Quan hệ Mỹ-Trung sẽ thế nào khi Bà Mạnh Vãn Châu được trả tự do?

Thứ Hai, 27/09/2021 20:46 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Khủng hoảng dai dẳng gần 3 năm qua liên quan đến Trung Quốc, Canada và Mỹ đã bất ngờ kết thúc khi bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei, được Canada trả tự do sau một thỏa thuận giữa bà Mạnh với Bộ Tư pháp Mỹ. Đây có thể là tín hiệu tốt ban đầu trong việc hạ nhiệt mối quan hệ giữa Mỹ-Canada với Trung Quốc, vốn đã căng thẳng thời gian qua.

Hội đàm cấp cao Mỹ-Trung kết thúc không có tuyên bố chung

Hội đàm cấp cao Mỹ-Trung kết thúc không có tuyên bố chung

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 19/3 (giờ địa phương), cuộc hội đàm theo hình thức trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc mà không đưa ra bất cứ tuyên bố mang tính đột phá nào.

Bà Mạnh Vãn Châu được trả tự do

Cách đây gần 3 năm, bà Mạnh Vãn Châu, con gái của tỷ phú sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt tại sân bay Vancouver theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ vào ngày 1/12/2018, khi bà quá cảnh để chuẩn bị đến Argentina tham dự một hội nghị. Bà bị phía Mỹ cáo buộc nói dối về quyền kiểm soát của Huawei đối với một công ty có hoạt động kinh doanh ở Iran, khiến ngân hàng HSBC có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Nhà Trắng đối với Iran. Phía Mỹ thời gian qua đã tìm cách dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu từ Canada sang Mỹ để xét xử về các cáo buộc này.

Trong khi đó, một tòa án Canada cũng ra phán quyết rằng hành vi “lừa gạt ngân hàng” mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu là hành vi vi phạm pháp luật tại Canada.

Chú thích ảnh
Bà Mạnh Vãn Châu. Ảnh: Reuters

Mặc dù vậy, Huawei thời gian qua đã luôn phủ nhận các cáo buộc này. Giới chức Trung Quốc luôn hối thúc Canada trả tự do cho bà Mạnh “để tạo điều kiện đưa quan hệ hai nước trở lại con đường đúng đắn”. Chỉ vài ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ, Trung Quốc cũng đã bắt giữ 2 công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig với cáo buộc hoạt động gián điệp. Ông Spavor bị kết án 11 năm tù, trong khi ông Kovrig chưa bị kết án. Những động thái này đã khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ trở nên căng thẳng trong gần 3 năm qua.

Các phiên xử vụ kiện dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu đã kết thúc hồi tháng 8 vừa qua và dự kiến tòa sẽ ra phán quyết vào ngày 21/10/2021. Nhưng trong một động thái bất ngờ, ngày 24/9/2021, Bộ Tư pháp Canada thông báo cho tòa án về việc Bộ Tư pháp Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu về Mỹ. Do đó, không có cơ sở để tiếp tục thủ tục dẫn độ và bà Mạnh Vãn Châu được tự do rời khỏi Canada.

Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi bà Mạnh Vãn Châu đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với Bộ Tư pháp Mỹ, cho phép bà trở lại Trung Quốc sau gần 3 năm bị giữ ở Canada. Với thỏa thuận này, Mỹ đồng ý rút lại đề nghị dẫn độ với bà Mạnh Vãn Châu. Theo ông David Kessler, một luật sư của phía Mỹ, thỏa thuận hoãn truy tố sẽ có hiệu lực 4 năm, từ ngày bà Mạnh bị bắt đến ngày 1/12/2022. Theo Kessler, nếu bà Mạnh tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận, Mỹ sẽ tiến tới xóa bỏ các cáo buộc chống lại bà. Ngược lại bà Mạnh vẫn có thể bị truy tố.

Một ngày sau khi Bộ Tư pháp Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ, ngày 25/9, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết hai công dân Canada gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor cũng đã được trả tự do và rời khỏi không phận Trung Quốc về nước. Hai người này đã được đưa ra xét xử tại Trung Quốc hồi tháng 3. Đến tháng 8, tòa kết án ông Spavor 11 năm tù giam trong khi vụ xét xử ông Kovrig chưa có phán quyết cuối cùng.

Những diễn biến trên được cho là có thể đánh dấu giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa Canada, Mỹ với Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Hình ảnh cờ của Mỹ và Trung Quốc tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ quốc tế Trung Quốc (CIFTIS) năm 2021 ở Bắc Kinh, ngày 4/9/2021. (Nguồn: Reuters)

Quan hệ Mỹ-Trung thời gian tới sẽ thế nào?

