Qatar vung tiền tỷ sắm vũ khí 'khủng' của Mỹ

Thứ Ba, 15/07/2014 09:48 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) – Hôm qua (14/7), một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc tiết lộ Qatar đã lên kế hoạch mua pin tên lửa Patriot của Mỹ và máy bay trực thăng tấn công Apache trong thỏa thuận vũ khí “khủng” trị giá khoảng 11 tỷ USD. 

Theo thông tin, Mỹ sẽ cung cấp cho Qatar khoảng 10 bộ pin của hệ thống Patriot được thiết kế để loại bỏ tên lửa, cũng như 24 máy bay trực thăng Apache và 500 tên lửa chống tăng Javelin, một quan chức giấu tên nói với hãng thông tấn AFP của Pháp. 

Qatar được cho là đã chi một khoản tiền “khủng” để đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa chống lại mối đe dọa từ Iran trên vùng Vịnh khi Tehran tiến hành xây dựng hẳn một kho vũ khí tên lửa tối tân.

Ảnh chụp hệ thống bệ phóng tên lửa Patriot tại một căn cứ quân sự ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/2/2013.

Hợp đồng lần này được đánh giá là thỏa thuận vũ khí lớn nhất với Mỹ từ đầu năm 2014 bởi đối tác của Qatar lần này là Tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ Boeing – đối thủ cạnh tranh khốc liệt của Công ty quốc phòng BAE Systems (Anh) và Dassault Aviation, một trong 3 tập đoàn công nghiệp hàng đầu về hàng không của Pháp. 

"Đó là một dấu hiệu tốt và bước tiến khá quan trọng", quan chức Ngũ Giác Đài cho hay khi đề cập đến hợp đồng bán vũ khí và những triển vọng cho dự án đấu thầu máy bay chiến đấu. 

Trong buổi lễ ký kết ngày hôm qua tại Washington sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Qatar, Thiếu tướng Hamad bin Ali al-Attiyah đã chính thức xác nhận hợp đồng này.

Patriot  phóng tên lửa.

Theo quan chức quốc phòng giấu tên, Mỹ muốn duy trì vai trò là một "nhà cung cấp quốc phòng cho sự lựa chọn" của Qatar và các quốc gia vùng Vịnh khác. Đây cũng là lần đầu tiên Qatar mua tên lửa Patriot, trong khi các nước vùng vành đai nông của Ấn Độ Dương như Kuwait, Saudi Arabia và United Arab Emirates đã sở hữu vũ khí này từ lâu. 

Quan chức tư lệnh Mỹ từ lâu đã kêu gọi đối tác vùng Vịnh thiết lập mạng lưới tên lửa phòng thủ phối hợp để đối phó với Iran nhưng việc hợp tác diễn ra rất chậm chạp. Theo đó, các loại vũ khí sẽ là điều kiện tăng cường an ninh và quan hệ ngoại giao của Mỹ và Qatar, mặc dù giữa 2 bên còn tồn tại một số bất đồng về hỗ trợ Syria hay nhiều phiến quân nổi dậy ở Qatar mà Washington đánh giá là “quá cực đoan”. 

Lầu Năm Góc nhận định hợp đồng bán vũ khí là “một cách để tăng cường mối quan hệ gần gũi hơn với các nước thân thiện và mối quan hệ với quân đội nước khác thông qua huấn luyện đào tạo máy bay và vũ khí do Mỹ chế tạo. "Đây là một bước đầu tư cho thế hệ kế tiếp (các nhà lãnh đạo quân sự) và cũng là một sự đầu tư lâu dài", quan chức cấp cao cho Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay. 

Dương Trần
Theo AFP

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›