Không muốn kết hôn sớm, không còn thích tổ chức đám cưới hoành tráng, ngại sống chung,... là những quan điểm về hôn nhân đang âm thầm thay đổi trong suy nghĩ nhiều người trẻ.
Mặc dù mỗi người đều chọn cho mình một lối sống khác nhau, không theo bất kì khuôn mẫu nào nhưng vô hình trung từ trước đến nay, ai cũng tuân theo một lộ trình được định sẵn. Và nếu bỗng có người suy nghĩ khác đi hay thay đổi một trình tự nào đó, sẽ bị cho là “bất bình thường”.
Thế nhưng với nhiều người trẻ ngày nay lại khác, họ có nhiều quan điểm mới mẻ, khác biệt về mọi khía cạnh trong cuộc sống. Dù không phải lúc nào cũng nói ra nhưng những xu hướng đang được chuyển biến một cách âm thầm, lặng lẽ, đặc biệt là trong tình yêu, hôn nhân.
Ngại yêu và cưới, chỉ muốn dành toàn bộ thời gian để tập trung sự nghiệp
Đây đôi khi cũng là phản ứng ngược của việc, “đến tuổi” bị gia đình giục kết hôn quá nhiều. Ngày xưa, độ 25 tuổi trở đi mà chưa lập gia đình đã bị cho là “ế”. Còn bây giờ, nhiều bạn trẻ thậm chí còn gạt hẳn chuyện kết hôn sang một bên, chỉ tập trung cho sự nghiệp và cho rằng sẽ chỉ cưới khi thật sự sẵn sàng, không quan trọng lúc đó bao nhiêu tuổi.
Hữu Huy, một anh chàng 25 tuổi đang tập trung toàn bộ thời gian vào sự nghiệp cho biết, thời buổi bây giờ không còn và cũng không nên tồn tại áp lực về việc lấy vợ, lấy chồng, sinh con. Hữu Huy cho rằng, điều này sẽ tùy vào quan điểm của mỗi người để có lựa chọn tốt nhất cho cuộc sống do vậy không thể thúc ép. Và nếu, ai đó có suy nghĩ sống độc thân, không yêu và cưới, cũng là chuyện bình thường.
“Người trẻ ngày nay thay đổi nhiều, chúng mình có những góc nhìn mới, khác biệt so với thời bố mẹ. Mình không muốn lập gia đình sớm, mình muốn tập trung cho việc xây dựng sự nghiệp. Mình nghĩ có công ăn việc làm ổn định, tài chính vững mạnh sẽ là nền tảng tốt hơn”, Hữu Huy nói.
Còn đối với Vân, 28 tuổi, làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trong một công ty Internet cũng đang cảm thấy mệt mỏi vì bố mẹ mỗi ngày đều bắt đi xem mắt. Bởi mặc dù có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao, song bố mẹ Vân vẫn nghĩ cô chưa hoàn thành trách nhiệm bởi vẫn độc thân.
Cũng vì gia đình thúc giục quá nhiều, Vân luôn tìm cách bận rộn để tránh về nhà để nghe những lời than phiền. Đối với Vân, sau khi tốt nghiệp cao học, đi làm và kiếm được tiền đã là một niềm hạnh phúc. Bên cạnh đó, cô thích dành thời gian cho các hoạt động vui chơi như du lịch, tập thể dục,... sẽ thú vị hơn là vội vàng đâm đầu vào cuộc sống gia đình, bỉm sữa.
Yêu nhưng vẫn muốn được tự do
Ngược lại với những bạn trẻ phía trên, có một kiểu người lại không ngại chuyện yêu đương. Tuy nhiên, họ cũng không muốn tiến đến hôn nhân, không thích sự ràng buộc. "Không kết hôn" không phải vì không muốn cưới mà là do bản thân không muốn chấp nhận và phục tùng, đó là suy nghĩ của những bạn trẻ thuộc tuýp này.
Ngày càng có nhiều người yêu thích việc tận hưởng cuộc sống độc thân. Một phần trong số đó lại đi tìm những con đường tắt cho sự thân mật ngoài hôn nhân. Họ sử dụng ứng dụng hẹn hò, bỏ một số tiền nhỏ để có người bầu bạn, trò chuyện qua mạng, vậy là đủ.
