Quản lý lễ hội: Cần cân bằng lợi ích các bên

Chủ nhật, 05/04/2015 13:42 GMT+7

Google News
(Thethao&vanhoa.vn)  - Khi Thể thao & Văn hóa khởi đăng loạt bài Hủ tục" trong lễ hội - đâu là điểm dừng?, BBT đã nhận được bài viết bàn về vấn đề “nóng” này của PGS.TS. Lương Hồng Quang – Phó Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam. Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả:

Các vấn đề “nóng” của di tích và lễ hội hiện nay có một căn nguyên sâu xa về mặt lý luận là chúng ta chưa có những đánh giá khoa học về trào lưu di sản hóa hiện nay. Di sản nói chung, lễ hội nói riêng đang bị cuốn vào trào lưu di sản hóa với tất cả những mặt được và chưa được của nó, đòi hỏi chúng ta phải có những đánh giá khoa học về tiến trình này.

Khái niệm Di sản hóa được các học giả Anh quốc sử dụng, để chỉ các quá trình phát triển vượt ra khỏi mức độ ảnh hưởng vốn có của mỗi di tích trong quá khứ,  được xã hội hiện đại gán cho nó những vai trò và chức năng mới, ngoài chức năng tế lễ và tôn giáo vốn có...

Tại Việt Nam, quá trình di sản hóa được bắt đầu từ thập niên 90 (TK20), khi Việt Nam bước vào quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và hiện nay là một xu hướng phát triển dường như không thể cưỡng nổi, với các vấn đề bất cập, đó là:

-    Có sự ngộ nhận về vai trò của di sản, của văn hóa truyền thống, nếu không muốn nói là đang có sự mất cân bằng trong đời sống tinh thần của xã hội.

-    Tồn tại tình trạng đa chủ thể trong quản lý di sản, dẫn đến những lỗ hổng trong quản lý.

-    Khuynh hướng nâng cấp, mở rộng, “hoành tráng hóa” di tích và lễ hội. Sự đầu tư của các lực lượng xã hội đã góp phần làm biến dạng di sản. 

-    Khuynh hướng trục lợi từ di sản do hiểu sai vai trò làm kinh tế của các di tích và lễ hội.

Từ việc nhận thức rõ hơn các đặc điểm của quá trình di sản hóa trên, cần có những điều chỉnh trong quản lý lễ hội:


Cảnh lộn xộn ở Hội Gióng 2015

Về mặt nhận thức: Cần có một nhận thức mới về quá trình di sản hóa, trong đó đã đến lúc cần phải thấy được các khía cạnh không mong đợi của nó. Nói như một học giả quốc tế “Di sản hóa là một con đường nguy hiểm và điều quan trọng là phải ý thức về nó, để giữ được sự cân  bằng ngay từ đầu” (Oscar Salemink, GS.TS. Đại học Copenhagen, Đan Mạch). Di sản hóa là một xu hướng khách quan song cần phải có sự định hướng và quản trị tốt trong quá trình triển khai.

Về mặt quản lý: Khẳng định vai trò quản lý nhà nước của các cấp chính quyền trong việc quản lý di tích và lễ hội; định vị rõ hơn vai trò của các chủ thể di tích và lễ hội trên cơ sở phân loại, xếp hạng di tích, tầm quan trọng của mỗi lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội; xây dựng chương trình đánh giá lễ hội truyền thống và đề xuất các phương án quản lý; xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn trong quản lý di tích, bảo tồn và phát huy lễ hội trong đời sống (ví dụ, tiêu chuẩn về môi trường trong các di tích và lễ hội.); nghiên cứu các phương thức phù hợp khai thác khia cạnh kinh tế trong lễ hội; cuối cùng là xây dựng các điển chế mới (khuôn mẫu văn hóa) trong lễ hội.

Về nâng cao vai trò của cộng đồng:Khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong quản lý di tích và lễ hội; trong đó nhấn mạnh vai trò của người già, người có uy tín trong xã hội, của các tổ chức phi quan phương trong làng xã, của các đoàn thể trong hệ thống chính trị, trong đó quan trọng nhất là xây dựng được các quy chế quản lý và tổ chức lễ hội, vận hành lễ hội theo các quy trình quản lý phù hợp. (ví dụ: quy chế quản lý tiền công đức)

Sự tham gia của giới chức tôn giáo – tín ngưỡng: Họ đóng một vai trò thực hành mẫu các định chế và khuôn mẫu văn hóa trong di tích và lễ hội, để các khách hành hương noi theo, trong quản lý di tích và một phần lễ hội.

Vai trò của truyền thông: có hai vai trò là giám sát xã hội và vai trò là một phần không thể thiếu của cấu trúc lễ hội hiện nay, trong đó phản ánh những mặt tích cực cũng như hạn chế của quá trình bảo tồn và phát huy di tích và lễ hội; quảng bá những đặc sắc, ý nghĩa nhân văn của mối lễ hội; xây dựng các chương trình truyền thông giáo dục di sản trên các phương tiện truyền thông.

Để làm tốt các hoạt động trên, cần có những hoạt động ưu tiên:

-    Sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương.

-    Xây dựng đề án đánh giá lễ hội truyền thống hiện nay, trong đó cần có sự phân loại, nhận diện rõ thực trạng, quy mô, tiềm năng... của các lễ hội.

-    Tiến hành xây dựng các mô hình quản lý có sự cân bằng lợi ích các bên liên quan, nhà nước và cộng đồng, truyền thống và hiện đại, kinh tế và văn hóa..., nhất là các lễ hội và di tích đang là điểm nóng hiện nay...

(*): Tít bài do Thể thao & Văn hóa đặt.
PGS.TS. Lương Hồng Quang

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›