'Pretty Woman': Bài hát vinh quang, bi kịch nghệ sĩ

Thứ Ba, 08/03/2016 08:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như bộ phim Người đàn bà đẹp đã gây cơn sốt vào năm 1990 với câu chuyện của một nàng lọ lem tân thời tìm được bạch mã hoàng tử thì bài hát cùng tên, lại không được như vậy. Bài hát có số phận vinh quang nhưng cuộc đời của những người trong cuộc lại đẫm phần đau khổ.

Pretty Woman là một sáng tác của ca/nhạc sĩ Roy Orbison. Chính bài hát này là niềm cảm hứng để làm nên bộ phim bom tấn cùng tên vào năm 1990. Nhưng bài hát này ra đời sớm hơn thế, tận 25 năm, 1964, bằng độ dài cuộc đời của người đàn bà trong ca khúc, Claudette Frady.

Tình yêu quan trọng hơn hết thảy

Claudette Frady gặp Roy Orbison khi còn đang là nữ sinh trung học. Nàng 16, chàng 21 khi cả hai vẫn còn đang sống ở Texas. Tình yêu sét đánh và cả hai cùng mê mẩn nhau. Chàng vào năm 1956 ấy đang là ca nhạc sĩ cũng có chút tiếng tăm, đang đầu quân cho hãng đĩa trứ danh The Sun, nơi hội tụ của rất nhiều anh tài thế hệ đầu tiên như Elvis Presley, Jerry Lee Lewis, Carl Perkins hay Johnny Cash…

Elvis Presley lúc ấy cũng rất thích Roy, chính Elvis và Johnny Cash tiến cử Roy cho ông chủ Sam Phillips để đưa anh lên cao hơn nhưng Sam không đồng ý. Sam chỉ muốn Roy trở thành nhạc công trứ danh còn giọng hát của Roy vẫn còn thường lắm. Và đó có lẽ sẽ là một quyết định sai lầm của Sam để vài năm sau Roy nổi tiếng toàn cầu dưới nhãn hiệu của một hãng đĩa khác.


Roy Orbison và Claudette Frady, nguyên mẫu của “Pretty Woman”

Nhưng vào thời điểm ấy, Roy có vẻ không cần. Cái anh đang bận tâm là tình yêu với Claudette. Tình yêu của nàng làm anh rạo rực và bất chấp. Năm 1957, Roy sáng tác bài hát nổi tiếng Claudette tặng nàng. Nhưng anh không hát mà bán bài này cho bộ đôi nổi tiếng Everly Brothers. Bài hát thành công và đem lại cho Roy khoản tiền lớn. Có tiền, Roy mua ngay một chiếc Cadillac, cùng Claudette, lúc ấy đã bỏ học, rong ruổi khắp nước Mỹ trong suốt gần một năm trời, bỏ hết cả chuyện thu âm, sáng tác. Âm nhạc chẳng là gì với Roy lúc ấy, nếu không có Claudette cạnh bên.

Nhưng chỉ một năm sau, tình yêu của họ gặp thử thách lớn khi nguồn tài chính đã cạn, chiếc xe mơ ước năm nào giờ đã được đem bán. Hết tiền, cả hai trở về nhà. Lúc này Roy bắt đầu nhờ đến bạn bè để bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp âm nhạc.

Việc đầu tiên Roy làm là tạm biệt hãng The Sun (1960) để đến đầu quân cho RCA và tại đây, với sự ủng hộ và động viên của Claudette, thời kỳ hoàng kim của Roy Orbison bắt đầu. Một loạt bài hit rực rỡ nhất trong sự nghiệp của Roy bắt đầu lấp lánh trong thời kỳ này như, Only The Lonely, Crying, In Dream, Blue Bayou…

Tờ Rolling Stone sau này đã nhận định rằng Roy đã tạo nên một trường phái riêng với chất âm thanh đặc trưng với tiếng trống liên hồi, tiếng guitar chắc nịch nhưng có giai điệu rất chắt chiu, “tạo nên một vẻ huy hoàng mới cho âm nhạc bất chấp lúc ấy Beatles đang trở thành cơn cuồng phong”.