Còn đối với những người đã kết hôn, họ cũng mang tư duy cởi mở hơn, không nhất thiết vợ chồng lúc nào cũng phải sống chung, ở cùng nhà, làm mọi thứ cùng nhau. Giống như Nguyễn Trân, 33 tuổi và chồng quan niệm: “Thích gì làm nấy, không can thiệp vào nhau, không ai quản ai”.
- Giới trẻ TP.HCM đổ xô đến 'sống ảo' với chú robot khổng lồ mới toanh trong khu đô thị ở thành phố Thủ Đức
- Giới trẻ vỡ nợ vì mua đồ trả góp: Cạm bẫy ngọt ngào mua trước trả sau khiến các 'con mồi' sẵn sàng 'thiêu thân'
- Giới trẻ Việt nói gì sau thảm họa Itaewon: 'Né tránh' những nơi quá đông người
Cô và chồng thường xuyên sống riêng, hôm nào tan làm sớm sẽ cùng nhau đi ăn. Cuối tuần, họ sẽ dành thời gian để ở cùng nhau tại nhà của một trong hai người hoặc đi du lịch. Kết hôn nhưng kiểu sống “lúc gần lúc xa, thỉnh thoảng ở chung” như vậy khiến họ vẫn giữ tình cảm như lúc mới yêu. Họ không bị những bộn bề cuộc sống, sự khó chịu khi sống chung phá vỡ hạnh phúc. "Sự nhớ nhung khi không ở bên nhau sẽ hâm nóng mối quan hệ, bạn cũng sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi cuộc hẹn hò và khám phá những nét hấp dẫn mới ở nhau giống như giai đoạn mới yêu vậy".
Kết hôn không đám cưới
Cuối cùng, một quan điểm trong tình yêu, hôn nhân cũng rất mới mẻ của nhiều người trẻ đó là kết hôn nhưng không cần tổ chức đám cưới. Không có tráp ăn hỏi, không xe rước dâu, thậm chí không tiệc cưới cũng đang là một trong những xu hướng mà nhiều người trẻ hướng đến. Hoặc nếu có, họ sẽ tổ chức vô cùng đơn giản, gọn nhẹ.
Người ta thường bảo, đám cưới là dịp trọng đại, chỉ có một lần trong đời nên dẫu có ra sao cũng phải tổ chức thật hoành tráng. Khách sạn tổ chức tiệc cưới, trang trí nhà cửa, chụp ảnh cưới, lễ phục, trang sức, nhẫn cưới... tất cả đều phải thật đắt tiền. Tuy nhiên sau mỗi lần như vậy, cô dâu chú rể mệt mỏi vì phải tiếp những vị khách mà mình còn chẳng quen biết trong đám cưới, đau đầu vì phải gánh thêm những khoản vay, áp lực tài chính để thuê nhà hàng, đặt cỗ,..
Để tổ chức một đám cưới trọn vẹn, ước tính có thể lên đến 200 - 600 triệu đồng. Do vậy, nhiều người chuyển sang tổ chức đám cưới tối giản, hoặc không tổ chức đám cưới để tiết kiệm được chi phí không cần thiết. Người trẻ nghĩ rằng, nếu có số tiền đó, họ sẽ lựa chọn làm những việc lớn hơn như mua nhà, mua xe thay vì chỉ tổ chức một vài bữa tiệc.
Tại Thượng Hải, Trung Quốc, cô dâu Maizi 28 tuổi và chồng chỉ tổ chức một lễ cưới trên bãi cỏ ở khách sạn. Điều quan trọng, buổi lễ chỉ tổng cộng 6 người là cặp vợ chồng và bố mẹ 2 bên.
Manzi nói: “Tôi kết hôn với người tôi yêu thương nhất vào một ngày bình thường nhất, cùng nhau nói những lời thề nguyện long trọng nhất với một nghi lễ đơn giản nhất. Vào ngày này, tôi chỉ muốn thoải mái tận hưởng trọn vẹn quá trình, không mệt mỏi với việc tiếp khách, và để ý tới quá nhiều việc, chỉ muốn làm một cô dâu hạnh phúc và nhẹ nhõm nhất, đơn giản thôi, chỉ cần người mình yêu ở bên cạnh là đủ”.
Có thể nói, nhiều bạn trẻ hiện đại mong muốn nói lời chia tay với những thủ tục rườm rà, họ đơn giản hóa các nghi thức và chỉ tổ chức đám cưới thực sự dành cho chính mình.
Hải My
Tags