Như vậy, sau 3 năm kéo dài dai dẳng với những cáo buộc gây tranh cãi, những phiên tòa tốn nhiều công sức, việc bà Mạnh được thả tự do đã chấm dứt những căng thẳng kéo dài 3 năm qua giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ. Vụ việc đã giúp loại bỏ một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất, cũng như gieo hy vọng cho một sự hàn gắn trong quan hệ Trung Quốc-Canada, hay Trung Quốc-Mỹ, nhất là về vấn đề thuế quan.

Theo Giáo sư Huang Jing, thuộc Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, kết quả vụ việc lần này tất nhiên sẽ có tác động tích cực đến mối quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Canada; có thể cho thấy khả năng hợp tác và giải quyết bất đồng giữa Trung-Mỹ bất chấp những tranh chấp gay gắt trong những năm gần đây.

Chuyên gia Song Luzheng thuộc Đại học Phúc Đán thì kỳ vọng việc giải quyết vụ bà Mạnh đã giúp loại bỏ một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời có thể mở ra hướng giải quyết cho những vấn đề cấp bách hơn, chẳng hạn như việc dỡ bỏ thuế quan trừng phạt mà chính quyền của Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump áp đặt vào năm 2018. Ông Song Luzheng cũng dự đoán cánh cửa cho các cuộc đàm phán về việc xóa bỏ hoặc gỡ bỏ một phần thuế quan có thể sớm được mở lại vào cuối tháng 10 tới, ngay bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận thực tế trong mối quan hệ Mỹ-Trung thời gian qua, đồng thời dự đoán cuộc chiến pháp lý liên quan đến Huawei giữa hai bên còn tiếp tục căng thẳng. Về phía Mỹ, dù quá trình truy tố bà Mạnh Vãn Chu đã hoãn, nhưng vụ kiện Huawei với cáo buộc gian lận thì vẫn tiếp diễp. Còn về phía Huawei, tập đoàn này cũng khẳng định “sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình trong các vụ kiện”.

Chú thích ảnh
Các nhà ngoại giao Trung Quốc và Mỹ trong cuộc gặp ở Alaska, Mỹ, tháng 3/2021. (Nguồn: Nikkei Asia)

Đánh giá về quan hệ Mỹ-Trung ở thời điểm hiện tại, các nhà phân tích cho rằng sự căng thẳng giữa hai bên vẫn đang ở mức cao, nhiều lĩnh vực hợp tác song phương vốn bị xáo trộn đáng kể dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó phải kể đến việc áp thuế trừng phạt lẫn nhau và những bất đồng từ quốc phòng đến công nghệ. Thậm chí hồi tháng 7/2020, Washington còn yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân…

Khi lên nhậm chức (tháng 1/2021), Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc dưới thời ông Trump. Trọng điểm bao gồm tiếp tục áp thuế bổ sung đối với 70% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trị giá khoảng 370 tỷ USD, xem xét nghiêm ngặt thị thực du học sinh Trung Quốc... Ngoài ra, Mỹ còn phản bác đơn kiện từ ba doanh nghiệp viễn thông lớn của Trung Quốc, tiếp tục thực hiện quyết định yêu cầu hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ được đưa ra dưới thời ông Trump. Hơn nữa, Tổng thống Biden còn tiếp tục mở rộng kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc. Ngoài các yếu tố kinh tế, ông còn lấy lý do vi phạm nhân quyền để trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc ở Tân Cương, tổng cộng đưa thêm 311 doanh nghiệp Trung Quốc vào “danh sách thực thể”.

Đương kim Tổng thống Mỹ cũng mở rộng phạm vi ngăn chặn nhà đầu tư trong nước “rót” vốn vào các doanh nghiệp Trung Quốc, giảm các kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ còn cung cấp các khoản trợ cấp, khuyến khích các nhà khai thác viễn thông nhỏ và vừa của Mỹ đẩy nhanh việc thay đổi thiết bị viễn thông của Trung Quốc. Có thể thấy, những động thái mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc hoàn toàn không hề giảm so với thời Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn thể hiện mong muốn hợp tác với Bắc Kinh ở những vấn đề có lợi ích chung như hợp tác chống biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu. Mới đây trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 9/2021, ông Biden cũng cho rằng lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần phải gạt bỏ những điểm khác biệt để hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo các nhà phân tích, vẫn còn dư địa hợp tác cho cả hai nước trong một số lĩnh vực như đẩy lùi đại dịch COVID-19, ứng phó biến đổi khí hậu và khôi phục cơ chế trao đổi bị gián đoạn. Đây là những cơ sở để mở ra triển vọng cho những cuộc tiếp xúc tới đây giữa hai nước để tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng và cùng nhau hướng tới tương lai.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›