phòng thí nghiệm Porton Down ra đời trong chiến tranh nhưng hiện nay mục đích chủ yếu là phòng vệ. Phòng thí nghiệm bí mật này đã có những thời khắc đen tối nhưng cũng đã cứu rất nhiều sinh mạng cho nước Anh.
Lịch sử một thế kỷ
Những đám khói màu xanh xám cùng mùi hôi hám lần đầu tiên bốc lên trên các chiến hào của quân Đồng minh trong trận chiến thứ hai Ypres tháng 4/1915. Binh sĩ nào xui xẻo hít phải sẽ trải qua một cái chết đau đớn do khí độc phản ứng với nước trong phổi, tạo thành axit hydrochloric, gây ra vết bỏng khiến nạn nhân chết ngạt và tử vong. Chỉ trong đợt tấn công đầu tiên, 800 người đã chết. Sau khi mặt nạ phòng độc được phát cho các binh sĩ ở tiền tuyến, clo trở nên vô tác dụng và vì thế quân Đức dùng hơi độc lò. Thứ hơi này len lỏi vào quần áo binh sĩ, gây ra các vết bỏng khủng khiếp và khiến họ chết từ từ.
“Tàn độc, tên của ngươi là Đức”. Đó là tít trên một tờ báo Anh và nó nói lên sự khiếp sợ trên mặt trận trước thứ vũ khí tàn ác của quân Đức. Bộ trưởng Chiến tranh Anh, ông Lord Kitchener là người tức giận hơn ai hết. Ông ngay lập tức ra lệnh thành lập một phòng thí nghiệm vũ khí hóa học tại một địa điểm hẻo lánh ở Wiltshire. Phòng thí nghiệm mang tên Khu vực Nghiên cứu Thí nghiệm Bộ Chiến tranh, ngày nay thường được gọi là Porton Down.
Toàn cảnh Porton Down.
Năm 2016 đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Porton Down - phòng thí nghiệm gây tranh cãi trong nhiều năm khi thí nghiệm cả trên người và động vật để tìm hiểu bí mật các chất hóa học và tác nhân sinh học. Phòng thí nghiệm này được coi là căn cứ quân sự bí mật nhất ở Anh, thậm chí còn khiến người người tin vào vật thể bay không xác định UFO cho rằng xác người ngoài hành tinh đã được mang vào đó năm 1974 sau khi phi thuyền của họ rơi ở xứ Wales.
Người được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động hiện nay ở Porton Down với 3.000 nhà khoa học trên một khu vực rộng 7.000 mẫu với ngân sách hàng năm là 500 triệu bảng là Giám đốc điều hành Jonathan Lyle. Ông Lyle cho biết: “Chúng tôi được thành lập cách đây 100 năm để phản ứng với mối đe dọa vũ khí hóa học xuất hiện trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Điều thực sự quan trọng là chúng tôi quản lý các công nghệ tương lai và đảm bảo chúng tôi luôn đi trước một bước về tiến bộ khoa học, nhằm có thể mang lại lợi thế cho lực lượng vũ trang.
Chính tại Porton Down, các nhà khoa học đã thiết kế ra chiếc mặt nạ phòng hơi độc để vô hiệu hóa khí clo trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Porton Down vẫn đang sản xuất mặt nạ phòng hơi độc mà quân đội Anh sử dụng ngày nay. Phòng thí nghiệm cũng có nhiệm vụ vô hiệu hóa các quả bom chưa nổ từ các cuộc chiến trước đây. Vẫn còn hàng nghìn quả bom chờ được xử lý và rất nhiều bom còn chưa được phát hiện hàng năm. Nhiệm vụ theo kịp các mối đe dọa tiềm tàng vốn luôn là lý do tồn tại của Porton Down.
Những chất độc chết người
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất, có lúc tưởng như vũ khí hóa học sẽ chỉ là chuyện lịch sử sau khi loại vũ khí này bị Công ước Geneva cấm năm 1925. Tuy nhiên, trùm phát xít Đức Adolf Hitler đã làm sống lại loại vũ khí này khi cho phát triển một chất độc thần kinh tên là sarin, một chất lỏng không mùi, không màu chết người.
Manơcanh robot trong Porton Down.
Sau chiến tranh, khi có bằng chứng về sự tồn tại của chất độc, Anh đã bắt tay vào một chương trình sản xuất khí độc thần kinh để đối phó với kho vũ khí hóa học của Liên Xô khi Chiến tranh Lạnh ở giai đoạn căng thẳng. Sau một thời gian, chính quyền kết luận rằng thí nghiệm trên động vật không thể thu được kết quả cần có và quyết định dùng tình nguyện viên là người. Tại lúc cao điểm, Porton Down sử dụng tới 500 tình nguyện viên một năm.
Nhiều người tình nguyện làm “chuột bạch” đã để cho các nhà khoa học nhỏ một liều nhỏ chất độc thần kinh lên da hoặc quần áo trong phòng hơi ngạt. Có người thì tình nguyện hít hơi độc. Năm 1953, một trong số các quân nhân tham gia thí nghiệm là Ronald Maddison bắt đầu vã mồ hôi và kêu là bị ốm. Anh này được đưa ra khỏi phòng hơi ngạt và trong vòng 45 phút thì tử vong. Thay vì giải thích sự thật thì giới chức Anh lại tham gia vào một vụ bị gọi là “một trong những vụ bưng bít thông tin lớn nhất thời Chiến tranh Lạnh”. Mãi đến năm 2004, gia đình Maddison mới thành công khi đề nghị mở một cuộc điều tra mới, trong đó tuyên bố Maddison bị “giết bất hợp pháp”.
Tuy nhiên, sự kiện này không chấm dứt việc thử nghiệm vũ khí hóa học. Phòng thí nghiệm bắt đầu phát triển một chất độc hơn sarin 170 lần: chất độc X hay còn gọi là VX. Chỉ cần một giọt bằng đầu kim nhỏ trên da cũng đủ giết chết một người. Về lý do tạo ra chất VX, ông Lyle nói: “Chúng tôi cần hiểu chất này và chúng tôi cần tự tin rằng mọi thiết bị, trang phục, đồ bảo hộ của binh sĩ hoạt động và hiệu quả khi chẳng may gặp phải một chất như thế”.
Phòng thí nghiệm này được coi là căn cứ quân sự bí mật nhất ở Anh, thậm chí người ta còn cho rằng xác người ngoài hành tinh đã được mang vào đó năm 1974. |
Hiện nay, Porton Down dành phần lớn nguồn lực để nghiên cứu sức mạnh của đạn, tên lửa và thiết bị nổ tự tạo nhằm hỗ trợ lực lượng vũ trang trong bảo vệ bản thân. Phòng thí nghiệm cũng tìm hiểu khả năng các nhóm khủng bố sử dụng các loại virút chết người như Ebola - loại virút đã giết hàng nghìn người ở Sierra Leone năm 2014. Năm đó, một nhóm nhà khoa học trong Porton Down đã đưa ra một loại manơcanh robot giúp thử nghiệm thế hệ tiếp theo của bộ đồ bảo hộ sinh học và hóa học dành cho lực lượng vũ trang Anh. Tiếp đó, bộ đồ này đã được thí nghiệm với động vật.
Xét về vai trò của Porton Down, tiến sĩ Michael Mosley nhận định: Nước Anh sẽ bị tổn thương hơn rất nhiều nếu thiếu Porton Down.
Theo Thủy Dương - Báo Tin tức
Tags