Tất cả những huyền thoại như Bob Dylan, George Harrison, Tom Petty… sau này đều nói rằng những sáng tác của thời kỳ 1960 của Roy là một niềm cảm hứng bất tận cho họ, một thứ âm thanh đơn giản nhưng sâu lắng vô tận mà họ hằng theo đuổi nhưng rất khó đạt tới. Đáp lại, Roy chỉ nói rằng, Claudette chính là niềm cảm hứng trong mọi sáng tạo của ông.

Năm 1964, sự sáng tạo tột đỉnh của Roy, bài hát Pretty Woman, ra đời.

Kiều nữ thì không cần tiền

Pretty Woman là bản rock huyền thoại với câu bass mở đầu đến bây giờ ngay cả một đứa lên 5 vẫn còn thuộc lòng. Còn hình mẫu của nó, không ai khác, chính là  Claudette Frady.

Bài hát nói về nỗi lòng của một gã đàn ông khi bất chợt trông thấy một kiều nữ trên phố. Gã dậy sóng trong lòng và cũng thầm ước phải chi nàng cũng đang cô đơn như gã. Gã cứ đứng đấy, nhìn theo và cuối cùng, như định mệnh, nàng quay lại nhìn gã và cả hai cùng song hành.

Roy Orbison sáng tác bài này cùng Bill Dees vào năm 1964. Tối thứ Sáu hôm ấy, cả hai đang vò đầu bứt tai để tìm cảm hứng sáng tác. Đúng lúc ấy thì bất chợt Claudette Frady xuất hiện nơi cầu thang. Nàng bảo với Roy rằng nàng cần ít tiền. Roy hỏi lại “em cần tiền làm gì?”, “em ra phố mua vài món đồ”, Claudette đáp. Chuyện chỉ có thế. Bất chợt Dees lên tiếng “Đã là kiều nữ thì không cần tiền”. Chính câu nói ấy bỗng tạo cho Roy cảm hứng. “Đúng, hay đấy, tôi sẽ làm bài về chuyện này nhưng không phải về tiền nong”. Nói xong, Roy cầm đàn, bấm ngay hợp âm La trưởng và hát “Kiều nữ xuống phố”. Dees há hốc “hay quá” và thế là cả hai chụm đầu làm ngay bài hát.

40 phút sau, Claudette trở về bài hát đã hoàn thành.

Thứ Sáu tuần sau, cả hai bước vào phòng ghi âm với phần lĩnh xướng thuộc về Roy Orbison.

Và đến thứ Sáu kế tiếp, bài hát này chính thức trình làng và trở thành quả bom vào tháng 8/1964. Chưa có bài hát nào trong sự nghiệp của Roy hoàn thành nhanh và thành công hơn thế.

Niềm cảm hứng của nó vẫn là Claudette Frady, một người đàn bà vừa đem lại niềm vui, hạnh phúc và những đau khổ mà Roy Orbison bao giờ cũng chịu đựng xen lẫn.

Pretty Woman trở thành bài hit lớn nhất trong cuộc đời của Roy Orbison và cũng đúng lúc ấy nó mở màn những bi kịch.

Khi bài hát vừa phát hành thì Roy Orbison phát hiện ra vợ mình, Claudette Frady, trong thời gian Roy đi tour đã ở nhà tằng tịu với gã chủ thầu xây dựng, người đang nhận trách xây ngôi nhà mà Roy và Claudette mơ ước.

Claudette từng nhiều lần khiến Roy đau khổ bởi tính đỏng đảnh, khó ở và nhõng nhẽo của mình. Nhưng việc ngoại tình là điều quá sức chịu đựng của Roy. Tháng 11/1964, cả hai ra tòa ly dị.

