Ở MU, Erik ten Hag đang bất lực như Ole Gunnar Solskjaer, người đã thất bại trong việc định hình lối chơi của đội bóng chủ sân Old Trafford.
Ten Hag bất lực chẳng khác gì Ole
1. "David Moyes từng nói rằng MU cần phải cải thiện nhiều vấn đề, cụ thể là khả năng chuyền bóng, khả năng tạo cơ hội và kĩ năng phòng ngự". Đó là một dòng twitter nổi tiếng của 10 năm trước. Và kì lạ thay, đến thời điểm này, nó vẫn hoàn toàn đúng với thực trạng của MU. Nói một cách khác, sau đúng 1 thập kỉ, những vấn đề ấy vẫn hiện hữu, dù đã có nhiều nhà cầm quân đến và rời Old Trafford theo những cách khác nhau.
Câu nói của David Moyes đưa ra sau khi MU thua 2 trận liên tiếp ở Old Trafford trước các đối thủ là Everton và Newcastle. Moyes bị sa thải vài tháng sau đó, khi MU bắt đầu tụt dốc không phanh ở Premier League. Mùa giải 2013-14 kết thúc tệ hại. Nó tạo ra một vết trượt dài cho MU ở những mùa bóng tiếp theo. Trớ trêu thay, nó cũng đang giống như những gì Ten Hag đang phải trải qua ở MU trong mùa bóng này.
Ten Hag đã có một năm đầu tiên khá tuyệt vời ở MU. Nhưng bước vào mùa giải thứ 2, khi mọi thứ đáng được kì vọng hơn, MU lại rơi vào vết xe đổ cũ. Thất bại 1-2 trước Nottingham Forest khiến Quỷ đỏ rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng mới. Hơn lúc nào hết, Ten Hag cảm thấy sức ép dành cho ông thực sự quá khủng khiếp.
2. MU đang khởi đầu tồi tệ nhất kể từ năm 1931, khi họ bị loại khỏi các giải đấu lớn ngay trước lễ Giáng sinh. Nhưng kết quả thấp kém không đáng sợ bằng màn trình diễn của chính họ. Cái cách MU ra sân, chơi bóng và thua trận mới là thứ khiến nhiều người lo ngại cho Ten Hag.
Rất nhiều ý kiến cho rằng Ten Hag đang tạo ra một thứ bóng đá "nhờ nhờ", hệt như những gì mà người tiền nhiệm Ole Gunnar Solskjaer đã áp dụng cho MU trước đó. Nghĩa là MU không có một lối chơi rõ ràng, khả năng đọc trận đấu, kiểm soát trận đấu và kết liễu đối thủ không có. Thành ra, trận đấu nào MU cũng được đánh giá cao hơn, nhưng khi lâm trận, họ lại thất thế, dù cho đối thủ có mạnh hay yếu đi chăng nữa.
Những trận đấu MU "chẳng may" chiến thắng thì không đến từ sự vượt trội của lối chơi, từ khả năng kiểm soát trận đấu. Đó đơn thuần là những khoảnh khắc tỏa sáng từ các cá nhân. Đơn cử nhất là cú đúp của Garnacho giúp MU ngược dòng trước Aston Villa ở vòng 19. Chiến thắng duy nhất được cho là thuyết phục của United ở Premier League mùa này đến trước Chelsea. Nhưng đó là trận đấu mà Chelsea đã chơi cực tệ tại Old Trafford.
Về khía cạnh này, MU của Solskjaer trước đó cũng rơi vào tình trạng tương tự thế.
3. Ten Hag đã nắm quyền hơn 18 tháng và phải chịu trách nhiệm trước việc MU đang đánh mất bản sắc của một đội bóng có lối chơi đẹp, hào hoa và hiệu quả bậc nhất Ngoại hạng Anh. Cũng có những dấu hỏi rõ ràng về khả năng đọc trận đấu và thay người của Ten Hag. Những sai lầm trong việc thay người trước Nottingham Forest một lần nữa tố cáo HLV người Hà Lan.
Ông tung Scott McTominay vào thay Kobbie Mainoo ở thời điểm tiền vệ này đang chơi tốt và MU thua trận. Ten Hag giải thích McTominay giàu năng lượng hơn nhưng ai cũng thấy đó là nguyên nhân khiến MU sụp đổ.
Tất nhiên, một mình Ten Hag không thể chịu toàn bộ trách nhiệm cho MU sa sút, khi chính ông cũng gặp khó khi đối mặt với cơn khủng hoảng chấn thương ở Old Trafford. Chưa lúc nào, Ten Hag có một hàng thủ ổn định, có thể ra sân thường xuyên mỗi tuần.
Mặc dù chưa có một thông tin gì nói rằng Ten Hag sẽ bị sa thải. Nhưng những gì đang diễn ra thật khó chấp nhận đối với Sir Jim Ratcliffe, người sẽ nắm quyền kiểm soát các vấn đề liên quan đến bóng đá trong thời gian tới. Tỷ phú người Anh nổi tiếng là một người thiếu kiên nhẫn (từng sa thải 5 HLV khi ông tiếp quản CLB Nice từ mùa 2019-20). Đó sẽ là một cảnh báo thực sự cho Ten Hag, nếu ông vẫn bất lực trong việc giúp MU tìm lại được bản sắc thực sự của chính họ.
T.Giáp
Tags