... Thì Nguyễn Xuân Son, Nguyễn Tiến Linh và Nguyễn Hoàng Đức chắc chắn là những ứng viên nặng ký nhất trong cuộc đua đến danh hiệu Quả bóng Vàng (QBV) Việt Nam 2024. Xuân Son tỏ ra vượt trội so với các đồng đội còn lại, với 2 danh hiệu cá nhân của giải đấu: Vua phá lưới (7 bàn) và Cầu thủ xuất sắc nhất.
Năm 2008, thủ thành Dương Hồng Sơn đã vượt lên nhờ thành tích tương tự ở ASEAN Cup (AFF Suzuki Cup 2008), dù khi ấy, Sơn chỉ đang chơi ở giải hạng Nhất quốc gia cho CLB Hà Nội T&T.
Trước đó, như Thể thao & Văn hóa đã thông tin, với 31 bàn thắng ở mùa giải 2023/2024 (một kỷ lục chưa cầu thủ nào làm được, kể từ ngày bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp), Rafaelson Fernandes góp công lớn giúp Nam Định lần đầu tiên giành chức vô địch V-League. Son rõ ràng không có đối thủ ở hạng mục "Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất 2024".
Nhưng, một vấn đề ở đây là, khi BTC cuộc bầu chọn QBV Việt Nam 2024 (Báo SGGP) công bố kế hoạch tổ chức (ngày 05/11/2024), thì Xuân Son lại chỉ được xếp vào hạng mục "Cầu thủ nước ngoài". Có lẽ nhà tổ chức cũng không thể mường tượng đến viễn cảnh Xuân Son sẽ tỏa sáng rực rỡ ở ASEAN Cup 2024 như những gì vừa mới diễn ra.
Thực tế, chủ nhân các phiếu bầu (các PV, chuyên gia, HLV và đội trưởng các CLB...) vẫn có thể bỏ phiếu cho Son ở cả 2 hạng mục: QBV và Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất, mà vẫn hợp lệ. Tiền đạo CLB Nam Định và ĐTQG quá xứng đáng. Khả năng giành cú đúp danh hiệu cá nhân là hoàn toàn có thể với Son và nó có thể làm thay đổi toàn bộ lịch sử 30 năm các cuộc bầu chọn QBV Việt Nam. Tuy nhiên...
Tham vọng của nền bóng đá và sự phát triển có hệ thống, bên cạnh tận dụng triệt để nguồn chất xám ngoại lực, nguồn cầu thủ Việt kiều..., thì ưu tiên vẫn phải là phát triển nguồn nội lực, để tiến tới tự cường. Và chắc chắn, nó không chỉ dừng lại ở các cuộc bầu chọn danh hiệu cá nhân vào mỗi cuối năm.
Dù vừa mới lần thứ 3 vô địch ASEAN Cup trong lịch sử ngót 30 năm tuổi của giải đấu, nhưng chúng ta vẫn chưa thể xóa đi mối lo không hề mơ hồ về sự phát triển bền vững, liên tục và năng lực cạnh tranh ở tầm cao. Danh hiệu ở khu vực Đông Nam Á chỉ là điều kiện cần, chứ không phải mục tiêu hay tiêu chí cao nhất.
Sau chức vô địch lần đầu năm 2008 nhờ một vài thế hệ đầy tài năng và nhiều giá trị sử dụng (lứa cầu thủ 8x), song vẫn phải đợi đến 10 năm sau, đội tuyển Việt Nam mới lại có lần thứ 2 đăng quang cùng lứa cầu thủ 95-98. Cứ cho là trên dưới 30 cầu thủ ĐTQG hiện tại vẫn tiếp tục giữ được phong độ thêm dăm ba năm nữa cho các chiến dịch quan trọng như Asian Cup 2027 hay thậm chí Vòng loại FIFA World Cup 2030, thì một lỗ hổng quá lớn vẫn cứ canh cánh. Nó bắt đầu từ chân rết đào tạo trẻ, hệ thống giải thi đấu quốc gia và các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam... còn thiếu và yếu ở nhiều khâu, bên cạnh phương thức tổ chức, huy động nguồn lực.
Vậy, chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để lấp đầy khoảng trống ấy, ngoài lời kêu gọi? Tạo được vị thế (dù chỉ là trong khu vực) đã khó, giữ được và phát triển lên tầm cao mới còn khó hơn gấp bội.
Lật giở lại 15 năm trước, nếu sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, nếu nền bóng đá quyết liệt hơn với chính sách sử dụng một số gương mặt nhập tịch nổi bật như Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves, Nguyễn Roger, Nguyễn Hoàng Helio, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max..., kết hợp với nguồn nội lực rất mạnh vào thời điểm đó, chúng ta đã không phải trải qua 10 năm khủng hoảng kéo dài (2010-2018). Trong đó, bộ ba ngôi sao gốc Brazil là Phan Văn Santos - Nguyễn Roger - Huỳnh Kesley Alves có thể tạo thành một trục dọc cực kỳ lý tưởng.
Sau những màn thể hiện xuất sắc và tạo được nhiều thiện cảm của Xuân Son (có thể thêm Hendrio trong nay mai, tiền vệ tấn công trưởng thành từ lò La Masia, được đánh giá là còn hay hơn cả Son), những người làm bóng đá phải quyết được định hướng mang tính sống còn, thay vì giẫm lại vết xe đổ, với những bài học nhãn tiền. Lịch sử chính là đã giải thích một cách ngọn ngành cho những gì sẽ diễn ra vậy!
Tags