- Nghe hội TikToker chỉ mẹo làm “Gen Z con nhà người ta”: Chăm chỉ thôi chưa đủ, nhớ tận dụng thêm nguồn lực hỗ trợ miễn phí này
- "Ngày xưa trẻ em đâu lắm vấn đề như bây giờ": Gen Z là thế hệ yếu đuối hay thời đại đã khác đến nỗi người lớn không thể hiểu?
- Thách thức bản lĩnh Gen Z: Khi "thế hệ mới" không ngần ngại khẳng định chất riêng của mình
Thời hiện đại đã dần xóa bỏ quan niệm phải làm bác sĩ, luật sư, kỹ sư,... mới được coi là "cao quý" hay được xã hội trọng vọng.
Theo quan niệm của các thế hệ trước như Gen Y, những công việc có thu nhập cao, được xã hội trọng vọng hay đầu vào khó như làm bác sĩ, luật sư, kỹ sư,... được coi là nghề mơ ước. Nhưng với Gen Z - thế hệ sinh năm 1997 đến 2012 sống trong thời đại Internet bùng nổ, bức tranh này đã bị phá vỡ.
Lớn lên với áp lực phải tìm công việc “danh giá”
Ngay cả trước khi Molly Johnson-Jones tốt nghiệp Đại học Oxford (Anh) vào năm 2015, cô đã cảm thấy áp lực nghề nghiệp vì nghĩ mình phải có được một công việc “danh giá” trong một lĩnh vực quyền lực cao. Cả Molly và những người bạn đại học của cô đều nhắm tới những ngành như tài chính, y khoa và luật. Đó là lý do tại sao Molly quyết định làm việc trong ngân hàng đầu tư trong 2 năm sau khi tốt nghiệp, mặc dù cảm thấy không phù hợp lắm.
Jonah Stillman, đồng sáng lập của GenGuru - một công ty tư vấn việc làm cho biết những loại ngành rất truyền thống này thực sự có độ uy tín cao và được xã hội nhìn nhận tích cực. Suốt nhiều thế hệ, bao gồm cả Gen Z, đã tồn tại những áp lực không ít thì nhiều từ gia đình lẫn trường học hướng họ đi theo các ngành nghề này.
Andrew Roth (24 tuổi) tốt nghiệp Đại học Vanderbilt ở Tennessee, Mỹ vào năm 2021 cho biết: “Chúng tôi lớn lên với kỳ vọng này. Khi đến Vanderbilt, tôi nhanh chóng bị cuốn vào định luật ‘mọi con đường đều dẫn đến nghề tài chính và tư vấn’. Tôi cảm thấy rất dễ dàng để đi theo con đường đó vì mọi người đều chọn như vậy”.
Tuy nhiên, khi Andrew - một Gen Z đời đầu gia nhập thị trường lao động, anh cảm thấy định nghĩa về công việc có địa vị cao ngày càng phù phiếm. Lựa chọn của thế hệ trẻ đang mở rộng và thậm chí những ngành nghề “cao quý” trước đây còn trở nên ít phù hợp hơn với nhiều người.
Một số người lao động trẻ tuổi vẫn cho biết việc kiếm tiền là rất quan trọng, đặc biệt là khi chi phí sinh hoạt đang tăng chóng mặt và làm việc cho một số công ty nhất định hoặc trong các ngành cụ thể có thể tạo nên sự nghiệp ổn định. Nhưng nhiều người cũng đang chú trọng hơn vào các yếu tố khác, chẳng hạn như giá trị doanh nghiệp, tính linh hoạt, quyền tự chủ và tự do.
Danielle Farage (24 tuổi) tốt nghiệp năm 2020 cho biết cô cũng có một định nghĩa hạn hẹp về công việc danh giá khi còn học tại Đại học Nam California. Cô bị áp lực phải có được một công việc ưu tú từ chính bạn học của mình. Danielle chia sẻ: “Ở đó rất căng thẳng vì mọi người đều đăng bài về công việc của họ lên mạng xã hội. Rất nhiều Gen Z, đặc biệt là những người theo học các trường đại học ưu tú vẫn lựa chọn các ngành nổi tiếng”.
Danielle đồng ý rằng nhiều sinh viên mới tốt nghiệp vẫn “muốn đi theo con đường thẳng và hẹp”. Cô quen nhiều bạn bè đồng trang lứa vẫn rất quan tâm đến danh tiếng, nhưng đồng thời cũng chứng kiến nhiều Gen Z đã định nghĩa lại một công việc danh giá là một công việc giúp nâng cấp cuộc sống của chính họ.
Những giá trị mới của riêng Gen Z
Những giá trị mới mà nhóm người trẻ này đang theo đuổi bao gồm: công việc cho phép người lao động sống theo lối sống mình muốn, làm việc trong một ngành phù hợp với các giá trị và niềm đam mê và đảm bảo một công việc cho phép họ xây dựng thương hiệu cá nhân của mình.
Danielle Farage là một ví dụ như vậy. Cô đang đảm nhận công việc toàn thời gian với tư cách là giám đốc tiếp thị tại một công ty startup và song song với đó xây dựng một công việc kinh doanh riêng.
Andrew Roth cũng nhận thấy anh đang lạc lối khỏi con đường tư vấn tài chính mà mình mong đợi, đặc biệt là khi Covid-19 xuất hiện. Trong thời kỳ đại dịch, anh thấy rất rõ ràng rằng nhiều tổ chức đang gặp khó khăn trong việc lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của những người trẻ tuổi. Sau khi tốt nghiệp, anh theo đuổi kế hoạch khởi nghiệp và thành lập một công ty nghiên cứu và chiến lược.
Andrew nói: “Có vẻ như quan niệm của chúng ta về công việc danh giá đã thay đổi. Chúng tôi không phủ nhận những cách nghĩ truyền thống, nhưng không còn quá đề cao chúng nữa, đặc biệt là trong một thế hệ tiến bộ như bây giờ”.
Một số dữ liệu chỉ ra rằng Gen Z thực sự đang bị thu hút bởi những công việc có ý nghĩa hơn. Dữ liệu của LinkedIn từ hơn 7.000 người lao động toàn cầu vào tháng 4 năm 2023 cho thấy 64% Gen Z ở Anh, Pháp, Đức và Ireland hiện thấy điều quan trọng là làm việc cho các công ty phù hợp với giá trị của họ. Những nhân viên trẻ tuổi này coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống và sự phát triển nghề nghiệp là điểm thu hút hàng đầu khi tìm việc.
Josh Graff, giám đốc điều hành tại LinkedIn cho biết sự thay đổi tư duy này có thể một phần là do thái độ của Gen Z đang thay đổi. Với phần lớn các tin tuyển dụng được đăng trực tuyến, mọi người ngày nay có nhiều quyền truy cập thông tin hơn so với 20 năm trước. Điều này cho phép các bạn trẻ tìm được vô số vị trí và cơ hội, cũng như có được tầm nhìn tốt hơn. Những thay đổi liên tục của thị trường lao động, sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới giúp mọi người hiểu rằng có rất nhiều lựa chọn ngoài kia.
Molly Johnson-Jones, hiện 30 tuổi, cho biết định nghĩa về công việc danh giá mới cũng đang ảnh hưởng đến các thế hệ lớn tuổi hơn, bao gồm cả Gen Y như cô. Cô đã rời khỏi ngân hàng đầu tư “vì sức khỏe của mình” và cuối cùng thành lập công ty nhỏ của riêng mình, một doanh nghiệp không có văn phòng và tất cả mọi người làm online và tự chọn thời gian làm việc linh hoạt.
Nguồn: BBC
Tags