Project IIII – Tác phẩm đầy ý nghĩa trong buổi triển lãm Earth Through the Looking Glass với thông điệp bảo vệ môi trường mà Vince Phan mang đến đã tạo nên sự khác biệt lớn, đánh dấu sự thành công trong óc sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ Việt Nam tại Mỹ.
Hơn 10 năm sáng tạo nghệ thuật, Vince Phan đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể tại Hoa Kỳ. Qua các cuộc thi lớn nhỏ và các buổi triển lãm cá nhân, anh đã nhận được nhiều phản hồi và đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Đối với Vince Phan, nghệ thuật là sự sáng tạo, vốn dĩ rất đa chiều và đa dạng, không cần dùng bút để vẽ vẫn có thể tự do thỏa mãn tư duy mỹ thuật qua điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, đến trình chiếu và trình diễn.
Mỗi sản phẩm của anh đều gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ. Người xem được ngắm nhìn thế giới con người, thế giới cây cỏ bằng một góc nhìn hoàn toàn mới. Không chỉ đầu tư nghiên cứu sự sinh trưởng thực vật, mà Vince Phan còn cho thấy được cảm quan độc đáo của anh về thế giới xung quanh. Chính vì thế các sản phẩm của anh thường lấy cảm hứng từ sự liên kết giữa con người và thiên nhiên, từ những gì đơn giản mộc mạc nhất.
Sự nghiệp của Vince Phan phải kể đến 3 buổi triển lãm đã mang đến nhiều giải thưởng giá trị cho anh như HATCH Artist Residency, Spring 2023, Eldon Danhausen Fellowship in Sculpture…
Không gian nghệ thuật “Project IIII” đã đánh dấu thêm một cột mốc thành công trong công trình xây dựng nghệ thuật của Vince Phan. Project IIII không chỉ là việc tái tạo những vật phẩm đã bị vứt bỏ, mà còn gửi gắm các thông điệp đáng suy ngẫm về sự tôn trọng đối với tài nguyên thiên nhiên.
Tạo phẩm trong Project IIII là câu chuyện kể về 4 chiếc ghế gỗ bị vứt bỏ và quá trình “tái sinh” trao trả chúng về lại với tự nhiên. Theo Vince Phan, “ghế” được anh trưng dụng vì chúng là vật dụng cực kỳ gần gũi. Gỗ được khai thác và qua nhiều công đoạn chế tác, xử lý hóa chất trước khi được sử dụng. Khi hết giá trị sử dụng, chúng bị vứt đi, nhưng khó có thể trở về với thiên nhiên ở bản dạng cũ nữa. Vì điều đó, Vince Phan đã bắt đầu lên ý tưởng cho một sự tái sinh.
Quá trình hình thành nên dự án rất cầu kỳ, mất hơn 6 tháng đến 1 năm để Vince Phan hoàn thiện. Mỗi tác phẩm đòi hỏi người nghệ sĩ đầu tư nghiêm túc về cả thời gian, và tinh thần kiên định. Công trình để đưa 4 chiếc ghế trở về với bản chất vốn có được chia làm 4 chương - 4 mùa trong năm và mỗi giai đoạn lại liên quan đến 1 nhân tố của Trái Đất. Death Air tượng trưng cho không khí và gió; Wet Flesh, Fresh Flesh liên quan đến nước; Warm a Heaven đại diện cho lửa; và Bury I Shall tượng trưng cho đất. Thông qua 4 giai đoạn trong Project IIII, Vince Phan muốn gợi nhắc về sự tái sinh kỳ diệu của thiên nhiên đối với những điều bị quên lãng.
Chương Death Air được kể vào mùa hè. Ở giai đoạn này, Vince Phan chà nhám để loại bỏ hoàn toàn lớp sơn của 4 chiếc ghế, trút bỏ lớp áo nhân tạo, để chúng trở về với nguyên bản "gỗ" đơn thuần.
Chương Wet Flesh, Fresh Flesh được kể vào mùa thu. Khi mà lớp vỏ bọc nhân tạo bị loại bỏ, những chiếc ghế được tháo ra thành từng phần và ngâm rửa sạch sẽ trong nước hoa nhài để loại bỏ hoàn toàn mọi chất bẩn còn sót lại.
Sau khi "tắm" xong, 4 chiếc ghế sẽ bước vào giai đoạn của mùa đông - Warm me a Heaven. Ở chương này, từng phần của 4 chiếc ghế được lắp ráp trở lại, tạo nên cấu trúc mới, hình dáng mới.
Thành phẩm tiếp tục được làm sạch và chôn vùi cùng đất và giống cây, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh trong chương Bury I Shall Bloom vào mùa Xuân. Sự chôn lấp này này mang ý nghĩa tượng trưng về cái chết của chất liệu gỗ, “chúng” một lần nữa trở về với đất ở bản thể thuần khiết nhất, nhưng cũng đồng thời ẩn chứa sự tái sinh của chúng trong mùa xuân. Khi mà đất đai và môi trường tự nhiên sẽ dần dần phân hủy cấu trúc gỗ bên trong, và từ những phần mục ruỗng sẽ tạo nên các chất dinh dưỡng cho hoa cỏ xinh đẹp mọc lên. Giai đoạn này là giai đoạn cực kì quan trọng vì sự thành công của tác còn phụ thuộc vào thời gian sinh trưởng của thực vật.
Từ sự thành công từ “Project IIII”, Vince Phan nung nấu mong muốn thực hiện đồ án này mỗi năm và với những thể nghiệm nội thất khác nhau.
Sự đào thải các đồ vật hàng ngày khi hết giá trị sử dụng đã góp phần hủy hoại môi trường. Mỗi tác phẩm mà Vince Phan không chỉ là một trải nghiệm thú vị về nghệ thuật mà còn để người xem ngẫm về vai trò của mình đối với tài nguyên thiên nhiên.
Tags