Quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang căng thẳng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pahalgam, khu vực Jammu và Kashmir. Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm đáp trả, trong đó có việc trục xuất các cố vấn quân sự Pakistan và đình chỉ nhiều hoạt động song phương quan trọng.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tại buổi họp báo tối 23/4, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri cho biết Ủy ban Nội các về An ninh Ấn Độ (CCS) đã quyết định các cố vấn quốc phòng, hải quân và không quân của Pakistan tại New Delhi phải rời khỏi Ấn Độ trong vòng một tuần. Ngược lại, Ấn Độ cũng sẽ rút toàn bộ các cố vấn quân sự của mình tại Islamabad và chấm dứt vĩnh viễn các vị trí này ở cả hai nước.
Ấn Độ cũng tuyên bố đóng cửa Trạm Kiểm tra Tích hợp Attari – một trong những tuyến giao thương và di chuyển chủ chốt giữa hai nước. Những người Pakistan có giấy tờ hợp lệ chỉ được phép quay lại qua tuyến này đến hết ngày 1/5.

Lực lượng an ninh gác tại Srinagar sau vụ tấn công nhằm vào khách du lịch, ngày 23/4/2025. Ảnh: ANI/TTXVN
Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ cũng đình chỉ hiệu lực của Hiệp ước chia sẻ nguồn nước Indus – vốn là một trong những nền tảng hiếm hoi duy trì hợp tác giữa hai nước – cho đến khi Pakistan từ bỏ hoàn toàn việc mà New Delhi gọi là hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới.
Cũng trong loạt biện pháp ngoại giao cứng rắn, Ấn Độ tuyên bố hủy bỏ toàn bộ thị thực miễn thị thực SAARC (SVES) đã cấp cho công dân Pakistan. Những người đang ở Ấn Độ theo diện này có 48 giờ để rời khỏi lãnh thổ nước này. Bên cạnh đó, số lượng nhân viên tại các phái bộ ngoại giao sẽ bị cắt giảm từ 55 xuống còn 30 người ở cả hai phía, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5.
Thứ trưởng Misri khẳng định Chính phủ Ấn Độ đang duy trì mức cảnh giác cao và cam kết sẽ đưa những kẻ thực hiện vụ tấn công ra trước công lý, đồng thời truy cứu trách nhiệm những tổ chức đứng sau hành vi tài trợ khủng bố.
Vụ tấn công tại Pahalgam khiến ít nhất 26 người thiệt mạng là một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi Điều 370 (quy định về quyền tự trị đặc biệt cho Jammu và Kashmir) bị bãi bỏ năm 2019 đã khiến căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng vốn nhiều lần rơi vào xung đột, nay càng trở nên gay gắt.
Tags