(Thethaovanhoa.vn) - … Mới đo được chất lượng một sản phẩm bóng đá. Đấy là bài học mà người ta rút ra được, kể từ khi bóng đá còn là một môn giải trí, cho đến lúc nó trở thành một ngành công nghiệp không khói, kinh doanh bóng đá kiếm bộn tiền. Cái cánh cổng SVĐ ấy mới định được giá trị của bóng đá.
Nhìn cảnh tượng dòng người chen lấn, xô đẩy, hù dọa nhau, thậm chí khủng bố nhau để có được tấm vé vào sân Mỹ Đình, xem trận đấu với Malaysia, vui ít mà buồn nhiều. Vui là bởi khán giả đã trở lại sân bóng, giúp bóng đá có thêm nguồn sống và cũng là các cổ vũ đội tuyển, thể hiện tình yêu; nhưng, buồn là bởi sau bao nhiêu năm, bao nhiêu sự vụ tương tự, mà trong cuộc vẫn không đưa giải pháp phát hành vé một cách khoa học hơn.
Không phải không có những giải pháp khác, ví như phát hành vé qua đường điện tử từ nhiều tuần trước trận đấu diễn ra, cộng với việc phân loại đối tượng mua vé, mở ra nhiều điểm bán nhỏ lẻ, không chỉ ở Hà Nội, mà có thể ở cả các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ...
Chúng ta phải phân loại đối tượng mua vé để hạn chế tối đa các đầu nậu vé chợ đen đầu cơ, tích lũy. Việc này không khó khăn gì, vì điểm mặt đặt tên, ai không biết chỉ một số con sâu làm rầu nồi canh, quanh quẩn mấy sự kiện từ ca nhạc đến bóng đá, mà thừa nước đục thả câu. Vé xem bóng đá cần tới tay người hâm mộ, CĐV thực sự, chứ không phải dành cho những vị cả năm không đoái hoài gì đến bóng đá nội, đến đội tuyển, rồi trẩy hội theo phong trào.
Bản chất vấn đề ở đây là, người ta, cố tình hoặc hữu ý, vẫn không muốn khoa học hay minh bạch hóa chuyện phát hành vé, để đảm bảo lợi ích nhóm, hay ít nhất cũng được cảm giác trọng vọng, quy lụy từ người khác?! Câu trả lời có lẽ là cả 2. Và thế là, giữa kỷ nguyên công nghệ, mà chúng ta lại đang sống và hành xử với nhau như thời ăn lông ở lỗ, vì cái tấm vé ở cổng SVĐ.
Trở lại với vấn đề mà chúng tôi đặt ở đầu bài viết. Trên thực tế, một sản phẩm bóng đá như trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia tại Mỹ Đình tới đây, chưa chắc đã chất lượng, nếu đem so với Euro hay World Cup, hay UEFA Champions League... So sánh thế thì khập khiễng quá, song rõ ràng là không phải tất cả đều muốn sở hữu tấm vé để đến Mỹ Đình cổ vũ thầy trò HLV Park Hang Seo. Đôi khi chỉ để giải quyết khâu oai, kiểu hiếu hỉ, không phải nhân danh tình yêu.
Ở những cấp độ khác nhau, không hiếm các giải bóng đá phong trào tại Việt Nam cũng vỡ sân, vì cầu vượt cung, với sứa chứa hạn chế của sân bóng so với lượng khán giả. Thì nó vẫn không thể so sánh với một trận đấu ở giải chính thức dành cho ĐTQG. Nhưng qua đó thấy được, cái chất lượng của sản phẩm bóng đá ấy là thật. Đấy mới là thứ bóng đá mà người hâm mộ và cộng đồng chờ đợi, là bản chất của tình yêu chứ không phải hiện tượng nhất thời.
Đã có nhiều thời điểm, bóng đá chuyên nghiệp nói chung và các trận đấu của ĐTQG nói riêng, khát khao bán được những tấm vé hạng B cũng cam, nhưng khán giả vẫn không buồn đến sân. Lý do thì nhiều lắm, song quan trọng là thái độ ứng xử của Liên đoàn và của cả đội bóng. Bóng đá được ví là sân khấu 4 mặt, ý muốn nói không có gì giấu được con mắt của khán giả, của CĐV, nhưng nếu cần xem kịch thì người ta vào nhà hát, chứ ra SVĐ làm gì.
Chỉ người hâm mộ chân chính, không vụ lợi, mới hiểu được giá trị của một tấm vé. Họ muốn có nó để ủng hộ ĐTQG chứ không phải ủng hộ mấy ông phát hành vé, càng không phải giải quyết khâu oai, đấy là điều chắc chắn!
Tùy Phong
Tags