4/5 cầu thủ thuộc biên chế Thể Công Viettel được triệu tập lên ĐTQG giành suất đá chính trong trận thắng Philippines tỷ số 3-2 tại Vòng loại World Cup 2026 mới đây. Hiệp 2, Phan Tuấn Tài vào thay cho Khuất Văn Khang, quân Thể Công vẫn chiếm số đông so với phần còn lại.
Thập niên 90 của thế kỷ trước, điều này đã từng diễn ra và khi đó, người ta còn có câu cửa miệng: "Lính Quân khu trên tuyển", chứ đừng nói đội ngũ có "biên chế" Thể Công. Nhưng, chừng 1/4 thế kỷ qua, cầu thủ xuất xứ Thể Công (hay ít nhất là Viettel) đã dần đánh mất vị thế.
Nguyên do thì có nhiều, song cơ bản vẫn là vấn đề cơ chế, khi Thể Công Viettel hợp rồi tan, tan rồi lại hợp và tính liên tục không được duy trì. Mãi đến 2019, Viettel mới chính thức trở lại hạng đấu cao nhất Việt Nam và trở thành nhà vô địch 1 năm sau đó, dưới thời HLV Trương Việt Hoàng, cầu thủ con cưng một thời trong màu áo lính.
Thể Công Viettel lúc này đang được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Đức Thắng, cũng là một sản phẩm ưu tú khác của lò Thể Công. Với 3 chiến thắng quan trọng gần nhất trước các đối thủ sừng sỏ như Hải Phòng, Nam Định và CAHN, HLV Đức Thắng đã giúp đội bóng trong tim của mình khởi sắc và trở lại tốp trên bảng xếp hạng. Nó cũng giải thích lý do, tại sao quân Thể Công Viettel trên đội tuyển đợt này lại đa và tinh hơn so với các CLB khác.
Linh hồn trong lối chơi của Thể Công Viettel cũng như ĐTQG Việt Nam từ nửa thập niên qua chính là Hoàng Đức. Tiền vệ này quá ưu việt so với phần còn lại, với kỹ năng xử lý bóng khoan thai, nhãn quan chiến thuật tốt và khả năng chuyền bóng, thoát pressing thuộc hàng hiếm. Thời đỉnh cao nhất, cựu danh thủ Hồng Sơn, Minh Phương và Quang Hải, thậm chí cũng chưa đạt đến tầm ấy. Và Đức tạo ra sự khác biệt.
Trước khi tỏa sáng trong trận đấu với Philippines, lần cuối cùng người ta thấy Hoàng Đức chơi một trận cầu tuyệt luân trong màu áo ĐTQG, đấy là 45 phút đầu trận giao hữu với Hàn Quốc. Dưới thời HLV Philippe Troussier, Hoàng Đức bị cất quá kỹ, chỉ được sử dụng rất hạn chế và không đúng sở trường. Có Hoàng Đức trong đội hình, các vệ tinh được hưởng lợi rất nhiều.
Trở lại với vấn đề mà chúng ta đặt ra ở đầu bài viết. Sau lứa Thể Công 1987 đi Bungaria về và khóa đuôi một cái tên đã trở thành huyền thoại, giai đoạn đầu làm trẻ, sản phẩm của Viettel cũng lèo tèo. Khá nhất có Nguyễn Văn Quyết đã bị bán "lúa non" cho Hà Nội từ năm 2010. Và phải đợi đến hơn 10 năm sau, thế hệ của Bùi Tiến Dũng (Dũng "Tư"), Hoàng Đức, Đức Chiến, Phan Tuấn Tài... mới dần lấy lại vị thế cho đội bóng có gốc gác quân ngũ.
Trong khoảng thời gian bóng đá Việt Nam thăng hoa nhất (2018 - 2022), Hà Nội, HAGL và SLNA vẫn là những nguồn cung ứng chính về nhân sự cho các ĐTQG. Nhưng tương lai gần, dựa trên chất lượng sản phẩm đào tạo và đầu ra, có thể chỉ là chuyện riêng của Thể Công Viettel và Hà Nội FC. Đấy cũng là một nốt trầm!
"Để có thể duy trì vị thế ổn định trong tốp 10 nền bóng đá mạnh nhất châu lục, chúng ta cần hàng chục học viện hay trung tâm đào tạo cỡ lớn và liên tục góp mặt tại VCK Asian Cup. Còn để nuôi giấc mơ World Cup, tôi nghĩ cần thêm rất nhiều thế hệ cầu thủ nữa và một mình tôi không thể biến giấc mơ ấy trở thành hiện thực. Mục tiêu cần sự chung ta của rất nhiều bộ ngành và cả Chính phủ nữa, mới mong thành", cựu HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam, ông Park Hang Seo, từng nói.
Tags