Nhưng Roy vẫn yêu Claudette. Bạn bè khuyên giải Roy rằng có lẽ vì cô ấy vẫn còn trẻ và cô đơn khi chồng thường xuyên vắng nhà nên chuyện ấy rất dễ bị buông thả cảm xúc. Năm 1965 Roy quyết định tha thứ cho Claudette bằng một đám cưới thứ hai. Lúc này, Roy quyết định ít đi diễn hơn và ở cạnh Claudette nhiều hơn.

Để lấp khoảng trống đi diễn, cả hai bắt đầu chơi motor. Thú chơi này được khơi gợi nhờ ông vua Elvis Presley, người đã tặng cả hai một chiếc motor Harley mới nhất lúc ấy. Niềm đam mê mới đã cuốn cả hai vào một cuộc chơi mới. Roy và Claudette đi diễn cũng bằng motor và họ càng ngày càng nhận ra đây là một thú tiêu khiển đầy đam mê.

Nhưng họ không biết bi kịch đang nằm ở phía trước.

Ngày 6/6/1966 khi cả hai đang đi xả gió bằng motor ở Tennessee thì bất ngờ chiếc motor của Claudette bị một chiếc xe tải ở phía sau đâm sầm vào. Roy chạy trước và khi nghe tiếng va chạm lớn đã quay lại nhưng chỉ thấy mỗi chiếc xe nằm kềnh ra đường còn Claudette thì biến mất. Hốt hoảng quay lại, Roy phát hiện ra Claudette đã nằm bên vệ cỏ ven đường. Nhào tới ôm lấy vợ thì mọi chuyện đã quá muộn.

Chuyện tình đẹp của họ kết thúc vào ngày hôm ấy với cảnh cuối cùng, Claudette chết trong vòng tay của Roy.

Và chuỗi ngày sau đó là tăm tối, Roy gần như bất lực, không còn bài nào thành hit và trở nên lặng lẽ hơn.

Nhưng bi kịch không tha cho Roy. Ngày 16/8/1968 khi đang đi lưu diễn tại Anh thì Roy Orbison nhận được cuộc gọi từ gia đình. Căn nhà mà họ đang ở đã bị cháy rụi và hai người con lớn của Roy đang chơi ở dưới hầm đã không thoát được. Roy và Claudette có 3 người con, giờ chỉ còn lại người con út là được ông nội cứu kịp.

Đó là chính khoảng thời gian tăm tối nhất của Roy. Tuy vậy, sau này ông cũng lập gia đình mới và có thêm 2 người con. Sau đó ông được đám “đàn em” sừng sỏ mời chơi nhạc tiếp và có những thành công mới nhưng không bao giờ thấy lại được ở ông sự vinh quang của ngày xưa.

Ngày 6/12/1988, Roy Orbison qua đời vì trụy tim, ở tuổi 52.

Và sau đó, khi bộ phim Pretty Woman gây sóng gió đã đem bài hát cùng tên trở lại và tiếp tục thành cú hút hit mới nhưng những nhân vật chính của nó đã không còn sống để chứng kiến.

Bài hát này sau đó được vinh danh khắp mọi nơi. Năm 2008 bài hát này được đưa vào Danh sách ghi âm của Thư viện quốc hội Hoa Kỳ. Trước đó nó đã nằm trong danh sách mọi thời của những tạp chí âm nhạc danh tiếng.

Sinh thời, Roy Orbison nổi tiếng với phong trình diễn mực thước trong bộ đồ đen kì bí và mắt lúc nào cũng đeo kính đen. Nhiều người đã từng tưởng ông bị mù nhưng đó là cách ông giấu tâm trạng của mình sau cặp kính đen. Nhưng dù giấu đi những cảm xúc vào bóng tối nhưng những bài hát của Roy vẫn tiếp tục chiếu sáng giá trị cho các thế hệ công chúng.

Và một trong số ấy vẫn mãi mãi là Pretty Woman.

Cùng nghe lại ca khúc Pretty Woman:


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›